Mẹ vẫn nhớ chợ

15/03/2023 - 19:12

PNO - Mẹ vẫn nhớ chợ và vẫn còn nguyên cái tảo tần, chịu thương chịu khó, dù tóc đã bạc, da đã mồi.

Hồi 7, 8 tuổi, mới 3, 4 giờ sáng, tôi hay “được” ba kêu dậy để bơi xuồng đưa mẹ đi chợ. Có bữa “giận” ba lắm, trời khuya, gió ngoài đồng hây hẩy, ngủ ngon đã đời, vậy mà phải dậy, vừa bơi xuồng vừa ngủ gật, ủi xuồng vào đám cỏ lác mọc ven bờ kênh. Giờ nghĩ lại, thấy tự hào về mình, từ nhỏ đã có thể đỡ đần ba mẹ.

Nhà tôi ở giữa đồng, xa khu dân cư; ba tôi vừa làm ruộng vừa thả đáy vừa nuôi vịt. Tôi đưa mẹ đến giồng, người kĩu kịt thúng gánh, khi mấy cặp vịt tơ, lúc chục ký tôm cua cá các loại, lúc thì trứng vịt... Có lần tôi hỏi: “Mẹ gánh có nặng không?”, mẹ cười: “Mẹ gánh nặng mới có tiền nhiều chứ”.

Ảnh mang tính minh họa - Bùi Văn Doanh
Ảnh mang tính minh họa - Bùi Văn Doanh

Sau nhờ dành dụm, mẹ mua được chiếc xe đạp, để ở nhà ngoại, mỗi buổi chợ, mẹ chỉ gánh đến đó rồi ràng các thứ vào xe và đạp ra chợ. Ở đó, mẹ “xí” một chỗ rồi bán đến khi xong; còn trứng thì luôn “đếm” (bán sỉ) lại cho vựa.

Tôi không biết mẹ bán ngoài chợ ra sao, chỉ thấy có hôm mẹ về trễ mà giọng khàn đục, chắc là phải mời mọc, nài nỉ, thậm chí tranh cãi với khách mua. Có hôm, mẹ về nhà trông quạu quọ, anh em chúng tôi chỉ lấm lét, chẳng dám hỏi một câu. Chắc là chợ thưa, bán chậm. Cũng có hôm mẹ về sớm, trông vui vẻ, ở nhà có lỡ làm hư hao đồ gì cũng không thấy mẹ la rầy.

Buổi về, mẹ lại gánh những thứ tiêu dùng. Có khi tôi bơi xuồng đi rước mẹ: mẹ đi đến khúc kênh gần nhà nhất (độ 200 thước) rồi cất tiếng “hú”, lúc thuận gió thì rất dễ nghe, cứ thế mà bơi xuồng đến. Thế nào cũng có đồ ăn cho mấy anh em chúng tôi, bánh hoặc trái cây. Bây giờ nghĩ lại mà thương mẹ.

Nhà nghèo, mẹ chỉ mua mấy loại bánh nhà quê, còn trái cây thì thường bị sâu, bị dập. Có bữa, mẹ đem về gói hột mít hay hột sầu riêng, nói “người ta cho”, chúng tôi đem hấp cơm, ăn ngọt, bùi vô cùng.

Có lúc nhà hết đồ để bán. Vịt “đứt lông” (ngưng đẻ chờ thay lông), vịt tơ chưa tới lứa, nước kém đóng đáy ít tôm cá... nguồn thu gia đình bị kiệt. Bữa cơm thường có các thứ do chúng tôi bắt được ngoài ruộng hoặc dưới kênh như cá chình, cá kèo, ba khía... nấu với rau muống hái dưới ao, rau đắng ở bờ ruộng...

Anh em chúng tôi cũng không có bánh trái, hột mít… để “cải thiện”. Ba mẹ ít cười nói khi nhắc đến sách vở, áo quần...

Lớn lên, tôi hiểu, dù chợ nghèo vẫn là nơi mua bán, vẫn là “hàn thử biểu” của đời sống một vùng. Nếu chẳng có hàng, chẳng có tiền thì chợ có gì để bán và bán cho ai... tức là cuộc sống của người dân đang túng thiếu. Và, không có mẹ tôi thì chợ vẫn đông, nhưng không có chợ chắc mẹ tôi càng vất vả hơn bởi con cá, cái trứng, cặp vịt làm ra chẳng thể đổi thành tấm áo manh quần, cuốn vở cùng các thứ quà bánh...

Ảnh mang tính minh họa - Hảo Hạnh
Ảnh mang tính minh họa - Hảo Hạnh

Mấy năm trước, mẹ ít đi chợ bởi có người mang đồ ăn đến bán tận nhà. Cái “chợ di động” đó thật tiện lợi - có người gánh 2 cái thúng, có người đẩy bằng xe đạp, cũng có người đi xe máy. Hàng hóa mỗi thứ một ít nhưng gần như cái gì tiêu dùng, ăn uống trong ngày cũng có. Đó là một công việc, một nghề sống khá ở quê tôi.

Dù vậy, lâu lâu mẹ tôi lại gói mớ ve chai, hái mớ rau trong vườn nhà đạp xe lộc cộc ra chợ bán để mua ít bánh trái về cho các cháu nội ngoại. Mẹ vẫn nhớ chợ và vẫn còn nguyên cái tảo tần, chịu thương chịu khó, dù tóc đã bạc, da đã mồi.

Giờ mẹ tôi hiếm khi đi chợ, bởi việc mua sắm, bếp núc đã có em dâu tôi lo. Nhưng thỉnh thoảng, mẹ lại đi xe đạp điện ra cái chợ nhỏ gần nhà mua vài thứ lặt vặt hoặc ít bánh trái cho cháu nội, như để ôn lại những ngày xưa thường đi chợ… 

Nguyễn Minh Hải 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI