"Mẹ và các con mong bố về”…

16/09/2024 - 06:34

PNO - Phía sau người lính đang lao vào bão lũ là biết bao ánh mắt, con tim thấp thỏm lo lắng, trông đợi và cả tự hào của những người vợ…

Trường Quân sự Quân khu 3 sẵn sàng lên đường ứng phó bão số 3 - ẢNH: HỒNG ĐỨC (Báo Quân đội nhân dân)
Trường Quân sự Quân khu 3 sẵn sàng lên đường ứng phó bão số 3 - Ảnh: Hồng Đức (Báo Quân đội nhân dân)

Siêu bão Yagi kèm theo lũ quét, sạt lở trong nhiều ngày qua đã gây bao đau thương, mất mát cho đồng bào các tỉnh, thành phía Bắc. Không ngại gian khó, hiểm nguy, hàng trăm ngàn cán bộ, chiến sĩ từ khắp mọi miền đất nước đã lập tức chi viện. Phía sau người lính đang lao vào hiện trường để tìm kiếm, giúp đỡ người dân gặp nạn hay khắc phục hậu quả bão lũ là biết bao ánh mắt, con tim thấp thỏm lo lắng, trông đợi và cả tự hào của những người vợ…

Những tin nhắn một chiều

Chồng chị Vũ Thanh Tâm (sinh năm 1988, ngụ tỉnh Bắc Giang) là chiến sĩ công an Dương Văn Quang - đang công tác tại xã Bình Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang - một địa phương thuộc vùng sâu khó khăn, cách nhà gần 30km. Từ khi nghe tin bão về, chị Thanh Tâm đã lập tức sắp xếp, chủ động phòng chống bão cho gia đình, vì biết chồng sẽ phải trực 100%.

“Bão tới, nhà tôi cũng bay mái tôn, bung cửa, đổ tường; nhưng biết chồng đang làm nhiệm vụ, sợ anh lo lắng nên tôi không dám gọi điện, chỉ nhắn tin báo nhà vẫn bình an để anh yên tâm, rồi dặn anh làm việc cẩn thận, an toàn trở về, có vợ và gia đình đang đợi” - chị Thanh Tâm chia sẻ.

Anh Dương Văn Quang (mặc quân phục công an) đang làm nhiệm vụ hỗ trợ người dân  tại xã Bình Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang - Ảnh do nhân vật cung cấp
Anh Dương Văn Quang (mặc quân phục công an) đang làm nhiệm vụ hỗ trợ người dân tại xã Bình Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang - Ảnh do nhân vật cung cấp

Qua những hình ảnh chồng gửi về, chị Tâm hết sức tự hào khi chồng mình và đồng đội đã dốc sức giúp bà con. Ngay khi bão ập đến, nhiều nơi chịu thiệt hại rất nặng, bao nhà dân tốc mái hoàn toàn, nước suối đổ dồn về nhanh, gây ngập, điện cúp, điện thoại mất tín hiệu… Các anh đã triển khai lực lượng giúp bà con khu vực ngập, lũ khắc phục sự cố, đảm bảo an toàn.

Chị Tâm chia sẻ thêm: từ khi lấy nhau, chị xác định làm vợ người lính đồng nghĩa với chuyện những ngày bão, lũ, thiên tai phải một mình xoay cùng lúc mấy hướng: vừa lo việc cơ quan, lo việc ở nhà, lo cho người thân, chưa kể phải cập nhật tin tức 24/24 để nghe ngóng tình hình nơi chồng đang công tác. Có những tin nhắn cứ gửi đi một chiều mà không thấy hồi âm. Chị vừa nhắn, vừa lo, mãi đến khi chồng ra khu vực có sóng điện thoại và nhắn trả lời, lúc đó chị mới thở phào nhẹ nhõm.

Sau bão, chồng vẫn chưa về được. Chị Thanh Tâm lại gói thêm cho chồng mấy bộ quần áo, làm thêm thức ăn dự trữ như chà bông, muối mè để mang cho chồng và đồng đội. Đường ngập không vào được, chị phải gửi nhờ lực lượng cảnh sát giao thông chuyển giúp. Cách đây 2 ngày, anh Quang tạt qua nhà, chỉ kịp hỏi thăm vài câu và đưa… một đống áo quần dính đầy bùn cho vợ giặt. Chỉ thế thôi mà chị cũng vỡ òa hạnh phúc vì được gặp chồng, được thấy anh mạnh khỏe, bình an.

Những ngày bình yên, gia đình chiến sĩ Dương Văn Quang và chị Vũ Thanh Tâm luôn hạnh phúc bên nhau - Ảnh do nhân vật cung cấp
Những ngày bình yên, gia đình chiến sĩ Dương Văn Quang và chị Vũ Thanh Tâm luôn hạnh phúc bên nhau - Ảnh do nhân vật cung cấp

Khi bão còn chưa đổ bộ, chồng chị Trịnh Lan Anh (sinh năm 1991, ngụ tỉnh Ninh Bình) đã phải trực chiến 100% tại cơ quan. Chồng chị là công an ở TP Ninh Bình. Đến ngày 12/9, nước lũ tại một số địa phương của tỉnh Ninh Bình dâng cao. Khi có lệnh di dân, chồng chị đã sẵn sàng ra hiện trường. “Buổi chiều, ông xã tôi về chuẩn bị đồ đạc, tranh thủ chút thời gian ngắn ngủi chơi với các con và ôm vợ. Cười vui thế thôi chứ trong lòng lo lắm, và tôi cũng chỉ dám nói với anh rằng: “Mẹ và các con mong bố về”.

Cũng theo chị Trịnh Lan Anh, nhà ngoại của chị ở huyện Nho Quan (Ninh Bình) mực nước dâng ở mức báo động. Nếu có lệnh, chồng chị sẽ vào vùng đó. Tuy Ninh Bình chưa nghiêm trọng như các nơi khác, nhưng tất cả đều trong trạng thái báo động cao, ở nhiều nơi đã lụt rất sâu. Ở nhà, chị Trịnh Lan Anh ngoài chuyện lo toan trong ngoài, coi sóc con cái, hễ hở ra phút nào là chị lại cầm điện thoại, hết xem tin tức rồi lại nhắn chồng cẩn thận, cầu trời cho chồng được bình an.

Trong những ngày đón bão Yagi, đại úy Đinh Hoàng Linh (cảnh sát khu vực, Công an phường Phúc Xá, quận Đống Đa, Hà Nội) luôn túc trực tại phường. Hôm bão vào Hà Nội cũng là ngày anh trực chính. Thời điểm 20g, gió giật mạnh, 21 - 22g là đáng sợ nhất khi những cơn gió quăng quật liên hồi như muốn giật tung cả mái nhà. Khi ấy, vợ anh - chị Trần Lan Anh chỉ biết cố ôm con thật chặt. Nghĩ đến chồng đang phải lao ra đường làm nhiệm vụ, chị rất sốt ruột: “Tôi không dám đọc nhiều tin tiêu cực, vì có những tin khiến mình lo sợ hơn nhiều. Vợ chồng tôi vẫn cố gắng nhắn tin và gọi cho nhau. Chồng tôi, dù bận mấy vẫn cố trả lời”.

Sau bão, nước sông Hồng dâng cao, anh Hoàng Linh chưa kịp về với gia đình thì đã phải khăn gói đến vùng ngập lụt. Mẹ con chị Trần Lan Anh lại chỉ nhìn được hình ảnh anh Hoàng Linh qua các trang tin tức, cố tìm hình bóng màu áo xanh thân quen trong mênh mông nước lũ và đổ nát. Có những ngày cúp điện, mất mạng, không liên lạc được với anh vì không có sóng. Biết mẹ con ở nhà trông ngóng nên cứ chỗ nào có sóng là anh lại nhắn vội vài dòng tin về để chị yên lòng.

Nhiều phút chạnh lòng, một đời tự hào

Những người vợ mà chúng tôi kết nối để thực hiện bài viết này đều có chung tâm sự: làm vợ lính sẽ không tránh khỏi những phút chạnh lòng, bởi rất nhiều khi mệt mỏi, ốm đau cũng chỉ một mình tự cố gắng, không có chồng ở bên. Những ngày mưa to gió lớn, các chị vẫn một mình gồng gánh lo toan, làm chỗ dựa cho mẹ già, con thơ. Những ngày trong nhà có sự cố, cũng là vợ phải tự thân quán xuyến.

“Tôi lấy chồng công an thì sớm đã xác định: không chỉ những lúc thiên tai hay có sự vụ đặc biệt, mà cả lễ, tết, anh cũng trực 100%. Hơn 10 năm kết hôn, vợ chồng tôi chưa được đón giao thừa cùng nhau lần nào. Con cái cũng chưa được bố đưa đi xem pháo hoa bao giờ vì những ngày lễ, tết bố đều đi làm” - chị Trần Lan Anh bộc bạch.

Chồng chị Trần Lan Anh thường bù đắp cho vợ con bằng những chuyến đi chơi  trong dịp nghỉ phép - Ảnh do nhân vật cung cấp
Chồng chị Trần Lan Anh thường bù đắp cho vợ con bằng những chuyến đi chơi trong dịp nghỉ phép - Ảnh do nhân vật cung cấp

Những lúc không phải trực, chồng chị Lan Anh thường tranh thủ về nhà ăn cơm trưa cùng vợ, chiều lại tới trường đón con. Tối đến, anh dành thời gian chơi với 2 cô con gái. Cuối tuần, anh đưa cả nhà đi chơi như để bù đắp cho những thiệt thòi của vợ con. Cô con gái 3 tuổi cứ thấy ai mặc quân phục màu xanh là lại reo lên: “Chú công an bố Linh đấy mẹ ạ”. Còn bé lớn, nếu thấy trang phục mô phỏng đồng phục chiến sĩ công an ở khu vui chơi là nằng nặc xin mặc cho bằng được.

Có con gái đầu năm nay đã học lớp Chín, vợ chồng chị Thanh Tâm cũng đang chữa hiếm muộn để sinh cháu thứ hai. Nhưng do tính chất công việc của anh nên rất khó sắp xếp được thời gian để cùng nhau đi khám, ảnh hưởng đến quá trình điều trị.

Chị Thanh Tâm chia sẻ: “Công việc của anh là vậy nên tôi không buồn giận gì anh cả. Chồng tôi rất yêu thương vợ con, luôn động viên, chia sẻ nên tôi cũng bớt tủi thân. Tôi cố gắng làm việc, chu toàn gia đình, làm hậu phương cho anh cùng đồng đội giữ gìn sự bình yên cho nhân dân”.

Chị Thanh Tâm hiện là cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện. Công việc của chị cũng khá bận rộn, nhưng chị tự nhủ khó khăn của mình chưa là gì so với người khác. Chị xác định phải làm được hết mọi việc, bản thân phải mạnh mẽ để chồng yên tâm. Thương con vất vả, cha mẹ 2 bên rất thấu hiểu, hỗ trợ mẹ con chị rất nhiều trong những lúc anh vắng nhà.

Dải đất hình chữ S thân thương đã đón biết bao trận bão, lũ. Sau bão, đã có những người chiến sĩ không trở về với gia đình. Mỗi lần lướt qua những tin tức đó, lòng những người vợ lại se thắt. Nhưng vượt lên nỗi lo lắng, yêu thương có cả sự tự hào, bởi các anh đã dấn thân và hy sinh cho bình yên của nhân dân. “Tôi một đời tự hào được là vợ của chiến sĩ” - chị Thanh Tâm xúc động chia sẻ.

Linh Nguyễn

Quân đội huy động gần 458.000 cán bộ, chiến sĩ ứng phó bão số 3

Theo Cục Cứu hộ - Cứu nạn, Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam, quân đội đã huy động gần 458.000 cán bộ, chiến sĩ (bộ đội thường trực, dân quân tự vệ, dự bị động viên) và hơn 10.100 phương tiện các loại ứng phó với bão số 3. Trong đó, có hơn 400 xe đặc chủng, hàng ngàn ô tô, tàu thuyền và 6 máy bay trực thăng. Các quân khu 1, 2, 3, 4, 5; Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đã hỗ trợ nhân dân chằng chống nhà cửa và di dời dân khỏi khu vực nguy hiểm. Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng đã chỉ đạo Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Định quản lý chặt chẽ các phương tiện ra khơi; tổ chức kiểm đếm, hướng dẫn sắp xếp neo đậu tàu, thuyền tại nơi tránh trú an toàn, xử lý kịp thời tình huống có thể xảy ra.

(Theo Báo Quân đội nhân dân)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI