Mẹ ưa nịnh nên mẹ khổ

08/10/2020 - 11:23

PNO - Vợ tôi lúc nào cũng than mệt vì phải phục dịch hai con gái. Thế nhưng chỉ cần chúng nịnh vài câu, là đâu lại vào đó.

Kính gửi chị Hạnh Dung,

Vợ tôi hay kêu ca rên rỉ lúc chỉ có hai vợ chồng. Lúc nào cũng than mệt quá, nhưng có hai đứa con gái lớn ngồng thì lại không dám sai nó làm gì.

Con gái nên sinh hoạt phức tạp lắm. Nội nhìn cái tủ giày của các chị ấy là đủ… choáng rồi. Phòng riêng thì bừa bộn, vợ tôi phải rình chúng nó đi vắng mới lẻn vào quét dọn, bê ra cả đống rác hộp, túi đựng đồ vứt xó. Đến lúc về, nó kêu ầm lên là ai vào “làm lung tung hết cả đồ của con, tìm gì cũng không thấy đâu”.

Bữa nào các con tổ chức sinh nhật hay đãi bạn, cũng bày đặt xắn tay làm bếp, trang trí hoa xanh đỏ rõ đẹp. Cuối ngày khách về hết, là mẹ chúng hứng trọn trận đồ bát quái xoong nồi, dọn dẹp đến tận khuya.

Khi cô ấy kêu ca, tôi có phân tích cách xử sự vô lý, tự ôm đồm làm khổ mình, nói rằng phải rèn con gái. Thì cô ấy lại… quên ngay mệt nhọc, chỉ vì… ưa nịnh chị ơi. Hai cô con gái chỉ việc ôm cổ hôn chùn chụt “má tuyệt nhất quả đất”, là vợ tôi thành người khác ngay. Miệng mắng “cha bố các chị”, nhưng mặt thì tươi như hoa. Vậy mà chỉ qua ngày mai, lại… kêu.

Mà cô ấy cũng vất vả, chịu đựng, yếu đi nhiều. Tôi có thể làm gì để cải thiện tình hình này ạ?

Phạm Văn Đôn (TP.HCM)

Tôi có hai con gái mà chúng đều lười, dồn hết việc cho mẹ. Ảnh minh họa
Hai con gái lớn rất lười, ăn ở thì dơ dáy, quen dồn hết việc lớn việc nhỏ cho mẹ. Ảnh minh họa


Anh Đôn quý mến,

Tôi cũng thấy cảnh đó nhân một lần đi uốn tóc. Vì làm tóc khá lâu nên tôi bất đắc dĩ chứng kiến câu chuyện của chủ tiệm y chang lời anh kể. Giờ tôi kể lại anh nghe xem có “chướng” không nhé.
Cũng hai cô con gái, mẹ bận tíu tít vừa bán sim điện thoại, vừa chạy tới lui làm tóc cho khách. Tôi nghe chị ấy gọi to lên lầu nhờ cô con gái việc nhà, cô bé nói vọng xuống: “Con đang bận”. “Lấy giùm má cái túi xanh trên bàn, mở ra trong đó…”, chưa dứt câu thì đã nghe giọng cô bé đáp lại rất dễ thương: “Thì má cứ coi như con đang ở trường, không có nhà, được không?”.

Vừa may anh chồng về, cô vợ liền mách tội con. Tưởng ba quát con giúp mẹ, nào ngờ ông này còn càu nhàu: “Để đâu thì lên mà lấy chứ nó biết đằng nào mà tìm?”.

Thế là chị vợ “một mình một phe” chạy bấn loạn tự lo lấy.

Cho nên từ chuyện nhà ấy tôi đem so với tình hình anh kể, thì thấy nhà anh còn… may hơn. May ở chỗ anh không “về phe” các con, coi việc vợ phải làm là lẽ đương nhiên. Anh thấy rõ tình trạng của chị ấy và muốn cải thiện cho vợ đỡ khổ. Nhưng anh lại… chào thua đứng nhìn cảnh vợ “ưa nịnh” thèm tình yêu của các con, chỉ cần nó… nịnh một câu là mặt tươi như hoa, bao nhiêu mệt nhọc bay biến.

Các cô con gái ỷ lại và “biết thóp” nhược điểm này nên càng… yên trí. Anh nên làm gương cho các con, giúp vợ việc lặt vặt cho các con thấy mà học theo. Ngoài ra anh cũng nên nói chuyện với hai cô nương. Chỉ cho các cô thấy rõ khối lượng việc nhà vất vả. Mẹ tuy không la mắng giận dữ gì, nhưng sức khỏe chắc chắn phải bị ảnh hưởng.

Anh cũng nên nhờ con giúp việc nhà, không chỉ để “giúp mẹ”, mà là tập làm phụ nữ đảm đang, biết dọn dẹp, thích sống sạch sẽ, nay mai đi lấy chồng còn biết cách chăm lo cuộc sống gia đình. Thỉnh thoảng anh gợi ý các con tổ chức đi nghỉ mát, tạo cơ hội chăm sóc mẹ và chú ý tới mẹ hơn.
Có thể hành động lười việc nhà chỉ là do các con… ỷ lại vào mẹ chút thôi. Nếu quả thật yêu thương cha mẹ, thì chắc chắn các con anh sẽ biết mình phải làm gì.

Thân chúc anh mau góp sức giải quyết cho tình hình khá dần lên.

HẠNH DUNG

 

Thư chia sẻ cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn đọc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

Tư vấn tâm lý - tình yêu - hôn nhân trực tiếp và miễn phí tại Phòng tư vấn Hạnh Dung, toà soạn Báo Phụ Nữ.

Thời gian: từ Thứ 2 tới Thứ 6 trong giờ hành chánh.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI