Mẹ trở thành người khác khi về nhà mới

08/12/2019 - 18:00

PNO - Mẹ dọn về nhà mới. Mẹ vui, mẹ như trở thành người khác. Cái cô tóc bạc phơ, xách giỏ nhựa đan dây chằng chéo, xài tiền kỹ khi đi chợ ngày xưa biến mất.

Mẹ cầm tay tôi trong một buổi chiều còn vương sắc nắng trên bức tường còn nguyên mùi sơn mới: “Nhanh quá con, vậy mà mẹ chờ hơn 40 năm”. Giấc mơ của mẹ, mẹ chờ gần 1/2 thế kỷ mới ra dáng ra hình. Nắng chiều xuyên qua, màu xanh thẫm của những đường viền càng như nổi lên, chói lóa giữa con hẻm buồn tẻ với những mái tôn quen thuộc.

Mẹ xây nhà, dựng cửa là vì...

Tôi giả bộ hờn trách mẹ, không phải có cha, có tụi con, có bầy cháu là giấc mơ của mẹ sao? Ừ, đó là hạnh phúc của mẹ nhưng mẹ vẫn thích có một căn nhà lầu tường cao cuối hẻm. Khi căn nhà kỷ niệm cấp 4 đã quá tệ hại, chúng tôi có hàng… vạn phương án đưa ra. “Mua chung cư đi mẹ, giờ tiện lợi lắm luôn” hay “có cái nhà mới xây to đẹp lắm mẹ à” rồi “bán quách căn này, qua bé út ở chơi với cháu trai suốt ngày”…

Mẹ tro thanh nguoi khac khi ve nha moi
Ảnh minh họa

Dĩ nhiên, mẹ có tỷ cách thoái thác, mấy cái nhà xây sẵn không tin được, ở chung cư người ta làm ầm ầm trên đầu mình sao chịu nổi, rồi cháy nổ sao con? Và chốt hạ, mẹ muốn xây nhà ông bà mình ở đây, các con lớn lên ở đây, bỏ đi sao đành. 

Rồi thì đâu đó bâng quơ, lạc lõng trong hàng trăm cuộc hội thoại, “mẹ cũng muốn nở mặt nở mày với chòm xóm, cả đời làm lụng mà con”. Câu nói không nhấn nhá, không sắc thái đó lại là ý chính chăng? Mẹ luôn sống nhìn trước ngó sau. Mẹ một đời vì chồng con quên thân mình. Mẹ còn sống theo tiếng đời.

Đôi lúc là sĩ diện, gắng gồng. Mẹ không phá được bức tường đó, để chỉ là chính mình thôi. Mấy đứa con gào khan cổ nhưng tính cố hữu dễ gì đổi thay. Đến lúc, tình yêu thương đủ lớn, lũ con quyết định làm điều mẹ thích hơn là thực hiện những cái tốt nhất cho mẹ. “Mình xây nhà đi mẹ. Hơi cực chút nhưng có tụi con” và dĩ nhiên, câu trả lời muôn thuở khi tất cả thuận theo ý mẹ “tùy tụi con và bố”. Ôi người mẹ, người phụ nữ của muôn đời.

Ước mơ đã thành hiện thực

Mọi thứ được ráo riết để khởi công trước mùa mưa. Một anh thầu trẻ được mời đến. Mọi thứ đều bị nghi ngờ năng lực ngoài việc khả năng chịu đựng tính “trẻ con” của người già đến cao độ. Thiết kế được đưa ra, theo lối hiện đại, tối giản nhưng đồng thời “sống bền, sống lâu” cùng năm tháng, mẹ hân hoan lắm.

Rồi sáng hôm sau, “mẹ đi đường thấy người ta làm kiểu này nè con”, thế là thêm thắt chút xíu. Rồi cuối tuần, “cô Vân dặn mẹ phải làm vậy nè con”, thế là thêm, là bớt, mỗi thứ một ít. Cứ vậy, ngôi nhà xa rời bản vẽ ban đầu và na ná một vài căn nhà khác trong hẻm cạnh bên.

Mẹ tro thanh nguoi khac khi ve nha moi
Mẹ dường như… sành điệu hơn trong căn bếp mới khang trang

Thôi chắc vậy là ổn với mẹ. Ổn với mẹ là cả nhà vui. Ngẫm ra thấy bà mẹ của mình thật hạnh phúc… trong chuyện xây nhà. Nhưng bù sao được bao nỗi bất hạnh, vất vả trong đời mẹ đã đi qua.

Ngày dọn nhà, mẹ gây ngạc nhiên khi không buồn giữ lại đồ cũ như các người già khác. “Nhà mới xài đồ cũ coi kỳ lắm” và thế là 1/2 đồ đạc trong nhà ra đi bằng mọi cách. Nhưng một căn phòng giữ đồ kỷ niệm từ tủ gỗ, tủ sách cũ và những món đồ bằng đồng giá trị của bà nội để lại là “phải có cho mẹ”. Nhưng chỉ phân nửa trong 1/2 đống đồ đó được về nhà mới. Số còn lại tiếp tục ra đi vì không hợp với nhà mới thật. 

Sáu tháng đi qua, mùa mưa cũng dứt. Mẹ vẫn như người đi tập dưỡng sinh qua lại căn nhà. “Mẹ thấy thằng thầu mặt nó rầu quá, thép sắt tăng gì hả con?”, “Thợ miền ngoài nói năng to tiếng nhưng không có rượu chè phiền lối xóm”… đó là những mẩu chuyện của mẹ và con.

Rồi gần xong, đèn điện sáng choang, sắp sửa về nhà mới, mẹ lại hờn mát: “Còn nhiều thứ chưa đâu vào đâu, mẹ đi ngang thấy hết. Cái sàn nước làm tệ hết sức”. “Là sao?”. Và cuối cùng đâu đó thò ra ý, mẹ là chủ nhà mà chẳng được hỏi han, không được quan tâm. Kiểu là, không ai buồn mời mẹ đi một vòng căn nhà của mình, tủi thân quá còn gì.

Ôi… thế là sáng hôm sau, cha, con, thầu xây dựng đến từ sớm chờ mẹ mặc chiếc áo hoa nâu thẫm lững thững sang nhà để chỉ đạo. Và mẹ cười từ đầu đến cuối, “cái này đẹp theo đúng ý bác”, “nhìn là biết sự bày vẽ của ai rồi, mai mốt lau chùi mệt xỉu”. 

Cho ngày mai, cho muôn đời sau

Mẹ dọn về nhà mới. Mẹ vui, mẹ như trở thành người khác. Cái cô tóc bạc phơ, xách giỏ nhựa đan dây chằng chéo, xài tiền kỹ khi đi chợ ngày xưa biến mất. Những chuyến xe em gái chở mẹ đi mua này nọ liên tục. Mở đầu câu chuyện ở mỗi cửa hàng luôn là “nhà cô mới xây. Cả đời cô mới xây được căn nhà đó con, giờ thì an lòng rồi…”. Có những ngày quá đuối, bày mẹ mua hàng online, mẹ cũng lướt cho gọn. Rồi mẹ thắc mắc ủa sao Facebook nó biết cái mình cần mà xuất hiện hoài vậy con? 

Vào nhà mới, mặc cái chân đau, mẹ vẫn hăng hái làm “hướng dẫn viên du lịch” suốt ba tầng lầu. Mẹ luôn miệng chuyện nhóm xây dựng này làm đẹp, làm chắc, lại dễ thương. Rồi mẹ còn bỏ nhỏ: “Có làm kêu tụi nó đi. Có gì mấy cậu đó lo hết, mình khỏe re à”. Mẹ mở cửa đón khách nhiều hơn, có những gương mặt lạ xuất hiện. Hỏi ra mới biết hay đi chợ chung hay chỉ là cô bán gạo mối.

Vậy đó, tour tham quan nhà kéo dài đến cả chục ngày chứ chẳng ít. Nhiều khi bỗng ngạc nhiên vì cái sự “bà tám” của mẹ. Hay là người ta bỗng đổi tính vì một điều gì đó theo đuổi quá lâu bỗng thành sự thật. 

Rồi tuần lễ vào nhà mới qua nhanh, nhà cao cửa rộng, lũ con có những thế giới riêng. Trời xế trưa, nhà bếp vắng lặng, chỉ còn cha và mẹ cùng đứa cháu trai. “Mười người thì hết mười một người khen nhà mình đẹp” mẹ nói giọng vẫn còn vui lắm. Cha nghe quá quen, chẳng buồn đáp lại. Đứa cháu ngước lên, “tết này con không về nội, ở nhà mới với bà được không?”. Mẹ cười, “xây cho con mà. Con phải ở đây suốt đời chứ”. Thật vậy, mẹ xây nhà mới cho ngày mai, cho muôn đời sau mà!

Phạm Ngọ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI