Mẹ trầm cảm, con sinh ra có thể chậm phát triển nhận thức

01/05/2022 - 18:28

PNO - Sự lo lắng, trầm cảm và căng thẳng kéo dài của thai phụ làm thay đổi các tính năng chính của não thai nhi, từ đó làm giảm sự phát triển nhận thức của trẻ sinh ra khi được 18 tháng tuổi.

Phát hiện nói trên là từ một nghiên cứu mới đây do Bệnh viện Nhi đồng quốc gia Mỹ (CNH) thực hiện, được công bố trên tạp chí JAMA Network Open. Các nhà nghiên cứu đã theo dõi một nhóm gồm 97 phụ nữ mang thai và trẻ được sinh ra từ những thai phụ này. 

phụ nữ thường xuyên bị căng thẳng, lo lắng và trầm cảm trong thời gian mang thai sẽ khiến trẻ có nguy cơ bị mất kiểm soát cảm xúc
Phụ nữ thường xuyên bị căng thẳng, lo lắng và trầm cảm trong thời gian mang thai sẽ khiến trẻ có nguy cơ bị mất kiểm soát cảm xúc

Các nhà nghiên cứu cũng cho biết, phụ nữ thường xuyên bị căng thẳng, lo lắng và trầm cảm trong thời gian mang thai sẽ khiến trẻ có nguy cơ bị mất kiểm soát cảm xúc và hành vi sau này. Ngoài ra, nếu tình trạng này kéo dài sau khi sinh có thể ảnh hưởng đến sự tương tác giữa cha mẹ và con cái, cũng như khả năng tự điều khiển của trẻ.

Đây là nghiên cứu đầu tiên làm sáng tỏ mối liên hệ quan trọng giữa những thay đổi ảnh hưởng đến sự phát triển não bộ của thai nhi trong tử cung, do phải chịu tác động từ người mẹ bị căng thẳng cao độ trong thai kỳ, và các hậu quả về phát triển nhận thức lâu dài của trẻ khi sinh ra.

Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng, khi còn trong bụng mẹ, những thay đổi về độ sâu và thể tích hồi hải mã bên trái trong não của thai nhi có thể dẫn đến các vấn đề về phát triển thần kinh sau khi sinh. Khi lớn lên trong độ tuổi chập chững biết đi, trẻ có thể thường xuyên gặp phải các vấn đề tình cảm - xã hội, và khó thiết lập mối quan hệ tích cực với những người khác, kể cả người mẹ. 

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cũng cho biết, để khẳng định thêm điều nói trên, cần có các nghiên cứu trong tương lai với cỡ mẫu lớn hơn, từ nhiều thành phần dân số và nhiều địa phương khác nhau.

“Bằng cách xác định những phụ nữ mang thai có mức độ căng thẳng tâm lý cao, các bác sĩ lâm sàng có thể nhận ra những thai nhi có nguy cơ bị suy giảm phát triển thần kinh sau này, từ đó can thiệp kịp hỗ trợ kịp thời”, tiến sĩ Catherine Limperopoulos - Giám đốc của Viện Nghiên cứu sự phát triển của não bộ thuộc CNH,  thành viên của nhóm nghiên cứu - cho biết.

Theo tờ Science Daily, cứ 4 phụ nữ đang mang thai ở Mỹ thì có 1 người bị các triệu chứng liên quan đến căng thẳng, bất kể họ đang ở trong tình trạng kinh tế xã hội nào. Mối quan hệ giữa những thay đổi trong sự phát triển não bộ của thai nhi, sự suy nhược tâm lý của người mẹ trước khi sinh và những hậu quả về sự phát triển thần kinh lâu dài của trẻ hiện vẫn chưa được biết rõ.

Nghiên cứu sự phát triển não bộ của thai nhi trong tử cung hiện đang gặp nhiều những thách thức, do chuyển động của thai nhi và mẹ, công nghệ hình ảnh, các vấn đề về tỷ lệ tín hiệu trên tiếng ồn, và những thay đổi trong sự phát triển của não.

Trong nghiên cứu mới đây, tất cả những thai phụ tham gia đều có sức khỏe tốt, hầu hết đều có trình độ học vấn cao và đã đi làm. Để đo lường mức độ căng thẳng, lo lắng và trầm cảm của bà mẹ trước khi sinh, các nhà nghiên cứu đã sử dụng một bảng câu hỏi khảo sát chuẩn đã được công nhận. Thể tích não của thai nhi và độ “nhăn” của vỏ não được đo từ hình ảnh tái tạo ba chiều bằng công nghệ MRI. Lượng creatine và choline trong não của thai nhi được đo lường bằng phương pháp phổ cộng hưởng từ proton. Sự phát triển thần kinh của trẻ 18 tháng được đo bằng các thang đo và đánh giá tiêu chuẩn đã được công nhận.

Nghiên cứu này, được xây dựng dựa trên công trình trước đây của Viện Nghiên cứu sự phát triển của não bộ do tiến sĩ Limperopoulos đứng đầu, đã phát hiện ra rằng sự lo lắng ở phụ nữ mang thai dường như ảnh hưởng đến sự phát triển não bộ của thai nhi. Nhóm nghiên cứu cũng nhận thấy, sức khỏe tâm thần của bà mẹ, ngay cả đối với những phụ nữ có địa vị kinh tế xã hội cao, cũng có thể làm thay đổi cấu trúc và sinh hóa của não thai nhi đang phát triển. Những bằng chứng này cho thấy tầm quan trọng của việc hỗ trợ sức khỏe tâm thần cho phụ nữ mang thai.

“Chúng tôi đang nghiên cứu điều chỉnh mô hình chăm sóc sức khỏe, và áp dụng những thay đổi này trên diện rộng để hỗ trợ các bà mẹ tốt hơn. Rõ ràng, việc đưa ra các biện pháp can thiệp sớm có thể giúp các bà mẹ giảm bớt căng thẳng, và điều này sẽ tác động tích cực đến các triệu chứng của họ và trẻ sinh ra sau này”, tiến sĩ Limperopoulos chia sẻ.

 

Nhất Nguyên (theo Science Daily)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI