Mẹ tôi “trẻ hoài”

10/12/2023 - 06:44

PNO - “Mẹ mày cứ trẻ hoài” - bà ngoại hay nói vậy. Trước đây, tôi cứ tưởng đó là lời khen. Đến khi lớn khôn, tôi mới hiểu ra là vì mẹ mình hồn nhiên, vô tư quá. Có lúc tôi tự hỏi đó có phải là lý do cha bỏ mẹ đến với người phụ nữ kia để có người chia sẻ mỗi khi cần?

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Mới tháng trước đây, mẹ khoe hội phụ nữ mời mẹ làm giám khảo cuộc thi “Bữa cơm ngon” tổ chức ở một xã vùng ven. Bà ngoại kêu lên “Hết người rồi hả?”. Nghe là hiểu ngay ngoại chê mẹ nấu dở mà chấm điểm cuộc thi nấu ăn coi sao được. Mẹ tỉnh bơ trả lời làm giám khảo đâu cần biết nấu, chỉ cần biết nếm.

Chẳng biết có món ăn nào bị chấm điểm oan không, chỉ thấy mẹ chăm chút váy áo hơn, hay cười hơn, xinh đẹp hơn và hay mở ti vi xem phim ngôn tình, còn rủ con gái tôi cùng xem. Tôi thì cấm mà mẹ cho xem nên 2 đứa con tuổi mười ba mười lăm của tôi thích mẹ lắm. 

Tôi cằn nhằn: “Phim có con nhỏ nhân vật chính tự tử vì tình mà sao mẹ lại…?”. Mẹ tròn mắt: “Nhưng cấp cứu kịp mà, cuối phim nó cũng đi thi đại học với bạn bè đó”. Mẹ nói bằng giọng như thể bị tôi trách oan.

***
Bà ngoại gọi điện cho tôi bằng giọng phiền muộn: “Biết gì chưa? Mẹ cháu sắp lấy chồng, mà còn theo người ta về quê”.

Trời, mẹ quen cuộc sống thị thành xí xọn, lúc giao mùa da dẻ hơi bị khô, mẹ phải bôi đủ loại kem và ngay cả buổi chiều tắt nắng mà mẹ vẫn trùm kín mít khi ra đường, chút đốm nám trên cánh tay cũng khiến mẹ xuýt xoa nhăn nhó… sao mà sống ở quê được! Tôi nói mẹ hãy suy nghĩ thêm, mẹ cho là tôi ích kỷ tìm cớ ngăn cản. Điều quan trọng vậy mà không thể nói chuyện rõ ràng được, mệt quá chừng. Ước gì mẹ chững chạc để tôi được yên lòng nhìn mẹ theo chồng.

***
Dượng là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi lên thành phố dự hội nghị giao lưu nông dân điển hình tiên tiến, mẹ tôi khi đó trong nhóm lễ tân đón tiếp. Rồi mẹ và dượng gặp lại nhau trong cuộc thi “Bữa cơm ngon” mà dượng là người tài trợ giải thưởng.

Đám cưới mẹ và dượng đáng gọi là nhanh như chớp. Mấy đứa con của 2 bên chưa kịp làm quen nhau, tôi chỉ mới trò chuyện với Long vì anh là con lớn nhất. Cụng ly chúc phúc, tôi có cảm giác Long lấy cớ ngà ngà say để tuôn ra: “Nói thiệt là anh em tui hay tin ông già có người thương thì đứa nào cũng mừng. Nhưng mà ông già tui là nông dân, còn mẹ chị… quá khác biệt…”.

Đó cũng là điều tôi lo sợ nhưng không thể gật đầu với Long nên tôi nói bằng giọng vui vẻ đúng không khí tiệc cưới: “Có cặp đôi giống tính nhau, như sách vở nói là cùng nhìn về một hướng và cũng có cặp đôi khác biệt để bổ khuyết cho nhau”. Nói xong, tôi tự đỏ mặt vì nghe sáo rỗng quá chừng. 

Long thở dài: “Chị thiệt tình tin vậy à?”.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

***
Mẹ gửi cho tôi những thùng rau tươi xanh sạch. Facebook của mẹ đầy những hình ảnh chụp cảnh vườn xanh mướt hoa trái và mẹ như bà hoàng hậu thướt tha xinh đẹp giữa bao sắc hoa…

Có tấm hình mẹ đang gội đầu cho dượng. Dượng nằm trên tấm phản, đầu dượng đặt trên một cái ghế đan bằng trúc có những lỗ thoát nước. Status mẹ viết “Chăm sóc người đàn ông nhà quê ngốc nghếch của tôi”. 

Tôi sợ Long tức giận vì mấy chữ “nhà quê ngốc nghếch”, rồi tôi thở phào vì câu bình luận của Long: “Cảm ơn dì”.

***
Tôi đang nghĩ tới việc có nên mua tặng cái giường gội đầu để dượng nằm cho thoải mái thì Facebook của mẹ đăng tấm hình chụp cây hoa hồng bị trốc gốc ngả nghiêng, rồi mẹ xuất hiện trước nhà tôi với cái vali trong tay: “Căn hộ của mẹ lỡ cho thuê hợp đồng nguyên năm rồi, nếu con không cho ở nhờ thì mẹ đi khách sạn cũng được”. May mà chồng tôi thấu hiểu, anh chỉ cười và nói: “Mong mẹ ở chơi lâu lâu cho em được thoát khỏi bếp núc ha?”. Cứ như là anh từng được ăn những món ngon mẹ nấu.

Nhưng đáng ngạc nhiên là mẹ nấu khá ngon, còn đòi mua cái nồi đất để kho cá cho đúng kiểu. Rõ ràng cuộc sống cùng dượng đã khiến mẹ thay đổi. Nhưng tại sao…?

Rồi thì mẹ rủ 2 đứa con tôi đi chơi. Facebook của mẹ đầy hình ảnh món ăn và cảnh bà cháu đi chơi, cứ như cuộc giận hờn là cơ hội cho những điều vui thú. Hay là mẹ chán cảnh thôn quê rồi? Tôi tự hỏi dượng có chịu về thành phố không, nếu…?

Long điện thoại cho tôi: “Ông già buồn lắm đó. Chị nghĩ sao?”.

Tôi hỏi lại Long: “Anh nghĩ sao?”.

Long nói: “Tui biết ông già mong dì lắm”.

Tôi nói bừa: “Tôi chắc là bà già cũng mong được đón về”.

Long kêu lên: “Chị thông cảm cho. Ở quê, đàn ông mà tỏ ra sợ vợ là bị cười chê dữ lắm. Chị giúp một tay để tui qua rước dì về nghe?”.

Long chịu thay dượng qua đón thì hay quá rồi. Tôi nói với mẹ: “Cuối tuần này về thăm dượng cho cả nhà có dịp đi chơi nghe mẹ?”. Chồng luôn hiểu ý tôi đằng sau câu chữ, anh hùa theo: “Ừ, cho 2 đứa nhỏ hít thở không khí đồng quê trong lành với lại tụi mình được ăn rau mới hái”. Cứ vậy, vợ chồng tôi rôm rả bàn chuyện về quê chơi cứ như mẹ chỉ có việc đi theo mà thôi.

Chiếc xe 7 chỗ đến đón, Long ngồi sau tay lái nhìn mẹ tôi và nói: “Con chào dì” bằng giọng vui vẻ như không hề biết chuyện giận hờn. Mẹ cũng cười vui vẻ. Tôi thì lo thắt ruột. Chẳng thể nói trước điều gì vì có thể buổi chiều mẹ sẽ lên xe trở về cùng vợ chồng tôi. Tôi không dám nói với Long điều này, mẹ là vậy, tôi chỉ biết cầu mong. 

Cái vali của mẹ thành vấn đề. Tôi thì muốn đem nó theo luôn cho tiện nhưng Long nói chỉ là đi chơi mà đem nó theo sợ mẹ cảm thấy bị thúc ép rồi bực mình thì hư chuyện. Cuối cùng, tôi để cái vali lại với ý nghĩ chỉ cần mọi chuyện êm đẹp thì ngày mai có mất công đi lại 2 vòng để xách nó về quê cho mẹ thì cũng đáng.

Đúng như Long nói. Dượng dang rộng 2 tay ôm choàng mẹ vào lòng. Tôi hồi hộp đợi phản ứng của mẹ. May quá, mẹ để yên cho dượng ôm và nhăn mặt: “Mấy ngày rồi anh chưa gội đầu?”.

***
Máy cày bị lật, dượng bất tỉnh vì bị rơ moóc đè lên người.

Mẹ ngồi suốt đêm trước phòng cấp cứu. Sáng ra, Long phân công tôi đi chợ nấu cháo, anh sẽ ở lại bệnh viện, còn mẹ về nhà ngủ một giấc để giữ sức. Mẹ lắc đầu. Mẹ nói muốn mình là người đầu tiên dượng nhìn thấy khi vừa mở mắt ra.

Thêm 1 ngày 1 đêm, dượng vẫn thiêm thiếp. Chồng vào thay để tôi về với 2 đứa con. Tôi thì thầm dặn chồng nếu mẹ ngủ gục thì hãy để yên cho mẹ ngủ và nhiệm vụ của anh là đừng để mẹ bị muỗi cắn.

Nồi cháo vừa chín tới thì điện thoại reo vang, chồng tôi thất thanh: “Dượng tỉnh rồi…”. Tôi hoảng sợ: “Dượng tỉnh rồi thì vui mới phải, sao giọng anh lạ lùng?”. “Anh không hiểu sao lẽ ra là mừng vui mà mẹ và Long lại căng thẳng quá” - chồng tôi đáp.

Tôi vội vàng xách hộp cháo vào bệnh viện và thấy Long đang ngồi trên băng ghế cách cửa phòng cấp cứu cả chục bước chân. Tôi hỏi tại sao. Long lắc đầu: “Ông già tỉnh dậy đúng lúc dì ngủ gục, tui nghĩ dì đã thức 2 đêm liền nên cứ để dì ngủ, thành ra…”.

Tôi hiểu rồi, mẹ giận vì mình không phải là người đầu tiên dượng nhìn thấy. Tôi chẳng biết nói sao với Long, đành cười trừ.

Long cũng cười: “Không sao đâu, bị dì giận vì lý do này thì tui mừng”.

***
Mẹ tôi là vậy. Và tôi yêu mẹ vì điều đó, cho dù đôi khi tôi mong mẹ khác đi.
Long cũng rất yêu cha của anh.

Hẳn là mẹ và dượng yêu nhau bất chấp sự khác biệt.

May mà có tình yêu nâng đỡ, không chỉ tình yêu lứa đôi… 

Nguyên Hương

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI