Mê tiền mà thiếu thương thân

06/09/2020 - 05:51

PNO - Các con xót mẹ, từng hỏi sao mẹ phải vất vả thế? Cô trả lời rằng, cô làm việc kiếm tiền để về già nhỡ ốm đau không phiền con cháu.

Cô Hà một phụ nữ đam mê công việc, rất ham kiếm tiền. Việc làm ăn của cô thuận lợi đến nỗi, nhiều khi cô lên Facebook nói vui: “Thời tới, đỡ không kịp”.

Cô nhận cắt rập cho các công ty, các cơ sở may quần áo xuất khẩu, hoặc bỏ mối các chợ bán sỉ quần áo nổi tiếng ở một thành phố lớn. Tự cô làm, không kêu thêm thợ. Buổi sáng bắt đầu lúc 8g, kết thúc tầm 11, 12g đêm.

Việc của cô, quanh năm suốt tháng không bao giờ “đứt” hàng, nên cô cầu trời có sức khỏe để làm việc, bởi nhìn xung quanh thấy nhiều người thất nghiệp, hoặc nhiều người học hành tử tế, có công việc ổn định, nhưng lương của họ chỉ bằng một phần mười thu nhập của cô.

61 tuổi cô vẫn còn “cày”, cho tới một ngày bệnh thoái hóa cột sống ngày càng trở nặng, biến chứng, khiến chân suy yếu, khó thở, mắt thì mờ hẳn đi, bác sĩ cảnh báo cô phải ngừng công việc không còn phù hợp với tuổi tác, để điều trị bệnh lâu dài, nếu không muốn chết sớm.

Bệnh tình ập xuống, vừa lúc chồng cô nghỉ hưu. Cứ tưởng lúc này tiền bạc rủng rỉnh, vợ chồng tha hồ du lịch, tận hưởng tuổi già, ngờ đâu bây giờ, lê bước trong nhà, đã là quá khó khăn với cô rồi. 

Ngày con gái đưa người yêu về ra mắt, bằng trực giác, cô nhận thấy cậu rể tương lai là người không có chí tiến thủ, cô sợ rằng sau này cậu ấy sẽ ăn bám con. Con trai của cô bây giờ có vẻ cũng lười nhác, chẳng khác cậu con rể tương lai.

61 tuổi, cô vẫn cày cho tới lúc ngã bệnh. Ảnh minh họa
61 tuổi, cô vẫn "cày" cho tới lúc ngã bệnh. Ảnh minh họa

Đàn ông mà lười biếng, không sớm thì muộn vợ cũng bỏ, gia đình cũng nát tan. Cô Hà rầu lắm. Cô dặn các con đừng kể về chuyện cô có của, đừng để người yêu các con nuôi hy vọng. Cô nói chắc nịch: khi vợ chồng cô gần đất xa trời, nếu tài sản còn, cô mới trao cho con cái. Cô ưu tiên lo cho hiện tại và tương lai của vợ chồng cô, chấp nhận mang tiếng ích kỷ với con cái, chứ không có chuyện bao nhiêu của cải làm ra, đều trao hết cho con trong ngày cưới.

Là cô nói thế cho các con đừng ỷ lại. Chứ già như cô chú, tài sản nhiều như cô chú, nhu cầu không nhiều, tiêu sao cho hết? Vả lại, cô không muốn trao tài sản cho con cái trong ngày cưới, vì “tụi nhỏ bây giờ cái tôi đứa nào cũng to, cựa cái là ly hôn, không tránh khỏi chuyện phân chia tài sản, như thế chẳng phải bao năm cày xới phí sức tôi còn gì?”.

Cô có lý của cô. Làm cha mẹ, cô cũng đã nuôi các con trưởng thành, học hành đến nơi đến chốn rồi. Giờ là lúc các con kiếm tiền bằng bộ óc và đôi tay, cô tuyệt đối không muốn con cái dòm ngó tài sản cha mẹ. Chẳng biết hai con còn nhớ, những hôm đau lưng, cô chạy ra tiệm mua Salonpas về dán, có khi nhờ chồng xoa thuốc, đấm lưng, cơn đau vừa đỡ là cô lao vào cắt, xắp hay không.

Các con cũng có lần xót mẹ, từng hỏi sao mẹ phải vất vả thế, mẹ kiếm tiền nhiều để làm gì? Cô trả lời rằng, cô làm kiếm tiền để lo ngày già nhỡ ốm đau không làm phiền con cháu, tích lũy tiền bạc để phòng rủi ro, chớ không phải kiếm tiền để dành cho con cái.

Bởi vì, các con cũng có đôi tay, khối óc, có sức trẻ và được học hành tử tế. Những hành trang đó, cộng thêm sự quyết tâm, chịu khó, chắc chắn các con sau này sẽ thành công. Cô muốn con cái thấy cha mẹ có tài sản, thay vì trông chờ thì nên mừng, vì người già có tiền sẽ rất vui, mà con cái cũng nhẹ gánh nếu nhỡ khi mẹ cha ốm đau kéo dài. 

Nói gì thì nói, cô Hà vẫn tự nhận mình là người mê tiền mà thiếu thương thân. Ngặt nỗi, thời vận tới nhà gõ cửa, nên phải tận dụng. Công việc của cô ảnh hưởng cột sống, lẽ ra cô ngừng việc 5, 10 năm trước sẽ tốt cho bản thân. May mà, bệnh của cô không phải bệnh nan y, chỉ cần điều trị tích cực, nghỉ ngơi hợp lý, bệnh sẽ lùi bước, việc đi du lịch với bạn, với chồng sẽ chẳng mấy hồi. 61 tuổi mới học cách tiêu tiền, kể ra quá muộn. 

Thái Phương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI