Anh T. là con trai duy nhất của bà H. (Q.Phú Nhuận, TP.HCM). Trước khi qua đời, anh T. làm thủ tục gửi tinh trùng tại Bệnh viện Từ Dũ. Sau khi anh T. mất, bà H. muốn nhận lại tinh trùng của anh để con dâu - người “vợ” chưa đăng ký kết hôn của anh T. thụ tinh trong ống nghiệm. Tuy nhiên, Bệnh viện Từ Dũ không đồng ý.
Đã có nhiều ý kiến dựa theo căn cứ pháp lý lẫn tính nhân văn phân tích việc bà H. nên hay không được quyền nhận lại tinh trùng của con trai. Xoay quanh câu chuyện này, thạc sĩ luật - thẩm phán Lê Thị Hồng Vân - Tòa án nhân dân H.Bình Chánh - đã gửi đến Báo Phụ Nữ TP.HCM bài phân tích.
"Khoản 4 điều 2 Nghị định số 10/2015/NĐ-CP ngày 28/1/2015 quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo định nghĩa: “tinh trùng là giao tử của nam”.
Tinh trùng gắn liền với chủ thể nhất định và nguồn gốc là một phần thuộc cơ thể người nam, không thể dịch chuyển sang chủ thể khác - tính biệt lập giữa tinh trùng của chủ thể A và chủ thể B. Đây là một dạng của quyền nhân thân không gắn liền với tài sản được quy định tại điều 17 Bộ luật Dân sự 2015, là quyền bất khả xâm phạm đối với sức khỏe (thuộc sức khỏe sinh sản của người nam theo điều 20 Hiến pháp 2013).
Trong khi đó, quyền nhân thân gắn với tài sản được hình thành cùng với việc hình thành một tài sản từ sự sáng tạo tư duy, ví dụ: tác phẩm văn học, bài hát, bức tranh… Những quyền nhân thân gắn với tài sản này được pháp luật bảo hộ và có thể chuyển giao cho chủ thể khác.
|
Ảnh minh họa. |
Nguyên tắc sử dụng quyền của các cá nhân, pháp nhân đều bình đẳng và được pháp luật bảo hộ như nhau về quyền nhân thân và tài sản. Mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều luật cấm, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được tôn trọng.
Việc xác lập, thực hiện quan hệ dân sự liên quan đến quyền nhân thân của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi phải được người đại diện theo pháp luật của người này đồng ý theo quy định hoặc theo quyết định của tòa án.
Việc xác lập, thực hiện quan hệ dân sự liên quan đến quyền nhân thân của người bị tuyên bố mất tích, người đã chết phải được sự đồng ý của vợ, chồng hoặc con thành niên của người đó; trường hợp không có những người này thì phải được sự đồng ý của cha, mẹ của người bị tuyên bố mất tích, người đã chết, trừ trường hợp có liên quan những quy định khác.
Việc xác lập, thực hiện quan hệ dân sự liên quan đến quyền nhân thân gắn với tài sản bởi chỉ những quyền nhân thân gắn với tài sản mới còn tồn tại sau khi một người đã chết. Các quyền nhân thân không gắn với tài sản sẽ tự động chấm dứt bởi không thể chuyển dịch sang cho chủ thể khác. Tuy nhiên, Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác có quy định riêng.
Cụ thể: trường hợp người gửi tinh trùng, gửi noãn, gửi phôi bị chết mà cơ sở lưu giữ tinh trùng, noãn, phôi nhận được thông báo kèm theo bản sao giấy khai tử hợp pháp từ phía gia đình người gửi, thì phải hủy số tinh trùng, noãn, phôi của người đó, trừ trường hợp vợ hoặc chồng của người đó có đơn đề nghị lưu giữ và vẫn duy trì đóng phí lưu giữ, bảo quản.
Do vậy, luật chỉ quy định vợ của người nam đã chết mới có quyền yêu cầu giữ lại tinh trùng vì chỉ có người vợ mới quyết định muốn có con với người chồng đó nữa hay không. Từ đó, chắc chắn không thể giao quyền “thừa kế” tinh trùng cho người mẹ trong giả thiết là có cả mẹ và vợ. Câu hỏi đặt ra là: anh T. không có vợ hợp pháp, vì vậy việc giữ lại tinh trùng theo yêu cầu của người mẹ là có chấp nhận hay không?
Dựa trên nguyên tắc việc hiến tặng tinh trùng là phải tự nguyện của người hiến mà thực tế là anh T. chỉ gửi vì “nguyện vọng cá nhân”, không hiến tặng; mặt khác, việc hiến tặng phải đảm bảo tính “vô danh” về các thông tin có liên quan đến người hiến, người được ghép, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác. Nhưng trong trường hợp này, anh T. đã chết - tức không có bất kỳ thỏa thuận khác nào với người muốn nhận tinh trùng rằng anh “đồng ý” công khai danh tính. Vậy yêu cầu của người mẹ không phù hợp với quy định và mục đích đặt ra của Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác.
Về pháp lý là vậy, nhưng quan điểm cá nhân tôi, từ thực tế vụ việc này cũng cho thấy luật cần nghiên cứu đặt ra vấn đề cho người mẹ quyền “thừa kế” tinh trùng của con để tính nhân đạo được vẹn toàn hơn. Tuy nhiên, cần xem xét kỹ để tránh trường hợp mang thai hộ trong các tình huống tương tự có thể xảy ra. Giả sử trong trường hợp người gửi tinh trùng qua đời mà không có vợ, nhưng người mẹ được quyền thực hiện “thừa kế tinh trùng của con trai” thì khả năng người mẹ sẽ vận dụng quy định về việc nhận tinh trùng, nhận noãn, nhận phôi để nhờ người mang thai hộ.
PV