Bạn có tin vũng nước mà được bán với giá 80.000 đồng một mét khối?
Ở Thới Lai, huyện Tam Hiệp, tỉnh Bến Tre năm ngoái, tôi gặp những người mắc võng nằm canh giữ những vũng nước như bảo vệ một báu vật. Họ sẽ bán những vũng nước đục ngầu, mà ban đầu có thể là một cái ao này, cho ai trả giá đủ cao. Bởi thực chất, thời điểm đó là lúc khốc liệt nhất của đợt đại hạn – mặn năm 2016 ở đồng bằng sông Cửu Long. Những vũng nước đó không có nhiều.
|
Trong đợt đại hạn, một vũng nước cũng có thể là báu vật |
Cảnh vật trước mắt con người khi đó chỉ là những hoang mạc nứt nẻ, nơi đã từng được gọi là đồng ruộng. Những ruộng mía cháy khô như chưa từng có màu xanh. Những con đường trũng sâu, ngoằn nghèo chạy trên mặt đất và chạy qua gầm cầu bê tông để chứng minh rằng chúng là dấu hiệu của kênh rạch. Những con trâu, con bò gày gò nằm ngáp ngáp trên cánh đồng khô úa. Người nông dân quệt nước mắt bên cây lúa khô cong vì nước mặn. Lồng ngực tôi nghẹn lại mà bất lực, không thể làm gì.
Nhưng ngay vài tháng sau, trong những đợt đi khảo sát của chương trình Nhà chống lũ, chúng tôi lại phải chứng kiến cảnh ngược lại hoàn toàn. Nhà cửa, trâu bò, lợn gà, tài sản của con người ùn ùn lao theo dòng nước không gì cản nổi. Người ta lũ lượt chạy lên rú (núi) trốn lũ, nghển cổ lên trời chờ máy bay trực thăng thả mì gói, lương khô và nước xuống, để sống qua ngày, đợi lũ rút đi.
Rồi người chết. Có những gia đình có người thân mất không thể đi chôn được, và khi lũ rút cũng không có nổi mảnh chiếu lành cuốn xác người thân. Họ nói chỉ mong có một chiếc quan tài để sẵn để không rơi vào cảnh chết trong bão lũ mà không được chôn trong một cỗ quan tài.
Nguồn cơn những tai ương đúng là từ trên trời rơi xuống ấy ở đâu?
Khi tôi post những thông điệp về bảo vệ rừng trên trang cá nhân, nhiều người bảo, thế ở Mỹ, ở nhiều nước người ta cũng chịu lũ lụt, cũng chết bao nhiêu người, mà người ta có bao giờ phá rừng đâu?
Đúng. Biến đổi khí hậu cùng sự thay đổi muôn vàn yếu tố của mẹ trái đất gây ra những thiên tai cho loài người. Nhưng tôi dám khẳng định, ở Việt Nam, thiên tai ấy tàn khốc hơn, bởi nó được tiếp tay bởi nhân tai, bởi hành động của con người.
Từ năm 1984 đến 2016, rừng tự nhiên của Việt Nam cơ bản đã phá xong. Về cơ bản chúng ta đã "dọn sạch sẽ" những cánh rừng nguyên sinh, chỉ còn rơi rớt một chút trong các khu rừng phòng hộ và khu bảo tồn. Phần lớn rừng tự nhiên còn lại là rừng nghèo, không thể làm tốt chức năng giữ nước. Rừng nguyên sinh thì được phá đi với lý do làm kinh tế, bằng cách trồng cam, trồng mắc ca, cao su, cà phê… nhưng mục đích cốt yếu là làm kinh tế bằng bán gỗ.
Người ta còn chặt hơn 100 ha rừng phòng hộ chỉ để… tổ chức thi hoa hậu ở Phú Yên, chặt hơn 60 ha rừng dẻ ngàn năm tuổi để làm sân golf ở Huế, chuẩn bị chặt tiếp 150 ha rừng ngập mặn ở Thái Bình, rồi định xóa sổ khu bảo tồn thiên nhiên với loài voọc đặc biệt được đưa vào sách đỏ của thế giới, rồi còn làm cáp treo ở Sơn Đoòng, ở Sapa vì mục tiêu cao cả “làm du lịch”.
Ngay cả rừng ngập mặn, vốn tưởng sẽ yên ổn vì cây ít giá trị kinh tế. Thế nhưng từ năm 1943 đến năm 2012, diện tích loại rừng này đã giảm 67%, trong 33% còn lại thì có tới 56% là trồng mới. Lý do là để làm khu công nghiệp, khu đô thị, khu nghỉ dưỡng hoặc nuôi trồng các giống "thâm canh".
|
Một căn nhà đang được xây cất từ dự án phát triển cộng đồng Nhà chống lũ |
Có ai tự hỏi đất nước mình còn bao nhiêu diện tích rừng đầu nguồn, có ai đi máy bay mà nhìn xuống Tây Nguyên thấy núi đồi trơ trụi mà liên hệ đến việc dòng Mekong nước chuyển sang màu xanh biếc như nước biển bởi đã bị nước biển xâm lấn.
Trong khi trên thế giới người ta đã dần loại bỏ dần nguồn điện năng phá hoại môi trường tự nhiên và nguy hiểm cho cuộc sống của cong người này và thay bằng điện gió, năng lượng mặt trời. Vậy mà phong trào xây thủy điện ở Vệt Nam chưa lắng xuống. Chủ tịch hội năng lượng còn đề nghị xây 400 đập thủy điện trong khi thế giới đang bỏ thủy điện và nhiệt điện.
Năm nay, cộng đồng mạng khản cổ kêu gào phản đối việc cấp phép xây dựng nhà máy nhiệt điện Nhơn Trạch, một nhà máy khổng lồ ở ngay cạnh Sài Gòn. Rồi khi tiếp tục có vụ nổ lò hơi khi vận hành một dây chuyền sản xuất, thì các quan chức trung ương và địa phương vẫn nhiệt tình thay mặt doanh nghiệp ngay lập tức phát ngôn rằng “thiệt hại không đáng kể” và “đây chỉ là sự cố đã có tính toán”.
Rồi sông, rồi biển bị bức tử bởi hàng loạt các nhà máy giấy, nhà máy nhiệt điện, nhà máy thép, phong trào khai thác cát rút ruột các dòng sông diễn ra nhiệt tình. Lý lẽ chung được nêu ra vẫn là đất nước cần phát triển, cần đô thị hoá, cần công nghiệp hoá, hiện đại hoá, chúng ta “cần phải hi sinh”, và không nên có “những suy luận thiếu căn cứ” về môi trường. Có vị đại diện cơ quan quản lý nhà nước còn hồn nhiên cho rằng thiên tai đều vô tình và ngẫu nhiên thôi. Đúng là gần đây ngẫu nhiên có nhiều sự cố về môi trường quá.
Không biết có phải ngẫu nhiên không mà chính người có trách nhiệm bảo vệ rừng như chi cục kiểm lâm trưởng Quảng Trị lại dựng được cả căn biệt thự bằng gỗ quý. Nhiều đại gia khác còn có thú chơi mua đồ gỗ đắt tiền. Phản phải rộng hơn, sập gụ lớn hơn, phải bứng cây to về vườn nhà mình mới xứng tầm đẳng cấp, trong khi ở nhiều nước, hành vi sử dụng đồ gỗ thiên nhiên được coi như “không hiểu tiếng người”.
Và rồi, năm nào cũng vậy, báo lại đăng tin thủy điện xả lũ bất ngờ, rồi hàng loạt làng mạc lại chìm trong biển nước, rồi người chết, nhà trôi… nước càng ngày càng hung bạo.
Ai đã bỏ phiếu cho cơ chế tận diệt cây xanh và tự nhiên? Làm sao để những người ra quyết định hiểu được rằng, gạch đá bê tông không thể thay cơm, gang thép không thể tráng miệng, tiền không thể làm quần áo, hoặc đeo bình ôxy đi đánh golf chẳng dễ chịu chút nào. Nếu theo đà này, chuyện cổ tích thế kỷ 22 sẽ là: Ngày xửa ngày xưa, những hàng cây cổ thụ che mát bao con đường, những cánh rừng đầu nguồn nơi khởi nguồn sự sống, những khu rừng ngập mặn giàu có, những chú linh trưởng tuyệt đẹp, những miệt vườn xanh ngát, những con thuyền mang đầy cá tôm trở về từ biển…
Hơn một tuần nay, cơn bão số 12 và tiếp theo sau là trận lũ lịch sử đã nhấn chìm và phá tan hoang các tỉnh Nam Trung Bộ, rồi Tây Nguyên, rồi đến miền Trung. Đã có hơn 100 người chết, con số người mất tích chưa thống kê được, hơn 1.500 ngôi nhà bị bão lũ san phẳng hoặc cuốn trôi, hàng chục ngàn ngôi nhà bị tốc mái và hư hỏng, nhiều tàu hàng và hàng ngàn tàu thuyền bị phá hỏng, hơn 10.000 bè tôm cá bị bão lũ phá nát. Thiệt hại quá khủng khiếp! Có phải chỉ do thiên tai không? Có phải do người dân và các chính quyền địa phương đã chậm trễ trong công tác ứng phó với thiên tai không?
Càng ngày, lũ lụt, hạn hán càng thảm khốc. Tất cả mọi người đều phải gánh chịu, bởi ngay cả không bị dính một hạt bùn, ta cũng sẽ phải chia cơm sẻ áo cho người nghèo. Thiên tai chỉ lùi bước khi chúng ta ai cũng sống và làm việc có trách nhiệm và đối xử với thiên nhiên đúng như với cái tên người ta thường gọi “mẹ thiên nhiên” chứ không phải “con ở thiên nhiên”!
Phạm Thị Hương Giang
Sáng lập & Điều hành Nhà chống lũ