Con phải sống
Đã hơn hai năm kể từ khi sinh đứa con đầu lòng, chị Phạm Thị Ngọc Giàu (34 tuổi, ngụ thôn Minh Khánh, xã Tịnh Minh, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi) vẫn đều đặn một tuần ba lần đến Bệnh viện (BV) Đa khoa Quảng Ngãi để chạy thận. Chúng tôi gặp chị Giàu lúc chị đang chuẩn bị khăn gói xuống BV.
Trong căn nhà nhỏ đã bị hư hỏng nặng nằm sát mép sông ở vùng trung du, tài sản không có gì đáng giá ngoài chiếc xe máy cà tàng, cũ kỹ. “Đó là phương tiện duy nhất của hai vợ chồng, cũng là “con xe cứu thương” đưa em đi viện mỗi lần lên cơn” - chị Giàu nói.
|
Chị Giàu cùng con trai |
Chị và chồng, anh Phạm Chí Hùng (36 tuổi), kết hôn từ năm 2008 khi họ cùng là công nhân đi làm thuê trong các nông trường cao su ở tỉnh Bình Phước. Cả hai không nhà cửa, vườn tược, không mảnh đất cắm dùi, nên từ khi lập gia đình, họ cùng dắt nhau lên Kon Tum thuê nhà, đi hái cà phê mướn, nhổ mì thuê, kiếm sống qua ngày.
Suốt năm-sáu năm sau ngày cưới, chị Giàu cũng đã mang bầu ba-bốn lần nhưng lần nào đi khám, các bác sĩ cũng bảo thai nhi không có tim thai nên phải bỏ. “Nhìn bao gia đình khác đầm ấm, có con bồng bế, còn mình lại liên tục phải bỏ con, em nghĩ mình bạc phước quá, khổ cực thân xác đã đành, mà ước mơ bình thường như bao người cũng không có được, xót xa vô cùng”.
Mãi đến giữa năm 2014, trong lúc đang đi làm thuê, phát hiện mình có bầu, chị Giàu vội vã cùng chồng đi khám và nhận được tin vui. Thế nhưng, mang bầu đến tháng thứ ba, khắp người chị Giàu ngứa ngáy, cơ thể sưng phù bất thường. “Hai vợ chồng lo lắng, cùng đưa nhau xuống BV Chợ Rẫy (TP.HCM) khám. Khám xong, bác sĩ thông báo em bị suy thận rất nặng và khuyên phải bỏ thai, nếu không sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Nghe xong, tay chân em bủn rủn...”.
Bao lần con đã bỏ mẹ cha đi, mà mẹ có sống được với đời thì cũng vì con, bây giờ con lại đến với mẹ, nếu mẹ có chết đi mà con được sống, thì mẹ cũng cam lòng. Không cần phải đắn đo, chị nói liền với chồng ý nghĩ đó. Anh khóc, rồi gật. Phải giữ con bằng mọi giá. Nhìn vợ chồng họ quyết tâm như sắt thép, các y bác sĩ BV Chợ Rẫy đồng ý với tâm nguyện giữ con lại nhưng yêu cầu chị Giàu phải nhập viện điều trị.
“Vì không có tiền nằm viện nên hai vợ chồng xin ở trọ bên ngoài, một tuần ba bữa, em vào BV cấp cứu, hàng ngày xin cơm từ thiện sống. Mãi đến tháng thứ bảy, em đau không chịu nổi nên chồng đưa vào viện nằm và các bác sĩ chỉ định phải mổ gấp mới cứu được con. Trong lúc chuẩn bị lên bàn mổ, em đã sinh con lúc nào không hay” - chị Giàu bồi hồi. Sau khi sinh, chị bất tỉnh, còn đứa con trai vừa chào đời, do chưa đủ tháng nên cũng chỉ nặng trên tám lạng.
“Nằm lồng kính được hai tháng, con em được chuyển đến BV Nhi Đồng 1 để được điều trị mắt vì cháu có nguy cơ bị hư mắt do nằm lồng kính quá lâu. Còn em vẫn tiếp tục nằm ở BV Chợ Rẫy để được chạy thận” - giọng chị thảm như không thể thảm hơn.
Ngồi bên vợ, anh Hùng lặng đi như nhớ lại những ngày tháng đó. “Lúc đó là quãng thời gian khó khăn nhất của vợ chồng em. Em vừa phải chạy qua chăm con, vừa chạy qua chăm vợ. Buổi trưa, chiều đi xin cơm, tối đến nằm ở các hành lang, vỉa hè BV. Sau hơn một năm trời, mãi đến cuối năm 2015, hay tin ở BV Đa khoa Quảng Ngãi có máy chạy thận, hai vợ chồng mới ôm con, xin về ở cùng với cha mẹ vợ ngoài này để được ở gần nhà điều trị” - anh Hùng kể.
Nhớ lại trường hợp chị Giàu, bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng khoa Thận nhân tạo, BV Chợ Rẫy kể, trường hợp chị Giàu là một trong những ca khó mà ông từng gặp. “Khi đó, sức khỏe bệnh nhân khá xấu, nếu không chạy thận nhân tạo kịp thì mẹ con đều nguy kịch. Trước khát khao có con của bệnh nhân, chúng tôi quyết tâm đi đến cùng.
Những bệnh nhân khác chỉ lọc máu ba lần/tuần nhưng chị Giàu phải lọc máu đến sáu lần/tuần. Sau khi được chạy thận, sức khỏe chị Giàu tốt hẳn, còn em bé phát triển bình thường. Đến tuần 28 thai kỳ, chị Giàu chuyển dạ và sinh thường, dù em bé sinh ra không đủ cân nhưng phát triển bình thường. Đây là trường hợp may mắn khi mẹ mắc bệnh nặng mà vẫn sinh được mẹ tròn con vuông” - bác sĩ Tuấn nói.
Mong con được như những đứa trẻ khác
Bà Đỗ Thị Được, mẹ ruột chị Giàu thương con, thương cháu, đã vay mượn bà con, hàng xóm được 20 triệu đồng, mang vào Sài Gòn làm chi phí nuôi con. “Lúc đang chữa trị trong đó, nghe bà con nói ở Quảng Ngãi cũng có máy chạy thận, tôi mới đưa nó về ở cùng. Tôi nói với nó, thôi thì bệnh của con, con có chết ở Quảng Ngãi mẹ cũng đỡ phần nào, chứ con chết ở xa, mẹ lấy gì đưa con về, lấy gì mẹ nuôi cháu khôn lớn” - bà Được đưa tay quệt mồ hôi trên trán, ở đó vừa có thêm một vết nhăn buồn phiền hiện lên từ nỗi bất lực trước tình cảnh của con.
Kể từ khi được đưa về Quảng Ngãi, một tuần ba buổi, chị Giàu phải đến BV Đa khoa Quảng Ngãi chạy thận. “Nhiều lúc chưa đi chạy thận kịp, cả người nó sưng phù lên, nửa đêm đang ngủ, ngồi bật dậy cởi bỏ áo quần vì ngứa ngáy, nóng bức. Tính mạng của nó bây giờ như treo trên dây, chết lúc nào không hay.
Bà con xung quanh thấy hoàn cảnh gia đình khó khăn quá, lại mang bệnh tật nên ai cũng thương, người cho năm chục, trăm ngàn đồng ăn cơm, mua sữa cho con. Khoản vay 20 triệu đồng để chạy chữa lúc nó sinh đến giờ cũng chỉ trả được tiền lãi, còn gốc vẫn giữ nguyên. Chính quyền thấy thế cũng động viên, giúp đỡ. Chi phí chạy chữa thận cũng giảm được phần nào” - bà Được bùi ngùi.
Từ khi vợ mang trong mình căn bệnh nan y, anh Hùng cũng thu dọn hành trang từ quê Bình Phước chuyển hẳn về Quảng Ngãi để nuôi vợ con. “Về đây, hàng ngày em đi theo bà con xung quanh xúc cát thuê, có hôm thì đi phụ hồ, buổi còn lại phải về chăm vợ con, nên cũng chỉ kiếm tiền đủ mua gạo, mua sữa cho con” - nét mệt mỏi trùm lên gương mặt người đàn ông mà đi qua mưa nắng, niềm hân hoan về cuộc sống tuổi trẻ đã biến mất, chỉ có nỗi toan lo áo cơm và sinh mệnh vợ là hiện hữu.
Khi chúng tôi hỏi về dự định cho ngày mai, chị Giàu bật khóc: “Sống đến được bây giờ em đã mừng lắm rồi. Hồi xưa, em chỉ mong sao đứa con chào đời khỏe mạnh, chứ bệnh tình của em chết lúc nào không biết. Bây giờ, em không chỉ bị thận mà còn phải uống thuốc trị gan, phổi. Các bác sĩ nói căn bệnh suy thận của em đã biến chứng, ảnh hưởng nặng đến gan, phổi.
Họ yêu cầu em phải nhập viện để điều trị phù phổi nhưng em sợ tốn tiền nên vẫn chưa đi… Thôi thì bây giờ sống được ngày nào hay ngày đó. Em chỉ mong sao con trai mình sau này nếu không còn em, nó vẫn khỏe mạnh, khôn lớn và được học hành như bao đứa trẻ khác”. Thấy mẹ khóc, cháu Phạm Chí Cường (hai tuổi, con trai chị Giàu) sà vào lòng mẹ như để vỗ về.
Căn bệnh nan y của mẹ cũng để lại di chứng nặng nề đến cháu Cường khi đôi mắt cháu bị lệch một bên do nằm lồng kính quá lâu. “Mắt cháu bị như thế cũng do cha mẹ nó nghèo quá nên không có tiền chạy chữa. Tội nghiệp nó, từ khi chào đời đến giờ, cháu Cường chưa một lần biết đến sữa mẹ là gì, chỉ uống sữa người ta cho, có gì uống đó, đến giờ lại còn mang di chứng nặng nề ở đôi mắt. Tôi chỉ mong sao có tiền đi mổ mắt cho cháu, nếu để lâu, đôi mắt nó sẽ bị nặng thêm, không chữa trị được nữa” - bà Được khóc theo.
Căn nhà đã nát, càng thêm ngột ngạt trong những tiếng thở dài não ruột. Nhìn mắt cháu lệch đi về hướng khác, nỗi xót xa trào lên, tôi không dám nghĩ đến điều mơ hồ đen đủi, lỡ mai này bệnh cướp chị đi, đôi mắt thơ dại đó, vốn đã không được như bao đứa trẻ khác, biết theo hướng nào mà tìm mẹ.
Là hàng xóm gia đình chị Giàu, ông Phạm Văn Sơ cho biết, cả gia đình chị từ xưa giờ ở đây, vốn rất nghèo khó. “Bản thân con Giàu đã khổ từ thời mới lớn, nó không được học hành nhiều, lại phải đi làm thuê, làm mướn khắp nơi, gửi tiền về phụ giúp gia đình. Khi có được tấm chồng đàng hoàng, bệnh tật lại còn đeo bám nó. Nhìn nó bây giờ chỉ còn nửa mạng, ai cũng thương” - ông Sơ buồn rầu.
Ông Đoàn Văn Phú, Chủ tịch UBND xã Tịnh Minh, huyện Sơn Tịnh cho biết: “Địa phương, đoàn thể cũng hỗ trợ mọi mặt cho gia đình chị Giàu. Chúng tôi mong muốn các đơn vị, cá nhân giúp đỡ chị chữa bệnh, tiếp tục sống để nuôi con” - ông Phú nói.
Nhìn vợ chồng họ cúi xuống bên con, tôi cứ ao ước sao có một phép màu hiện đến cứu rỗi. Mong sao người mẹ đó sẽ không bao giờ xa con.
Phương Trần