'Mẹ Teresa' của Nepal

28/11/2019 - 06:34

PNO - Bà Anuradha Koirala được xem như “Mẹ Teresa” của Nepal vì đã giúp đỡ những người phụ nữ bị ngược đãi và theo đuổi chiến dịch kêu gọi bảo vệ phụ nữ và trẻ gái khỏi bị lạm dụng, buôn bán và bóc lột tình dục.

Cho đến những năm 1990, bà Anuradha Koirala đã làm giáo viên được 20 năm. Tại thời điểm đó, do sự thôi thúc từ kinh nghiệm cá nhân đau thương của mình, người phụ nữ Nepal đã nhận ra con đường mới của bà là giúp đỡ những người phụ nữ bị ngược đãi và theo đuổi chiến dịch kêu gọi bảo vệ phụ nữ và trẻ gái khỏi bị lạm dụng, buôn bán và bóc lột tình dục.

Tạo công ăn việc làm cho phụ nữ nghèo

Những phụ nữ ăn xin mà bà vẫn gặp mỗi sáng đều là những người sống sót sau bạo lực. Chính bản thân Anuradha Koirala cũng đã chịu những tổn thương thể xác lẫn tinh thần dưới bàn tay bạo hành và ngược đãi của người chồng cũ. 

'Me Teresa' cua Nepal
Bà Anuradha Koirala, người được mệnh danh là 'Mẹ Teresa' của Nepal 

Mục đích ban đầu của Anuradha Koirala là giúp đỡ những người nghèo khổ khi bà luôn tâm niệm những lời dạy của mẹ Teresa Calcutta (Ấn Độ). Bà khởi sự công việc vĩ đại với 8 phụ nữ. Anuradha Koirala giúp cho họ 1.000 rupee mỗi người từ thu nhập ít ỏi của mình để 8 phụ nữ mở các cửa hàng nhỏ trên phố. Một phần lợi nhuận từ khoảng 2 rupee/người sẽ được bà thu về hằng ngày để có thể tiếp tục cung cấp cơ hội kinh tế và an ninh cho những phụ nữ khác có nhu cầu.

Mô hình của bà nhanh chóng phát triển. Ngoài tạo cơ hội việc làm, bà cố gắng giáo dục họ về quyền phụ nữ và khuyến khích họ ngừng ăn xin.

Đến năm 1993, Anuradha Koirala thành lập tổ chức phi lợi nhuận Maiti Nepal để giải quyết một vấn đề lớn ở Nepal: buôn bán tình dục. Nepal là miền đất lý tưởng cho những kẻ buôn người bởi tỷ lệ nghèo đói và mù chữ khá cao. Những tay buôn người luôn chiêu dụ phụ nữ nghèo bằng “giấc mơ” việc làm thu nhập cao hòng che đậy sự thật khủng khiếp là biến họ thành nô lệ tình dục.

Can đảm chống nạn buôn người

Thông thường, các cô gái và phụ nữ bị bắt từ những khu vực thiếu thốn ở Nepal và bị bán sang làm nô lệ tình dục ở Ấn Độ. “Chính cha mẹ các cô gái là người khuyến khích họ đi mà không hề hay biết điều gì đang thực sự chờ đợi con mình bên kia biên giới”, Koirala nói và bà đã tìm ra cách để bắt đầu giải cứu họ.

Biên giới giữa Nepal và Ấn Độ trải dài 1.750km hoàn toàn “mở” và kiểm soát lỏng lẻo. Tổ chức Maiti Nepal đã phải làm việc “rắn” với các cơ quan hành pháp địa phương để giải cứu trên 26 tụ điểm khác nhau dọc tuyến biên giới hai nước. Tuy nhiên, sau trận động đất năm 2015 tàn phá phần lớn Nepal, theo Anuradha Koirala, số phụ nữ và bé gái bị lừa bịp đã tăng lên ồ ạt vì họ tin rằng sẽ có một cuộc sống tốt hơn ở Ấn Độ. Trong vòng một năm kể từ sau động đất, có ít nhất 4.000 phụ nữ và trẻ gái đã bị chặn lại bởi biên phòng của Nepal và Ấn Độ. Theo một báo cáo, nạn buôn người qua biên giới đã tăng 500% kể từ năm 2013. Các tổ chức phi chính phủ trong lĩnh vực này ước tính rằng con số có thể lên tới 40.000 người mỗi năm.

“Mẹ Teresa” Nepal đã thiết lập 11 ngôi nhà tạm lánh để che chở cho những phụ nữ bị buôn bán và bị gia đình xa lánh. Đến nay, Koirala cũng đã giúp cơ quan thực thi pháp luật bắt giữ tội phạm buôn người, hỗ trợ truy tố hơn 700 bị cáo. Bà đã giúp giải cứu hơn 18.000 phụ nữ và trẻ em trong suốt những năm tháng hoạt động không mệt mỏi. 
Anuradha Koirala đã nhận 38 giải thưởng quốc gia cũng như quốc tế, bao gồm giải thưởng dân sự uy tín của Ấn Độ - Padma Shri và giải Anh hùng năm 2010 của Đài CNN (Mỹ). 

Quốc Ngọc (theo The Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI