PNO - Nếu không tìm được sự khác nhau trên cơ thể bé thì cha mẹ cần đặt sẵn một vài dấu hiệu để phân biệt: đeo vòng, chọn quần áo khác màu, chọn kiểu tóc riêng...
Khi biết không chỉ một mà đến hai “thiên thần nhỏ” sắp chào đời, nhiều phụ huynh lo lắng chuẩn bị về ngân quỹ và người chăm sóc, còn vấn đề nghệ thuật nuôi dạy trẻ thường chỉ được xếp hàng thứ yếu nên lắm khi nảy sinh những hệ quả không hay đối với sức khỏe và sự phát triển toàn diện ở trẻ. Một số lưu ý của chuyên viên tham vấn, thạc sĩ tâm lý trị liệu Phạm Thị Thúy (giảng viên Học viện Hành chính quốc gia) sẽ giúp cho hành trình làm cha mẹ các trẻ sinh đôi đỡ nhọc nhằn, bị động và niềm vui cũng được nhân đôi.
Ảnh minh họa. Nguồn: FB
Tạo dấu riêng cho “hai giọt nước”
Chăm sóc trẻ sinh đôi vất vả gấp nhiều lần một đứa trẻ, nhất là trường hợp trẻ sinh đôi thiếu tháng, nhẹ cân. Người mẹ hiếm khi đủ sữa nên trẻ càng dễ quấy khóc và khi đã khóc thì đồng thanh, “phối bè” khiến người chăm sóc bị stress, ức chế và đuối sức. Do trẻ sinh đôi thường cùng giới tính và giống hệt nhau nên rất dễ lẫn lộn, “không biết đứa nào là… đứa nào”. Do thế mà trẻ có thể không được bú sữa mẹ đồng đều (không biết bé nào bú rồi, bé nào chưa bú) hay bị cho uống thuốc nhầm, quá liều, rất nguy hiểm.
Nếu không tìm được sự khác nhau trên cơ thể bé thì cha mẹ cần đặt sẵn một vài dấu hiệu để phân biệt: đeo vòng, chọn quần áo khác màu, chọn kiểu tóc riêng hoặc cùng kiểu tóc nhưng cắt một chúm tóc nhỏ của một bé (nếu cả hai nhất quyết không chịu… khác). Khi cho bé sinh đôi ăn uống, nên có chén, muỗng, bình sữa riêng biệt, có thể mặc định trẻ A dùng màu xanh, trẻ B dùng màu hồng để tránh nhầm lẫn, ngộ nhận. Tận dụng thức ăn, thức uống thừa của nhau cũng không nên vì là nguy cơ lây nhiễm bệnh tật.
Sao y… tính xấu
Ngay từ thuở còn nằm trong bụng mẹ, trẻ sinh đôi đã tương tác với nhau. Khi chào đời, đôi trẻ luôn ở cạnh, cùng bú, cùng ăn, cùng ngủ, cùng chơi nên dễ ảnh hưởng tính cách của nhau, nhất là bắt chước tính xấu. Trẻ rất tinh quái, biết rút tỉa kinh nghiệm, thấy bé kia khóc đòi kẹo và được người lớn đáp ứng thì cũng òa khóc, nằm vạ để được kẹo. Phụ huynh trẻ sinh đôi thường có tâm lý dành tình thương cho con chưa đủ nên dễ bảo bọc, chiều chuộng khiến trẻ nhõng nhẽo, mè nheo, thiếu tự lập (bộ phận nhỏ phụ huynh ít có điều kiện mới “thả rong”, để con tự lớn).
Trẻ đeo bám mẹ như hội chứng “chuột túi” là sự gắn bó thiếu lành mạnh, tạo phản ứng tâm lý tiêu cực khiến mẹ quá tải, dễ nảy sinh cáu bẳn, bạo lực còn trẻ sẽ làm nũng, nhút nhát, bất an khi vắng mẹ. Những thói quen xấu này lại được cộng hưởng giữa hai trẻ nên ngày càng gia tăng nếu cha mẹ không sớm đặt ra khuôn khổ, giới hạn.
Công bằng ngay từ… cái ôm
Đối với các con, sự công bằng của cha mẹ luôn cần thiết. Đặc biệt đối với trẻ sinh đôi, do trẻ đồng nhất hầu hết các nhu cầu cùng lúc nên cha mẹ gặp thử thách trong việc thể hiện “không phân biệt đối xử”. Nếu cả hai cùng khóc, cùng đòi mẹ ẵm thì người mẹ sẽ chạy đến với bé nào? Nhiều người sẽ ưu tiên cho bé ốm yếu, hay bệnh hơn như một cách bù đắp. Tuy nhiên, mẹ không nên ẵm bé này, bỏ bé kia mà ôm cả hai vào lòng hoặc đặt hai đứa cùng nằm xuống để vỗ về, dỗ dành. Người mẹ cần tìm cách kéo các thành viên khác cùng san sẻ việc chăm sóc, chơi đùa, gần gũi trẻ.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Đối với cặp trẻ song sinh khác giới tính, nếu cưng bé trai/ bé gái hơn cũng là điều không tốt cho cả hai.Với trẻ dưới ba tuổi, khả năng nhận thức bản thân chưa có thì đối xử của người lớn với trẻ phải công bằng tuyệt đối. Trẻ vô cùng nhạy bén trong cảm nhận tình yêu thương. Khi trẻ lớn một chút, cha mẹ dần cho trẻ hiểu sự công bằng chỉ là tương đối và không thể công bằng theo kiểu rập khuôn, cứng nhắc. Nếu trong tình huống nào phải ưu tiên cho bé A thì hãy giải thích cho bé B để bé vừa không nghĩ mình ra rìa, mình chỉ là con-hạng-hai; vừa thông cảm, đồng cảm với người khác.
Nâng đỡ thay vì so sánh!
Khi bé, trẻ nên được mặc quần áo, mang giày, đội nón… giống nhau trông dễ thương, đáng yêu và tạo cho các bé sự tương đồng, gắn kết; đồng thời, tránh bị người ngoài khen đứa này, chê đứa kia. Nhưng khi bước vào tiểu học, cha mẹ nên để con tự chọn quần áo theo sở thích cá nhân. Về đồ chơi, nếu mua hai món giống nhau thì đỡ phát sinh rắc rối, tranh giành, so bì, tỵ nạnh nhưng nếu mua khác nhau, thì kho đồ chơi sẽ đa dạng, phong phú và các bé có cơ hội chia sẻ, nhường nhịn nhau, giảm ý thức sở hữu. Tùy các bé có “chung sống hòa bình” hay không mà cha mẹ lựa chọn mua đồ chơi giống hay khác nhau. Chơi là để vui, cha mẹ không nên quá đặt nặng vấn đề giáo dụcnhân cách với sức ép “dạy con từ thuở còn thơ”, để từ từuốn nắn trẻ. Khi mua đồ chơi, nên nói: “Cha mẹ mua cho các con chơi chung” và đểchúng chọn món mình thích.
Nếu các con giành đồ chơi, người lớn nên bình tĩnh, xem đó là chuyện bình thường và đứng ngoài quan sát chứ không xộc vào can thiệp để cho bé tập tự xử lý vấn đề của mình, trừ khi chúng nổi xung thiên, choảng nhau. Tuyệt đối không nên bắt đứa anh/chị phải nhường em vì anh/ chị ấy chỉ là một đứa trẻvà các bé chỉ hơn kém nhau vài phút khi lọt lòng.
Dù là trẻ sinh đôi, khả năng học tập vẫn khác nhau, mỗi bé có thế mạnh riêng nên mọi so sánh sẽ khập khiễng và có thể khiến trẻmặc cảm, tổn thương, nghi kỵ nhau. Phụ huynh cần hiểu sở trường của mỗi bé để động viên, khích lệ, bồi dưỡng song song với nâng đỡ bé thiệt thòi.
Các nghiên cứu đã chứng minh trẻ em cần được neo giữ trong thế giới thật, quan hệ thật, trách nhiệm, tình yêu thật. Hoạt động ảo không thể thay thế được.