Mẹ rao tìm bạn đời cho con trai tự kỷ

24/02/2020 - 14:22

PNO - Bức thư tìm bạn đời cho con trai tự kỷ đang sống ở Đồng Nai của một bà mẹ (Việt kiều Mỹ) nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội với hàng ngàn lượt chia sẻ.

 “Hồ sơ” của “chú rể” rõ ràng, chi tiết: “Năm nay 30 tuổi, cao một mét sáu, bề ngoài sạch sẽ, dễ nhìn. Mắc bệnh tự kỷ, không sống tự lập được, nhưng biết nghe lời và làm theo sự hướng dẫn của người khác. Tính tình hiền, nhút nhát, không biết giao tiếp ngoài xã hội, nhưng biết phân biệt người thân quen, bà con hoặc là người lạ, có lúc cũng hơi nóng tính. Sở thích: xem ca nhạc, đi chùa, đi bộ, tập thể dục, ăn uống. Thích uống nước ngọt, ăn các món ăn ba miền, bánh, kẹo, me ngào muối ớt, đồ biển”.

Sau nhiều năm suy nghĩ, bà mẹ muốn tìm cho con trai mình một người bạn đời để bớt cô đơn, có con cái nương tựa với nhau mà sống. Bà quyết định đăng bài viết để cầu may, nếu ai biết có người thích hợp thì chỉ giùm. 

Bức thư đăng trên facebook của một bà mẹ tìm vợ cho con
Bức thư đăng trên facebook của một bà mẹ tìm vợ cho con

Bức thư tuyển dâu chân thành, mộc mạc làm lay động lòng người. Nhiều cư dân mạng bình luận theo hướng cảm thương và chia sẻ, mong nối dài nhịp cầu nhân duyên cho anh trai sớm kiếm được vợ hiền. “Đọc mà rơi nước mắt, lòng mẹ như biển Thái Bình”, “Thương quá, mong cô sớm kiếm được dâu thảo”, “Hy vọng có bạn đời và được chăm sóc tốt, tình trạng của anh sẽ chuyển biến tích cực”… và rất nhiều bình luận chúc phúc cho chàng trai. Có người còn lạc quan: “Coi chừng đắt hàng, mai mốt không biết chọn ai”, bà mẹ từ tốn đáp lại: “Tìm được một người đã là phước lớn cho cháu rồi”.

Chuyên viên tham vấn tâm lý Phạm Thị Thúy bày tỏ: “Bức thư thật cảm động. Người mẹ thành thật không giấu bệnh con, nói rõ mong muốn và những gì có thể làm cho con dâu. Tâm người mẹ rất tốt, không chỉ thương con mình mà còn thương con người. Với chàng trai, nếu có được người phụ nữ biết thông cảm, yêu thương chịu làm vợ, sẽ giúp anh rất nhiều trong quá trình hòa nhập xã hội. Hai bên tự nguyện, còn có quá trình tìm hiểu làm quen, nếu không hợp thì ra đi và được trả công. Rất rõ ràng rành mạch. Người tự kỷ có quyền kết hôn như bao người. Hôn nhân thuận lợi tốt đẹp hay không là do hai vợ chồng cùng vun đắp, gia đình giúp sức, khó nói sẽ tốt hay không”.

Đồng cảnh có con gái chậm phát triển, tuy nhiên chị Như Ý (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) lại có dự cảm bất an sau khi đọc bức thư của bà mẹ tuyển dâu. Chị thú thực vẫn hay lo nghĩ cho cuộc sống của con mình không biết sẽ ra sao khi cha mẹ tuổi già bóng xế. Ý định tìm cho con một người chồng để nương tựa vẫn thường trực trong tâm trí chị. Nhưng rồi chị xếp gọn ý nghĩ đó vào một góc vì nhận ra không thể cưỡng cầu. 

Một “dị bản” của bức thư chính chủ gây nhiễu thông tin
Một “dị bản” của bức thư chính chủ gây nhiễu thông tin

Mình là mẹ, sinh ra con, hiểu con đến nhường ấy, mà nhiều khi còn bực dọc, nổi nóng với những biểu hiện của con, nói gì đến việc kỳ vọng một người xa lạ có đủ yêu thương và kiên nhẫn với con mình. Cha mẹ làm hết cách để trao cho con hạnh phúc, nhưng biết đâu với con, hạnh phúc lại mang một màu sắc khác. Ứng xử vợ chồng, đời sống gối chăn… có là quá sức với đứa con dại khờ? Một cô gái, chàng trai khỏe mạnh, lanh lợi, có đau khổ, hay bị bạn đời ăn hiếp còn biết chia sẻ với gia đình ruột thịt, hoặc cầu cứu cộng đồng xã hội, chính quyền. Còn với một thanh niên khờ, họ chỉ biết chịu trận, mà cuộc sống hôn nhân đâu phải luôn bằng phẳng. 

Chưa kể trường hợp xấu nhất là khi cháu ngoại ra đời, thằng rể không chịu nổi vất vả, tốn kém, dứt áo ra đi, vứt hết lại cho mình. Đã lo cho con rồi thêm lo cho cháu. Cháu khỏe mạnh còn đỡ, cháu bệnh tật, èo uột càng khổ. Tuổi già có gánh nổi không, nhất là với những người có kinh tế eo hẹp. Chưa kể tâm lý bù đắp của mình dễ kích thích cho tính xấu ỷ lại, lợi dụng vật chất của những người “ứng cử” làm dâu/rể.

Bà mẹ có con trai tự kỷ chỉ đăng duy nhất một bài tuyển dâu, nhưng lập tức trên mạng đã phát tán nhiều “dị bản” với mục đích “cò mồi”, lừa gạt. Chúng đánh vào lòng tham của con người, khi hứa khống sẽ cho con dâu tương lai một cơ ngơi kếch sù với mấy chục phòng trọ. Một tấm chân tình, một mối duyên lành chưa đến thì đâu đấy đã ngửi thấy mùi khét lẹt của sự thực dụng khó lường. Có người còn đánh hơi vào facebook của bà mẹ và phán: “Qua ngôn từ của cô, tôi đoán cô rất giàu”. Một số người thẳng thắn cảnh báo nguy cơ gia đình dễ bị các cô gái tiếp cận chỉ vì tiền. Có người lại băn khoăn và nhắc nhở “cặp đôi” nên đi khám, tư vấn bác sĩ, tránh sinh ra đứa bé không khỏe bởi ảnh hưởng gen di truyền của cha.

Nhận được rất nhiều sự quan tâm, chia sẻ và kết nối ấm lòng, nhưng chỉ sau hai ngày đăng bài tìm bạn cho con trai, bà mẹ phải rút lại lời rao tuyển: “Ngưng tìm bạn đời cho con trai bị bệnh tự kỷ (để không đem lại phiền não cho người khác)”. Với những bình luận đồng thuận việc ngưng tìm vợ cho con, hay gợi ý tìm người giúp việc tốt hơn là cưới về cho con một cô vợ, bà mẹ cũng bộc bạch thật lòng: “Tính kiếm vợ cho con để có cháu nội, nhưng giờ thấy rắc rối quá. Tôi như đã thông suốt nhiều điều”.

Thương sự loay hoay, rối bời của một người mẹ đi tìm điều tốt nhất cho con mình và đã nhận thấy không nhất thiết phải choàng lên con tấm áo hôn nhân. Tình thương gia đình, tình bạn bè, hàng xóm láng giềng và sự quan tâm của những người đồng điệu, cũng có thể góp thêm hơi ấm. Và chắc chắn, chàng trai sẽ cảm nhận được tất cả. 

Tô Diệu Hiền

PHÁP LUẬT CÓ CẤM DỰNG VỢ GẢ CHỒNG CHO ĐỨA CON KHỜ?

Cha mẹ ai chẳng mong con được cập bến hôn nhân với người bạn đời hiền lành, chung thủy, bao dung. Sự yên dạ đó được gói gọn trong câu nói: “Thấy con yên bề gia thất, cha mẹ già mới an lòng nhắm mắt xuôi tay”. Điều đó xuất phát từ nỗi lòng của bậc cha mẹ chứ không hẳn dựng vợ gả chồng cho con để mình được… “rảnh nợ”. Tuy nhiên, việc kết hôn không chỉ trên cơ sở thuận lòng và sắp xếp êm thấm của hai gia đình, mà còn phải có pháp luật điều chỉnh. 

Theo điều 23 Bộ luật Dân sự 2015 về “người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi”, người thành niên do tình trạng thể chất hoặc tinh thần mà không đủ khả năng nhận thức, làm chủ hành vi, nhưng chưa đến mức mất năng lực hành vi dân sự, thì theo yêu cầu của người này, người có quyền, nghĩa vụ liên quan hoặc của cơ quan tổ chức hữu quan, trên cơ sở kết luận của pháp y tâm thần, tòa án quyết định tuyên bố người này là người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi và chỉ định người giám hộ, xác định quyền, nghĩa vụ của người giám hộ. 

Nếu nghi ngờ nhận thức hoặc sự hạn chế năng lực hành vi của một người, thì người thân của họ có thể đưa họ đi giám định hoặc nộp đơn yêu cầu tòa án tuyên bố người này hạn chế năng lực hành vi. Còn khi chưa có quyết định của tòa án kết luận người này hạn chế hoặc không đủ khả năng nhận thức, điều khiển hành vi thì xem như đây là người có năng lực dân sự đầy đủ và hoàn toàn đủ điều kiện để kết hôn.

Liên quan đến năng lực hành vi có ba cấp độ: mất, hạn chế hoặc khó khăn trong nhận thức điều khiển hành vi. Ba cấp độ này phải do tòa án tuyên thì mới đúng pháp lý để làm các bước tiếp theo như: kết hôn, quyết định tài sản, giám hộ...

Nếu một người kết hôn mà sau đó người trong gia đình hoặc phía vợ/chồng tìm ra hồ sơ bệnh án (mắc bệnh tâm thần chẳng hạn) đã có trước đó thì mọi giao dịch sau khi có hồ sơ bệnh án khả năng sẽ bị tòa án hủy rất cao (tùy vào loại bệnh, mức độ và khả năng chữa trị). 

Cha mẹ luôn mong con mình đẹp đôi nhưng một khi thấy nó cá biệt, mà sự cá biệt này liên quan đến nhận thức, hành vi thì nên đưa đi khám pháp y tâm thần trước khi cho con mình các quyền cơ bản như kết hôn, sở hữu tài sản... Như thế mới an tâm về việc con xây dựng một tổ ấm hoặc chọn một giải pháp khác, dù gia đình có khuyết rể khuyết dâu, nhưng các thành viên đều được sống trong sự đùm bọc, tin yêu. 

Luật sư Trần Hoài Nhân

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI