Nhà tôi có 4 anh chị em, ba tôi mất sớm nên mẹ phải bươn chải đủ nghề để nuôi con vì đồng lương giáo viên quá bọt bèo. Chúng tôi rất thương mẹ và cố gắng học hành nên đứa nào cũng tốt nghiệp đại học, có công việc ổn định. Anh trai tôi làm nghề xây dựng, còn ba chị em đi theo nghề của mẹ. Chị em tôi luôn ý thức tự lập vì biết hoàn cảnh của gia đình, mẹ được chúng tôi ăn học đã là một sự cố gắng lớn.
|
Mẹ vất vả nuôi con. Ảnh minh họa |
Hai chị tôi may mắn có gia đình chồng khá giả nên đỡ đần được nhiều. Còn tôi, mới tốt nghiệp ra trường, đi làm được vài tháng cũng kết hôn. Thực sự, tôi không muốn lấy chồng vội như thế nhưng cuộc sống trong nhà quá ngột ngạt. Mẹ càng ngày càng khó tính, cứ thấy mặt tôi là hối thúc, than thở với hàng xóm con gái lớn không chịu lấy chồng như quả bom nổ chậm.
Tôi hiểu tâm tư của mẹ, bà muốn các con sớm ổn định gia đình cho yên tâm. Bởi vậy, khi trong tay chưa có chút vốn nào, tôi đã lập gia đình. Chồng tôi là bộ đội, đóng quân ở xa nên tôi phải ở trọ một mình. Nhiều người thắc mắc, sao tôi không về nhà mẹ tá túc cho đỡ tiền trọ nhưng không ai biết, tôi rất muốn như thế mà mẹ không cho.
Trước đây, mẹ cũng thường phân biệt cách đối xử giữa anh trai và ba chị em tôi. Dù là anh cả nhưng anh trai luôn nhận được những thức ăn ngon nhất, đồ dùng đẹp nhất. Mẹ quan niệm, con gái xuất giá là con nhà người ta, không liên quan gì nữa.
Nhà chồng tôi ở cách hơn 600 cây số, chỉ dịp lễ tết tôi mới về nên cuộc sống của tôi chỉ xoay quanh đến trường rồi về nhà trọ. Muốn qua nhà mẹ ngồi chơi nhưng mẹ cứ hối tôi về vì anh chị tôi sắp đến giờ tan ca, về nhà thấy tôi “ăn đầm ở đìa” không tiện. Nhiều lúc tôi thấy thật tủi thân nhưng hiểu tính mẹ nên không đôi co làm gì.
|
Tôi xin mẹ về nhà ở cữ, mẹ không cho. Ảnh minh họa |
Khoảng một năm sau, tôi có bầu và chuẩn bị sinh con. Theo tục lệ ở chỗ tôi “con so nhà mạ, con rạ nhà chồng” nên tôi xin mẹ về nhà ở cữ nhưng mẹ không đồng ý. Mẹ bảo, tôi cứ sinh ở nhà trọ, gọi bà nội vào chăm chứ mẹ còn bận trông cháu nội.
Nhà trọ nóng nực, muốn ở lại đó sinh con, tôi phải nộp thêm tiền trọ mà mẹ chồng tôi già yếu, vào được ít hôm thì đổ bệnh phải về, thỉnh thoảng hai chị gái tạt qua nấu cơm và giặt áo quần giúp.
Tôi than thở, các chị động viên: “mẹ vốn quý cháu nội hơn cháu ngoại mà, tụi chị cũng phải sinh con ở nhà chồng chứ có được về nhà mẹ đâu, mẹ vất vả nhiều rồi em đừng chấp trách”. Tôi hiểu là vậy nhưng sao nước mắt cứ trào ra, hai chị có nhà chồng mà nương tựa còn tôi mới sinh con phải vò võ ở phòng trọ một mình. Trong tháng ở cữ, mẹ chỉ tạt qua hai lần rồi về. Chồng tôi xin nghỉ phép được vài tuần rồi cũng phải trở về đơn vị.
Con gái tôi khoảng 7 tháng tuổi đã phải đi nhà trẻ vì không có người trông nom, mỗi lần ghé qua nhà thấy mẹ chăm lo cho thằng cháu đích tôn hơn con tôi vài tháng mà tôi thấy tủi thân. Mẹ quý thằng bé cũng phải vì khó khăn lắm anh chị tôi mới có một mụn con sau gần 7 năm lấy nhau.
|
Mẹ chỉ quý thằng cháu đích tôi. Ảnh minh họa |
Nhưng chứng kiến cảnh đánh mắng con gái tôi vì dành đồ chơi của cháu nội làm tôi tức tối. Chuyện trẻ con với nhau sao mẹ nỡ phân bì hơn thua. Nhiều lần qua nhà bà ngoại, con tôi thấy bánh sữa thì đòi ăn nhưng mẹ nhất quyết không cho vì đó là của cháu nội. Có lần, con gái tôi bị viêm phổi phải cấp cứu, tôi xin nghỉ dạy lâu không được nên nhờ mẹ vào viện trông bé hộ vài hôm.
Nhưng mẹ kêu bận, không ai chăm thằng cu trong khi chị dâu tôi có bảo: “mẹ để con đưa cháu về ngoại ít hôm, mẹ giúp em nó vài bữa”. Thế là, mẹ đánh một câu: “gọi bà nội nó vào mà chăm, làm gì có kiểu cháu bà nội tội bà ngoại chứ”. Tôi đành ngậm ngùi nuốt nước mắt ra về, cũng may, hai chị gái gửi con cho ông bà nội thay nhau vào chăm bé cho tôi đi làm.
Hai chị bảo với tôi: “em phải xác định, đã lấy chồng rồi là không nhờ vả mẹ được gì đâu nên suy nghĩ gì cho mệt bởi mẹ lo sau này già yếu thì chỉ có vợ chồng anh trai chăm sóc cho mẹ chứ con gái tụi mình không giúp được, nên giờ phải hết lòng hết dạ với cháu nội, chết đi nó còn hương khói cho”.
Tôi không hiểu tại sao mẹ lại nghĩ cạn như thế, chị em tôi vẫn thường xuyên mua sắm bồi bổ cho mẹ, trách nhiệm của con trai và con gái ngang bằng nhau. Nhìn mẹ của những chị em đồng nghiệp lo lắng cho con gái, phụ con chăm cháu mà tôi đắng lòng. Từ ngày con gái ra viện, tôi cũng ít qua nhà mẹ hơn. Biết có thể là sai nhưng sao tôi không thể làm khác được bởi con nào mà không dứt ruột đẻ ra sao mẹ nỡ phân biệt.
Trúc Lý