Mê 'phây' hơn con

11/03/2019 - 07:45

PNO - Buổi trưa ở sảnh chờ khám bệnh của bệnh viện nhi đồng khá yên ắng, bỗng có tiếng trẻ quát to: “Mẹ có cất điện thoại được không?”.

Rồi bé nói như chực khóc: “Mẹ cấm con không chơi điện thoại, nhưng sao lúc nào mẹ cũng cầm điện thoại vậy? Mẹ không bao giờ chơi với con”. 

Tôi quay lại nhìn hàng ghế sau. Đó là tiếng của bé gái khoảng 8 tuổi với gương mặt giận dữ và đôi mắt ngấn lệ. Người mẹ cười gượng rồi cho điện thoại vào túi xách. Khi ấy, những người ngồi xung quanh, mặt cũng sượng trân rồi lén nhét điện thoại vào túi - trong đó có tôi. Vậy mà cậu con trai sáu tuổi vẫn không tha cho tôi. Có lẽ được “tiếp lửa” từ cô bé nên chàng lên giọng: “Mẹ thấy chưa, coi điện thoại hoài là không tốt, mẹ dặn con mà mẹ vi phạm nên giờ bị la đó”. 

Me 'phay' hon con

Lời của thằng bé khiến mọi người chĩa hướng nhìn qua tôi, làm tôi muốn độn thổ. Nhưng thật ra, tôi tin không chỉ riêng mình muốn tàng hình mà có lẽ hầu hết phụ huynh ở đây. Vì tôi thấy những ánh mắt trân trối của bọn trẻ nhìn cha mẹ - và sự bẽn lẽn, xấu hổ của các phụ huynh khi muốn giấu biến chiếc điện thoại “tang vật”. Trong tôi lại dâng lên 1.001 lần hối hận. Tôi nghĩ, đây có lẽ là tiếng kêu thống thiết và đồng thanh của rất nhiều đứa trẻ, trong đó có cả con tôi. Và cũng đã 1.001 lần tôi tự hứa sẽ buông điện thoại để dành thời gian chơi với con. Nhưng nghe âm “tít” của điện thoại báo có người chat, người còm thì tôi quên hết mọi thứ, rút điện thoại ra và miên man với các nhóm chat, rồi lùng quán ăn, shop đang giảm giá sốc… Rồi còn sự mê hoặc của những “tút” thú vị, tếu táo của các bạn ảo “phây”, chưa kể cứ canh chừng các hot facebooker nói chuyện thời sự và cả trao đổi công việc... 

Có một điều rất thực là việc tôi - chúng ta chưa trả lời còm, chưa trả lời bạn bè hỏi thăm mình thì mình thấy rất bất lịch sự - điều này thật sự hiện hữu hơn là con tôi, chồng tôi đang chờ được nói chuyện, vui đùa. Lâu dần, chồng tôi cũng cuốn vào điện thoại để chơi game, đánh cờ tướng. Còn con thì có ti vi giải trí nên thật sự tôi cũng như các “đồng nghiệp phây” nghĩ chuyện vẫn ổn, con vẫn ăn, đến trường mỗi ngày và mỗi năm đều lên lớp. Chưa kể, những đứa trẻ được cha mẹ “chuộc lỗi” bằng cách phát cho điện thoại thông minh hay iPad thì tình trạng “chung sống hòa bình”: mẹ con mỗi người một chiếc điện thoai càng kéo dài. 

Thử nhìn một lượt mà xem, từ quán cà phê đến công viên, hay cả trước cổng trường đón con, hầu hết phụ huynh đều dán mắt vô điện thoại. Có một thực tế là tôi - chúng ta - đang bị nghiện, lệ thuộc điện thoại và riêng tôi - thật sự rất cần những tiếng la bức bách, thống thiết như hôm nay của các con để tôi - chúng ta bừng tỉnh. Nói thì dễ, nhưng cai điện thoại không dễ, nên thời gian với con vẫn là một điều xa xỉ của nhiều bà mẹ. 

Khánh Phương

Báo Phụ nữ TP.HCM rất mong nhận được tâm tình, kinh nghiệm “Buông điện thoại 1 giờ/ngày” của bạn. Bài viết xin gửi về hộp thư: honnhangiadinh@baophunu.org.vn. 
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI