Mẹ ơi, mẹ đừng chết!”

15/03/2016 - 07:24

PNO - Chúng ta dạy con cách ứng phó khi đi lạc, tránh để kẻ xấu dụ dỗ, học thuộc lòng số điện thoại... mà chưa nhớ rằng, khi gặp sự cố bất ngờ...

Me oi, me dung chet!”
Ảnh mang tính minh họa

Chiều hôm ấy, ba mẹ con tôi đang đi bơi thì gặp một cơn giông. Hồ nằm giữa một khu chung cư, tứ bề là những căn hộ cao tầng san sát, nên gió dường như chẳng có đường thoát, cuộn tung mặt nước lên như sóng, nhìn rất sợ. Giữa ban ngày mà trời vần vũ tăm tối rất nhanh. Xung quanh mọi người nháo nhác kêu con mình đi vào. Bé Su, con gái lớn của tôi đang ngồi gần bờ hồ, nhanh chóng chạy vô khu tủ cất giày dép, quần áo, có mái che. Còn cu Bin lên sáu vẫn hồn nhiên bơi lội dưới hồ.

Không phải chỉ có mình con tôi, vẫn còn vài cô bé cậu bé không nhận thức được nguy hiểm, tiếp tục đùa giỡn trong không khí hỗn loạn trên bờ. Tôi gào tên con trong sợ hãi. Ngước lên, cảm giác những giò lan, chậu cảnh được người ta trồng ngoài ban công các căn hộ trên cao kia có thể đổ xuống đầu mình bất kỳ lúc nào. Tiếng mái che của hồ bơi bập bùng trong tiếng gió rít lên từng cơn ầm ào. Mưa đã đổ xuống nhanh như chảo chớp. May thay, cuối cùng tất cả người lớn lẫn trẻ con hôm ấy đều bình an vô sự…

Sự việc dễ sợ ở hồ bơi giờ vẫn khiến tôi rùng mình khi nhớ lại. Sau hôm đó, tôi kỹ lưỡng dặn con phải biết quan sát xung quanh, đề phòng thiên tai, hỏa hoạn… này nọ. Nếu có gì bất thường phải đi ngay vào nơi an toàn hơn. Bọn trẻ tất nhiên vừa tranh nhau buôn chuyện về buổi đi bơi ấy, vừa vâng dạ ra điều vô cùng hiểu rõ.

Thế nhưng, vừa rồi, khi ba mẹ con tôi gặp tai nạn giao thông lúc đang cùng đi bộ sang đường, tôi mới hiểu, mình đã quên dạy con kỹ năng ứng phó với tình huống khẩn cấp, bất ngờ. Số là tôi đi phía có xe, che chắn cho hai con, nên khi bị chiếc xe máy chạy ẩu tông phải, tôi bị ngã xuống. Đầu tôi đập xuống đất khiến mọi suy nghĩ dường như tê liệt.

Tôi ngồi thất thần bên đường với hai đứa trẻ chỉ biết òa khóc và kêu gào “Mẹ ơi, mẹ có sao không?”. “Mẹ ơi, mẹ đừng chết”. Trong cái đầu váng vất lúc ấy, tôi nhớ mình đã vỗ về con bình tĩnh, đã dặn con phải can đảm. Hết. Tôi cũng không biết phải xử lý làm sao, mãi cho tới khi có người kêu đọc số điện thoại người nhà đi, họ gọi giùm cho, tôi mới máy móc nêu lên một dãy số…

Nếu hôm ấy, tôi bị té nặng hơn, bất tỉnh nhân sự chẳng hạn, thì chẳng biết mẹ con tôi có bị lạc mất nhau, con tôi có biết cung cấp thông tin cho người xung quanh, hay có khi bị kẻ xấu dẫn dụ đi mất… Chỉ hình dung đến thôi cũng đủ khiến tôi gai người vì sợ. Bởi chúng chỉ thuộc hai số điện thoại của ba mẹ, và mẹ thì đang gặp chuyện, bố đi vắng xa, không mở máy. Con trẻ chỉ biết kêu khóc khi hữu sự, thật là quá sức lo lắng.

Trên mạng, tôi thấy một số bậc cha mẹ có điều kiện cho con đi học các lớp kỹ năng sống. Luyện cách xử lý khi ở nhà với người ốm, đau bệnh, cần phải cấp cứu. Nhưng thật sự không phải ai cũng có khả năng kinh tế lẫn điều kiện đưa đón con đến những nơi dạy dỗ chuyên nghiệp như vậy. Mà lần chần đợi “mai mốt cho con đi học luôn thể”, biết đâu khi cần, con cái chúng ta lại loay hoay chẳng biết phải xử trí ra sao…

Tôi kể câu chuyện và mối bận tâm ấy cho đồng nghiệp có con trạc tuổi, bạn khá bất ngờ và nhớ ra, bản thân cũng quên dạy con cách ứng phó với tình huống bất trắc kiểu này. Chúng ta dạy con cách ứng phó khi đi lạc, tránh để kẻ xấu dụ dỗ, yêu cầu chúng học thuộc lòng số điện thoại và địa chỉ nhà, mà chưa nhớ rằng, khi gặp sự cố bất ngờ, con hầu như chẳng biết xoay xở ra sao, cầu cứu thế nào… Chia sẻ ở đây, để các bà mẹ khác đôi khi cùng giật mình ngó lại…

Hoàng My

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI