Mẹ ơi, hãy tôn trọng con!

22/11/2021 - 05:58

PNO - Luật pháp đã tiến nhiều bước trong lộ trình bảo vệ quyền riêng tư của trẻ em Việt Nam, song thực tế vẫn còn cách rất xa các điều luật.

Ai lớn hơn có tiếng nói hơn

Người lớn thường dạy trẻ nhỏ không được tự ý chạm vào đồ đạc của người khác - ngay cả đồ của cha mẹ, ông bà trong nhà. Việc ra quy định con trẻ phải xin phép mới được làm gì đó không đồng nghĩa người lớn cũng tuân thủ nguyên tắc này. 

Vì lớn tuổi hơn, vị thế cao hơn nên người lớn có quyền động chạm mà không cần phải thông qua ý kiến của trẻ nhỏ. Điều này vô tình khiến con trẻ nhiều lần bất bình, tức đến khóc. Nhưng người lớn thường phẩy tay, làm mặt ngầu hay làu bàu: “Chuyện nhỏ xíu mà làm thấy ghê! Ai thèm lấy chi, chỉ thử thôi mà!” rồi quay lưng bỏ đi thay vì xin lỗi chân thành. 

Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK

 

Nào có phải là chuyện nhỏ, quyền bất khả xâm phạm các vấn đề riêng tư được quy định hẳn trong Luật Trẻ em luôn đó chứ! Nhưng thực tế, chẳng mấy người lớn quan tâm luật, và theo lệ: Ai lớn hơn có tiếng nói “trọng lượng” hơn. Trải nghiệm lúc còn nhỏ cho trẻ niềm tin rằng khi lớn lên chúng sẽ có quyền làm điều tương tự với người khác, đặc biệt với người nhỏ hơn. 

Năm tôi học cấp II, vào những năm 1998, tôi cũng có vài ba người bạn ở khắp nơi và mỗi chiều mùa hè tôi đều mong bác đưa thư. Rồi một hôm, mẹ tôi gọi tôi lại và nói rằng tôi không nên kể chuyện gia đình mình với người ngoài, dù là qua thư từ. 

Thời khắc đó, tôi biết mình sai khi đã không giữ bí mật chuyện quan trọng, ít nhất là với mẹ. Nhưng cơn giận vì biết mẹ đã lén đọc thư của tôi khiến đứa trẻ 15 tuổi vừa khóc vừa hét lên: “Mẹ không có quyền lục đồ, đọc thư của con!”. 

Sau đó, khi đã bình tĩnh hơn, mẹ xin lỗi tôi vì hành động không đúng. Mẹ lo lắng không biết tôi giao du với ai, kể lể những gì nên mẹ đã chọn cách mà mọi người xem là bình thường. Mẹ thừa nhận bà sai, nhưng tôi cũng phải hứa rằng chuyện trong nhà thì không nên đưa vào các bức thư kết bạn phương xa vì bà là một phần của câu chuyện, bà thấy buồn nếu ai đó được nghe, được biết về điều bà không sẵn lòng chia sẻ. 

Tôi đã học cách tôn trọng quyền riêng tư của mẹ như thế. Mà thực ra chúng tôi chẳng biết gì về luật pháp cả, trong gia đình nội ngoại chưa từng có tiền lệ về điều này. Từ thời điểm mẹ con chúng tôi trải lòng mình, gia đình tôi bắt đầu có văn hóa tôn trọng thông tin cá nhân. Tôi biết ơn mẹ tôi, vì bà đã dũng cảm thừa nhận lỗi và cho tôi biết bà cảm thấy thế nào mà không trách cứ, phán xét.

Truyền thống này chúng tôi duy trì cho thế hệ sau, dù người lớn hay người nhỏ, đều phải tôn trọng quyền riêng tư của người khác, không được tự ý sử dụng đồ dùng cá nhân của người khác. Nếu lỡ ai đó vô tình hay cố ý “phá rào”, chúng tôi sẽ cùng nhau thủ thỉ để người trong cuộc hiểu ra.

Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK

 

Chuyện nhỏ mà, làm gì ghê! 

Cô bạn hàng xóm của tôi hồi nhỏ từng đỏ mặt tía tai trốn ra sau hè ngồi khóc, vì mẹ bạn oang oang kể: “Nó đã tám tuổi mà đêm qua vẫn đái dầm muốn trôi cả em trai ra biển”. Bây giờ làm mẹ, bạn tôi lại làm điều tương tự với con trai khi vô tư kể về tật xấu của con với giáo viên và người họ hàng. Có lần tôi chứng kiến cậu bé 10 tuổi vừa đánh vào lưng mẹ thùm thụp vừa cằn nhằn.

Thói quen xoa đầu, vỗ vai, nắn má hay việc chia sẻ không gian riêng tư (như ngủ chung giường với bà con họ hàng mỗi khi họ làm khách của gia đình) cũng là một hình thức xâm phạm quyền riêng tư của trẻ, có thể dẫn đến nguy cơ bị xâm hại thân thể. Từ khi có mạng xã hội, việc chụp hình, quay phim trẻ nhỏ càng… vô tội vạ. Ai cũng có thể đưa điện thoại lên bấm mà không buồn xin phép đứa trẻ hay hỏi ý cha mẹ chúng.

Với chúng ta, điều này “nhỏ xíu hà, đâu cần làm quá lên chứ!”, nhưng trong Luật Trẻ em 2016, điều 21 quy định trẻ em có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình vì lợi ích tốt nhất của trẻ em. 

Trong khi chờ đợi sự bảo vệ từ bên ngoài, chính mỗi người phải có ý thức về việc tôn trọng quyền riêng tư của người khác và tự bảo vệ mình. Trong gia đình tôi, chúng tôi dạy các em nhỏ biện pháp bảo vệ bản thân trước ống kính của người khác (giơ tay che mặt, yêu cầu xóa hình nếu có ai đó vô tình hoặc cố ý chụp hình), có quyền từ chối hợp tác nếu không thoải mái trước một đề nghị nào đó, dù là từ người thân. Chuyện này dạy dỗ không hề dễ.

Người lớn chúng tôi cũng phải tự soi mình trong mỗi hành động, lời nói và phải làm gương để trẻ có thể hiểu đúng, giúp chúng lớn lên an toàn và biết tôn trọng người khác. 

Cẩm Phô

 

 

news_is_not_ads=

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEtinhyeuhonnhanvi /strCate=tinhyeuhonnhan

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEchuyennhavi /strCate=chuyennha

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEtinhvalyvi /strCate=tinhvaly

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEphongcachsongvi /strCate=phongcachsong
TIN MỚI

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEhonnhangiadinhvi /strCate=honnhangiadinh