Ba tháng qua, khi cuộc sống bị giới hạn và xoay vần theo chỉ thị phòng, chống dịch của thành phố, bếp nhà tôi cũng trải qua mấy lần nóng, lạnh, căng thẳng leo thang trước khi bình thường và ấm áp trở lại.
Tôi đọc trên mạng xã hội thống kê vui rằng, trong tháng giãn cách đầu tiên, số vụ tai nạn giao thông và trộm cắp giảm mạnh, trong khi số vụ vợ chồng cãi nhau và đánh nhau tăng vọt. Chị bạn tôi gọi đây là hội chứng “nhìn hoài thấy ngán”.
Khi tiếp xúc quá nhiều, đàn ông và đàn bà trong hôn nhân có khả năng trở thành “đối thủ” là có thật. Chị tâm sự, vợ chồng chị cự nhau bất cứ lúc nào, chỉ từ những việc cỏn con trong nhà. May là “còn tình yêu đó, nỗi buồn sẽ qua” chứ không hết dịch tan đàn xẻ nghé chứ chẳng chơi.
Nhà tôi cũng không tránh được những đổi thay, nhất là trong gian bếp. Chồng tôi vẫn đi làm, nhưng theo quy định thời điểm siết chặt, thời gian ở nhà của anh cũng nhiều. Chúng tôi cùng xoay xở để có đủ thực phẩm bằng nhiều cách, mua online, mua qua người quen và được bà con, bằng hữu “tiếp tế”.
|
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK |
Thực phẩm về rồi thì phải tổ chức bữa ăn sao cho phù hợp với giai đoạn mua sắm khó khăn, đắt đỏ và thiếu đủ thứ mình cần. Trong chuyện này thì tôi rất mừng vì chồng tôi trước nay vốn thích nấu ăn, giỏi đi chợ, nên “sức mạnh từ hai mũi tấn công” dù sao cũng đem lại sự yên tâm đáng kể.
Khả năng bếp núc của cả hai được vận dụng triệt để vì mục tiêu ăn để sống và đảm bảo sức đề kháng phòng, chống dịch nếu chẳng may bị nhiễm. Nhưng khổ nỗi, vợ chồng tôi vốn lớn lên từ hai vùng miền khác nhau, khẩu vị đến cách nấu nướng trước giờ đã khác.
Lúc trước bếp do tôi phụ trách chính nên không sao, còn bây giờ, khi chồng tôi hiên ngang muốn “giành” cái bếp, căng thẳng mới leo thang.
Chồng tôi nấu, món ăn thường quá cay, quá mặn hoặc “được” sáng tạo đến nỗi mấy mẹ con ngơ ngác không biết đang ăn gì.
Tôi thì quen những món truyền thống, nêm nhạt bảo vệ tim mạch, ưu tiên khẩu vị con cái, nên cứ thấy anh nấu theo cách của anh là tôi khó chịu, nhất là khi tụi nhỏ tha thiết: “Mẹ ơi mẹ đừng để ba chiếm cái bếp nữa”.
Ép dầu, ép mỡ ai nỡ ép… ăn? Và với đầu bếp mẹ vốn được thực khách con ủng hộ quanh năm như tôi, việc được chồng nấu cho ăn và phải ăn theo kiểu mình không thích khiến tôi ức chế hơn cả việc mấy tháng không tô son hay mua sắm.
Im lặng mấy hôm, suy nghĩ mấy đêm, tôi đã phải nhắn “tâm tin” cho chồng thế này: “Thời dịch, có ăn là mừng, có thức ăn nấu sẵn còn gì sướng hơn, vậy sao cứ tranh cãi? Là vì cô vợ cổ muốn chồng bớt giỏi đi một chút. Cổ ích kỷ lắm. Cổ muốn ông chồng giỏi hỏi cổ là: có mấy món này làm gì ăn cho ngon hả vợ?
Rồi ổng đề xuất: hay là ăn như thế này đi, cô vợ trúng ý sẽ tán thưởng liền. Nếu có nấu, nhớ là nấu cho vợ con ăn bớt cay, nấu cho cha mẹ ăn bớt mặn, đảm bảo dinh dưỡng hơn là sáng tạo tốn kém, vậy là nhất!
Còn chuyện này cô vợ cổ nói hoài sao không chịu hiểu giùm: mọi ông chồng có giỏi bếp núc cách mấy cũng không nên chuyên quyền trong bếp.
Chỉ cần đem thực phẩm ngon về cho cô ấy, lâu lâu nấu mấy món ngon nức nở cho cô ấy và bọn trẻ ăn rồi nở banh mũi khi họ khen. Và thỉnh thoảng vào bếp kín đáo ôm cô vợ từ phía sau, khen cổ đảm quá, vậy là đỉnh của đỉnh rồi.
Thời dịch, hạnh phúc giản đơn vậy thôi, hà cớ làm phức tạp cho mệt! Giỏi thì cũng giỏi vừa thôi, chừa phần giỏi cho người khác với chồng ơi!”.
Chồng tôi im lặng cả buổi chiều rồi trả lời tin nhắn rằng: “Nấu ăn với anh cũng là một cách anh san sẻ công việc và bày tỏ tình yêu thương với vợ con. Em nấu không dở, nhưng không phải lúc nào cũng ngon, ngược lại cũng vậy.
|
Ảnh minh họa |
Khác biệt vùng miền, khẩu vị khó tránh. Song mình đều yêu thương gia đình. Thôi đương lúc phải rảnh rỗi bất đắc dĩ này, vợ chồng mình chia bếp mỗi người 3,5 ngày để ai cũng được nấu cho người mình thương, con cái được thưởng thức và học cách nấu của ba lẫn mẹ. Vậy em nha!”.
Sau hôm đó, bếp nhà tôi chính thức có hai đầu bếp, người này nấu thì người kia đi chỗ khác chơi.
Như đã cùng thích nghi và vượt qua chuỗi ngày sống “không bình thường” do dịch bệnh, có lẽ vợ chồng đã vượt qua được cái tôi, sự cố chấp và khác biệt sâu đậm trong thói quen ăn uống.
Chúng tôi đã cùng thắt lưng buộc bụng, giữ gian bếp ấm để có năng lượng tích cực nhất, chờ đợi và hy vọng sớm tới ngày dịch bệnh được kiểm soát tại Sài Gòn - mảnh đất chúng tôi đã gắn bó và yêu thương như quê hương thứ hai của mình.
An Nguyên