Mẹ nuôi con bệnh từ lúc tóc còn xanh đến khi bạc trắng

17/04/2021 - 18:52

PNO - “Mẹ theo em từ thuở tóc còn xanh đen, đến giờ tóc mẹ đã bạc trắng” đang là câu nói được chia sẻ rầm rộ trên mạng xã hội.

Cộng đồng mạng những ngày cuối tuần vẫn đang chia sẻ và rưng rưng theo dòng tâm sự: “Mẹ theo em từ thuở tóc còn xanh đen, đến giờ tóc mẹ đã bạc trắng”.

Đó là lời anh Phạm Hữu Nghiêm nói về mẹ là bà Trần Thị Mai - khi anh xuất viện tại Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM.

Căn bệnh máu khó đông khiến cuộc đời anh Nghiêm là chuỗi dài những ngày tháng vật vã. Suốt 11 năm ấy, niềm hy vọng trong lòng bà Mai chưa bao giờ tắt, dù có lúc anh Nghiêm từng muốn bỏ cuộc.

26 lần đứng ngoài phòng mổ đợi tin con, có lẽ cũng là 26 lần trái tim bà Mai chịu đựng sự thử thách. 10 lần con bị nhiễm trùng huyết là 10 lần bà trắng đêm lo  mất con. Những khi vết thương trên người con hoại tử, bốc mùi hôi hám, bà luôn ở bên, cùng các điều dưỡng vệ sinh vết thương, thay băng cho con. 

11 năm ngủ dưới gầm giường bệnh của con với quá nhiều điều để kể, nhưng bà Mai chỉ ngắn gọn: “Không vất vả, vì quen với những việc này rồi”. 

Bà Trần Thị Mai và anh Phan Hữu Nghiêm
Bà Trần Thị Mai chưa bao giờ từ bỏ hy vọng giành mạng sống cho con

Một bà mẹ khác, bà Võ Thị Liên (quê Đắk Lắk) cũng 11 năm rong ruổi từ Nam chí Bắc, xem bệnh viện là nhà, đeo đuổi con đường trị thương tật của người con sau một vụ tai nạn. Với niềm hy vọng mong manh con sẽ bình phục, bà Liên bán hết ruộng vườn để chạy chữa cho con, trong khi bản thân bà mang nhiều bệnh như: hở van tim, u xơ tử cung...

Cách đây ít ngày, trong video đăng tải trên YouTube của nghệ sĩ hài Thúy Nga, có một câu chuyện khiến người xem rơi nước mắt. Bà Tư (hiện đang sống tại Mỹ) bị lẫn nhiều năm, nhưng lúc nào cũng nhớ thương con. Những lúc nghĩ về con là lúc bà tỉnh táo nhất. 

Người con duy nhất của bà hơn 40 tuổi, vì bị tai biến nên liệt tay, chân, không thể nói chuyện và hiện sống trong viện dưỡng lão. Một lần nọ, bà Tư bị té nứt xương chân, phải bó bột và ngồi xe lăn. Nhưng nỗi đau thể xác không thể ngăn bà mẹ già lần tìm đường đi thăm con. Không ai hiểu bằng cách nào mà bà bắt được xe buýt đến viện dưỡng lão gặp con mình.

Ở mỗi hoàn cảnh, người lại mẹ hy sinh cho con theo một các rất khác. Chị Mai (Trà Vinh) người phụ nữ tật nguyền mắc bệnh thần kinh đã bị cưỡng hiếp dẫn đến mang thai. Ai cũng lo không biết chị nuôi con thế nào. Nhưng thật bất ngờ, bản năng làm mẹ đã giúp chị chăm con tốt và khoẻ mạnh. Có con, chị tỉnh táo hơn, dần biết học mở điện thoại để con xem hoạt hình, chơi cùng con... 

Bà Tư (áo hoa) bị lẫn trí nhưng luôn nhớ thương con
Bà Tư (áo hoa) bị lẫn nhưng chưa bao giờ thôi nhớ thương con

Trong đêm chung kết Hoa hậu Thế giới 2017, khi được hỏi nghề nào xứng đáng được trả lương cao nhất, người đẹp Ấn Độ Manushi Chhillar (là thí sinh đăng quang năm đó) trả lời: đó là nghề làm mẹ. 

“Mọi người mẹ đều hy sinh cho con. Vì vậy, nghề xứng đáng được trả lương cao nhất, được tôn trọng và yêu thương nhiều nhất chính là làm mẹ”, người đẹp lý giải.

Câu trả lời ấy khiến nhiều người theo dõi cuộc thi suy ngẫm, liệu rằng công việc làm mẹ có nên được trả lương hay không.

Câu hỏi này cũng từng được tranh luận trong nhiều diễn đàn của phụ nữ. Nhưng những ý kiến khẳng định làm mẹ là một nghề, đòi hỏi sức khoẻ, tinh thần bền bỉ, sự hy sinh và cả sự dấn thân nguy hiểm... ít hơn số ý kiến cho rằng làm mẹ là thiên chức thiêng liêng, không nên xem làm mẹ đơn thuần là một nghề nghiệp, một công việc...

Những chị em đã sinh nở  và đang làm mẹ lý giải rằng: Phụ nữ nhận lấy vai trò làm mẹ một cách tự nhiên, không đòi hỏi, thậm chí chẳng cần ghi nhận, chỉ mong con ngoan, con khoẻ. Được sinh con và làm mẹ đã là hạnh phúc lớn lao, cho dù vất vả, khó khăn đến mức nào, có mẹ bên con rồi sẽ vượt qua hết.

Có lẽ mọi bà mẹ quên mình vì con đều không thích "tính công", họ sẽ chung câu trả lời giản dị của bà Mai - người mẹ 11 năm ngủ dưới gầm giường bệnh của con trai: "Không vất vả, vì quen với những việc này rồi”. 

Trung Sơn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI