Mẹ nhặt rác quyết nuôi con bằng sữa ngoại

07/04/2016 - 11:48

PNO - Con cái là của để dành, đương nhiên rồi, nhưng con cái còn là thần tượng. Thế nên chẳng có lý gì mà không làm tất cả cho con cái.

Từ lúc đứa trẻ mới tượng hình trong bụng mẹ, nhiều cặp vợ chồng đã thầm hứa: sẽ cho con ăn những thứ ngon nhất, học trường tốt nhất và sống ở một nơi tốt nhất để con phát huy hết thế mạnh của mình. Chỉ thế thôi.

Uống sữa bà bầu đắt nhất dù thu nhập chỉ từ nhặt rác

Chị chọn uống sữa bà bầu loại tốt, đắt nhất cho dù công việc của chị chỉ là người đi nhặt phế liệu. Nhặt rác với giáo sư hay bác sỹ thì có khác gì nhau nhỉ, ở cái ước mơ về con cái ấy. Thế nên khi biết mình mang thai, chị đã thủ thỉ với chồng: “Mình phải hy sinh đời bố để củng cố đời sau anh ạ”. Chồng chị - một anh phụ hồ quen làm việc tay chân, suy nghĩ cũng thoáng như vợ, gật đầu cái rụp. Vậy là kế hoạch vì “thế hệ mai sau” bắt đầu được chị thực hiện.

Đầu tiên là việc uống sữa bà bầu, phải nói vợ chồng chị là người can đảm và kiên định. Lương phụ hồ của chồng mỗi tháng được 3 triệu, vừa đủ trang trải tiền nhà và tiền ăn của hai vợ chồng. Thu nhập có được từ việc đi nhặt rác, chị dành dụm để mua sữa uống. Trình độ chỉ hết cấp 2 nhưng chị lại rất rành việc lên mạng, vào facebook.

Me nhat rac quyet nuoi con bang sua ngoai
Phong phú các loại sữa ngoại bày bán trong siêu thị, cửa hàng (Ảnh minh họa).

Sau khi tham khảo một hồi từ các mẹ ở hội “ngựa vàng”, chị quyết định uống sữa Mỹ với hy vọng sẽ tăng chỉ số IQ cho con ngay từ lúc nằm trong bụng mẹ. Không đủ tiền mua hộp to, chị mua hộp nhỏ, loại dùng từng bữa một. Những khi mưa gió, giá rét, không thể đi nhặt rác được, đồng nghĩa với việc phải chi tiêu số tiền đã dành dụm, chị dùng tạm sữa tươi nhưng cũng phải là loại nhập khẩu. Với suy nghĩ sữa là để cho con, ăn mới là cho mình nên chị không bỏ một bữa sữa nào cho dù bữa cơm đó chỉ có rau với vài hạt lạc rang.

Nhiều hôm thấy chồng ăn mì tôm rồi đi làm, chị cũng thấy thương nhưng rồi lại tự nhủ: “Chúng ta đang vì con đấy chứ”. Vậy là nước mì tôm chồng không ăn hết, chị lại bỏ cơm nguội vào ăn vui vẻ.

Ngày chị khai hoa nở nhụy, nhìn cô con gái mũm mĩm hồng hào, chị thấy hả lòng hả dạ. Chỉ khổ cho anh chồng mấy hôm đó cứ chạy ngược chạy xuôi, miết mải đi làm rồi miết mải vào viện. Ngó con xong, anh lại vội vã đi làm. Chị nằm đó, tay rờ lên làn da mềm như nhung của con, miên man nghĩ.

Cơm ăn thiếu nhưng đồ cho con phải đủ

Đứa trẻ chào đời với những chi phí phát sinh khiến mâm cơm của vợ chồng chị vốn đã đạm bạc nay càng nghèo nàn hơn. Nhiều lúc đi qua hàng thịt gà, chị chợt nhớ đã lâu lắm rồi loại thực phẩm này không có trong thực đơn của bữa cơm gia đình. Thoáng chút lăn tăn với chồng nhưng rồi hình ảnh cô con gái bụ bẫm lại thôi thúc chị rảo bước. Chị bỗng thấy món rau nấu suông và đậu luộc thật thân thương cho dù ngày nào cũng ăn nó.

Nhắc đến chuyện ngày dùng cho con 6 chiếc bỉm, dù có rẻ tiền nhất cũng hết gần 30 ngàn mỗi ngày, chị chống chế rằng dùng bỉm vừa an toàn, vừa đỡ tốn. Cái tốn mà chị nói đến chính là tốn xà phòng, tốn nước giặt và cả thời gian nữa. Theo chị, những thứ tốn ấy gộp lại, có thể gần bằng với số tiền mua bỉm, trong khi dùng bỉm, sẽ đảm bảo làn da mịn màng của con, chị sẽ kiêng khem được mà không phải nhờ người chăm sóc, đỡ được suất cơm nuôi. 

Me nhat rac quyet nuoi con bang sua ngoai
Các ông bố, bà mẹ tranh nhau mua sữa ngoại được cho là tốt nhất về cho con (Ảnh minh họa).

“Chị có đi cả xóm lao động này cũng không tìm được ai chăm con như tôi đâu. Đồ dùng của con tôi, thức ăn của nó và ngay cả cái bỉm, tôi cũng dùng loại nhập khẩu. Tôi làm cái gì cũng vì con cái”, chị tâm sự. Tên thật của chị là Dậu nhưng cả xóm cứ gọi chị là Diễm, kể cũng lạ.

Các cụ vẫn có câu: hai vợ chồng chân son, đẻ đứa con thành bốn. Tiền lương phụ hồ của chồng chỉ đủ cho chị mua bỉm, mua sữa cho con nhỏ nên lắm lúc tranh thủ con ngủ, chị lại nhờ nhà bên trông hộ để đi nhặt phế liệu. Mọi khi chị đi từ sáng sớm, xuyên trưa mới về. Còn giờ, chị chỉ chạy ra công viên Thống Nhất, quáng quàng khoảng một, hai tiếng rồi bổ về nhà. Nhìn thấy con, bao nhiêu mệt nhọc tiêu tan.

“Gạo nhà tôi thì bố mẹ gửi cho, tôi đi nhặt đồng nát chỉ cần đủ tiền mua rau với lạng thịt là vợ chồng xong bữa. Quan trọng vẫn là con”, chị kể.

Đúng, quan trọng vẫn là con. Việc chị cho con dùng đồ ngoại, tuy có đắt song cũng là vì thế hệ mai sau, vì tương lai của mình thì dù có vất vả, khem khổ cũng chẳng sao, phải không các mẹ.

Thu Trinh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI