Không có gì tuyệt vời hơn trí tưởng tượng của trẻ nhỏ.
Ngồi trên cái ghế bập bênh là mơ ngồi trên cung trăng.
Nắm thanh gỗ mà tưởng tượng là nắm cả cây cung để đi chiến đấu cùng thần núi, thần mây, thần sấm chớp.
Nhờ có tưởng tượng, trẻ được giàu có về tâm hồn. Và cha mẹ là người có thể chắp đôi cánh cho trí tưởng tượng của trẻ thêm bay bổng.
Có thể đây sẽ là những gợi ý cho bạn:
1. Cố gắng để con được sống với những nhân vật trong các câu chuyện, các bộ phim:
Nam tin vào ông già Noel, tin vào phép thuật, chim thần... Và niềm tin này theo bạn ấy rất lâu. Trong khi các bạn trong lớp luôn hùng hồn cho rằng, ông già Noel chính là bố, là thầy giáo dạy thể dục ở trường, là người làm dịch vụ thì Nam đến hết lớp 4 vẫn nhất mực tin rằng, ông già Noel là có thật, là không hề “trần tục” một chút nào.
Bởi mình và bố Nam luôn cố gắng bằng mọi cách giữ gìn cho con niềm tin ấy, không bao giờ bình phẩm bất cứ điều gì có thể làm lung lay niềm tin của Nam. Noel nào cũng biến thành một “nghi lễ”, hồi hộp cùng con, tưởng tượng cùng con, nín thở cùng con trong mọi việc như viết thư xin quà, đặt thư vào chỗ bí mật và chờ món quà y hệt như trong thư xuất hiện...
Hôm trước, trên Facebook của một anh bạn có kể rằng, trong sinh nhật của cậu con trai anh, chị gái của cậu đã đóng giả thành người nhện (nhân vật mà cậu yêu thích) đu dây xuống để tặng bánh gato. Mình tin đó sẽ là sinh nhật ấn tượng nhất của cậu bé, trong suốt cả hành trình sau này.
2. Hãy dành thời gian cho các hoạt động tưởng tượng
Ví dụ như giờ chơi ở công viên, sau khi chạy nhảy mệt nhoài, hai mẹ con cùng nằm và nhìn ngắm mây trời, tưởng tượng xem chúng tạo thành hình gì.
3. Hãy khuyến khích sự tưởng tượng của con bằng việc đặt ra các câu hỏi khi đọc một cuốn sách
Con nghĩ xem phần tiếp theo sẽ thế nào? Con có muốn thay đổi phần kết không? Nếu viết tiếp, con sẽ viết tiếp thế nào?...
|
Nhật Nam cùng bố và mẹ. |
4. Giúp con tạo ra những câu chuyện từ những chi tiết hoặc nhân vật có sẵn
Trò chơi này thực sự rất tốt cho khả năng nói cũng như viết của con. Bạn cứ lấy một vài nhân vật nào đó, ví dụ như bạn Thỏ, bạn Rùa và yêu cầu con nghĩ ra một câu chuyện có hai nhân vật đó. Có thể đó không phải là câu chuyện hay hoặc logic nhưng không sao cả.
Đừng áp đặt những gì bạn biết lên trẻ, trẻ khác bạn, nhất định là như thế. Ví dụ với hai nhân vật trên, người lớn có thể nghĩ đến câu chuyện đã quá quen thuộc ví như Rùa và Thỏ chạy thi nhưng trẻ có thể nghĩ đến chuyện, Rùa đi lạc, Thỏ đi tìm hoặc Thỏ dạy Rùa tập chạy hoặc Rùa giúp Thỏ nhặt một củ cà rốt đánh rơi dưới nước... Nói chung là vô cùng phong phú và đáng yêu.
5. Cách nói chuyện của bạn với con cũng có thể giúp con tăng cường khả năng tưởng tượng
Trước mỗi sự vật, hãy thường xuyên hỏi con: Sẽ ra sao, nếu.... Con nghĩ sao nếu... Trong trường hợp này, theo con nên giải quyết thế nào?... Và bạn cũng đừng quá can thiệp vào những sáng tạo của trẻ. Đừng nói, con vẽ lá cây và tô màu xanh vào đi.
Cứ để con tự tô, màu gì cũng được và nhờ con giải thích. Bạn cũng không nên nói: Mẹ xếp khối gỗ thành tòa lâu đài này. Mà nên hỏi: Con xem chỗ mẹ xếp giống hình gì... Nói chung là chờ đợi để trẻ có “đất” cho tưởng tượng bạn nhé.
6. Với những bạn đang học tiểu học, hãy ra cho con những đề tập làm văn mà ở đó cần có sự huy động tối đa trí tưởng tượng
Ví dụ, viết về cuộc chu du của quả bóng bay/ của đám mây; Kể câu chuyện về cuộc gặp gỡ với cây chổi thần; Có một con sâu một ngày kia bỗng nói được tiếng người, kể xem chuyện gì xảy ra sau đó; Tưởng tượng và viết lại về một ngày trên cung trăng...
7. Khuyến khích bé tự “xuất bản” những cuốn sách
Mẹ có thể cùng bé cắt dán và để bé tự làm nên những cuốn sách của mình. Sách có thể viết về bất cứ chủ đề nào mà bé muốn. Và bạn sẽ thấy bé mơ mộng với những nhân vật trong sách của mình như thế nào.
8. Khả năng tưởng tượng và sáng tạo của trẻ sẽ tốt hơn nếu trong đời sống hàng ngày, bạn cho bé thấy, bạn có thể dùng một đồ vật với nhiều tính năng khác nhau.
Ví dụ cùng là đôi tất, ngoài việc để giữ ấm đôi chân cho bé, bạn có thể lấy đôi tất cũ, cắt bỏ phần bàn chân và lồng vào hai cánh tay khi bé vẽ, giữ cho màu khỏi dây ra tay áo. Hoặc bạn có thể lấy gạo cho vào tất, buộc chặt, để bé cầm. Nó có giúp bé kiềm chế cơn cáu giận.
|
Đây là bức ảnh Nam chụp và gửi về cho mẹ với lời đề tặng: Tặng mẹ bông hoa nặng kí nhất. |
9. Đọc sách, đọc sách, đọc sách
Sẽ không có công cụ nào tuyệt vời để nuôi dưỡng trí tưởng tượng hơn các cuốn sách.
Với các bé dưới 5 tuổi, bạn nên chọn những loại truyện mà các nhân vật là con vật, đồ vật (một trong những câu chuyện tuyệt vời cho trí tưởng tượng là Cơn mưa thịt viên, đã được chuyển thể thành phim và vô số những câu chuyện khác).
Với các bé học tiểu học, bạn có thể cho bé làm quen với thể loại truyện khoa học viễn tưởng, truyện trinh thám (Đây là những câu chuyện mà bạn Nam rất rất thích và theo như lời Nam là nhờ có nó mà Nam được “sống một cuộc đời đầy kì bí”: Những cuộc phiêu lưu kỳ thú của cậu bé Nils (Selma Lagerlof); Alice lạc vào xứ sở thần tiên (Lewis Carroll); Ngụ ngôn Aesop (Hy Lạp cổ); Chuyện về cáo Renart (Pháp); Truyện cổ Grimm (Anh em Grimm người Đức); Tập truyện cổ Andersen (Hans Christian Andersen): Con dế ở quảng trường thời đại ( George Selden), Những vụ phá án của thám tử Sherlock Holmes (Arthur Conan Doyle) và đặc biệt là Harry Potter (J. K. Rowling).
Mình luôn tin thơ ấu của một đứa trẻ rất tuyệt vời nếu được sống trên đôi cánh của trí tưởng tượng.
Câu chuyện một người mẹ kiện ra tòa án vì cô giáo đã dạy con bà về chữ O khi cô bé chưa đến tuổi đi học mặc dù chỉ là câu chuyện của trí tưởng tượng do “một ai đó” sáng tạo ra nhưng nó phản ánh khát khao cũng như thông điệp giáo dục: Trẻ con cần được bay bổng để thấy cái dấu hình tròn (O) không chỉ là chữ O, nó còn là mặt trời, còn là đôi mắt và còn là những gì không ai có thể đoán biết được.
Không bao giờ để cho đứa trẻ vì một chút mong muốn của người lớn mà trở thành con thiên nga gẫy cánh, chỉ bơi quẩn quanh trong cái hồ chật hẹp.
Trẻ con cần được lớn lên như nhân loại đã từng.
Mình viết bài này khi trong lòng tràn ngập nỗi nhớ về tuổi thơ của Nam, nơi có chim thần, có ông già Noel, có những nhân vật đầy phép thuật.
Giờ thì Nam đã lớn nên đến lượt mẹ tưởng tượng.
Để thu mình bé lại “làm mưa tan giữa trời”...
Phan Hồ Điệp