Mẹ "nhà người ta"

04/12/2024 - 06:25

PNO - Hà nghe được nhiều câu chuyện đẹp về những người mẹ. Kể về họ, bao giờ Hà cũng chốt lại bằng câu: “Xem mẹ nhà người ta đó, còn mẹ mình thì…”.

Sự so sánh càng làm bản thân thêm mỏi mệt hơn (ảnh minh họa)
Sự so sánh càng làm bản thân thêm muộn phiền hơn (ảnh minh họa)

Một bà mẹ “nhà người ta” là chị Thành ở cùng xóm. Vừa rồi, vợ chồng chị đón tuổi về hưu bằng việc thực hiện kế hoạch xây dãy nhà trọ ở Bình Dương. Dãy trọ 10 phòng, 2 ki-ốt, nếu đầy khách thuê thì mỗi tháng chị cũng thu nhập trên 20 triệu đồng, số tiền đủ để vợ chồng già sống xông xênh chẳng lo lắng tiền bạc, cũng không trở thành gánh nặng cho con cháu.

Chị Thành xây nhà, đã tính rất kỹ mà cuối cùng phát sinh chi phí, phải bù thêm. Chị gọi điện mượn cậu con trai lớn 50 triệu đồng, nhưng xong xuôi hết chỉ thâm hụt vào 30 triệu. Chị gửi trả lại con trai 20 triệu, xem như chỉ nợ 30 triệu.

Hà nghe câu chuyện, tấm tắc cảm động: “Mẹ nhà người ta thì vậy, mẹ nhà mình thì chỉ biết bòn mót con cái từng đồng. Đưa ít tiền còn chê ỏng chê eo, chẳng bao giờ thấy xong việc còn dư đem trả”.

Mẹ “nhà người ta” còn là cô Tâm - mẹ một nam đồng nghiệp của Hà. Cậu ấy lấy vợ trên thành phố nên đều đặn mỗi tháng cô Tâm lại đóng thùng đồ ăn gửi lên con trai. Chỉ cần cậu ấy nói thích món gì, lập tức chuyến hàng kế tiếp sẽ có ngay món đó. Có lần, vợ cậu ấy nói thích món chả lụa ở quê. Mẹ cậu gửi lên liền 3kg chả. Lúc kể với Hà, cậu ấy rớm nước mắt, nói rằng, mẹ cậu ấy ở quê sống tiết kiệm, chẳng biết đến món ngon là gì, nhưng con cái thèm là mua không cần nhìn giá cả.

Hà nghe xong thì ngậm ngùi. Bởi với mẹ Hà, chỉ cần Hà đi ăn chụp hình món ngon gửi cho mẹ như một cách chia sẻ, lập tức sẽ nhận lại những tin nhắn theo Hà là mỉa mai, theo kiểu: “Sung sướng quá mà, mẹ ở nhà thì chẳng có gì ăn”. Lâu dần Hà chẳng còn nhu cầu chia sẻ vui buồn với mẹ.

Hà hỏi tôi: “Có người mẹ nào lại đi ganh tỵ với hạnh phúc của con cái như mẹ Hà không?”.

Tôi nói rằng, tôi biết cũng có những bà mẹ “nhà người ta” luôn làm con buồn, như mẹ của chị Xuân chẳng hạn. Có lúc tủi thân quá, chị thốt lên với tôi: “Không biết chị có phải là con ruột của mẹ không nữa”. Đó là vì cách đối xử thiên vị của mẹ chị Xuân với cô em gái. Chẳng lẽ chị em lại đi bì tị nhau, nhưng cách của mẹ chị thật khó hiểu. Trong khi chị Xuân tất bật làm việc từ sáng đến tối để nuôi 2 con nhỏ, lo hết chi phí sinh hoạt cho ba mẹ và em gái, thì cô em đã ra trường mà công việc không ra đâu, đi làm vài bữa lại nghỉ, không đóng góp xu nào, thỉnh thoảng chị phải dúi thêm tiền tiêu vặt cho em.

Vậy mà mẹ chị hở ra là xót thương cô em, dặn chị Xuân phải quan tâm em sống thế nào, vui buồn ra sao, chứ không phải chỉ cho tiền là được. Mẹ còn nặng lời nói với chị: “Làm người đừng coi nặng tiền bạc quá, tình cảm mới mang lại giá trị tinh thần”.

Chị hỏi tôi: “Có tức không chứ! Bao lần chị ốm đau nhập viện mẹ chỉ hỏi thăm qua loa. Có phải vì chị mạnh mẽ quá nên bị đối xử như vậy không?”.

Ai cũng muốn có cha mẹ thấu hiểu, yêu thương mình (ảnh minh họa)
Ai cũng muốn có cha mẹ thấu hiểu, yêu thương mình (ảnh minh họa)

Không phải ai cũng có người mẹ mẫu mực như trong thơ ca, phim ảnh. Có một câu trong kinh thánh mà tôi tâm đắc, đó là: “Mỗi người vác đúng thập giá của mình”. Sức nặng của thập giá sẽ là vừa vặn với sức chịu đựng của mỗi người. Và cuộc sống luôn có quy luật hài hòa của nó.

Chị Xuân được bù lại bằng người chồng hết mực yêu thương vợ con, đỡ đần chị mọi việc trong cuộc sống, đúng nghĩa là người đồng hành cùng chị trong cuộc sống còn lắm nỗi nhọc nhằn này. So ra, chồng chị “ăn đứt” những ông chồng xung quanh, đó chẳng phải là sự bù đắp đáng giá mà chị nhận được đó sao?

Tôi nói với Hà, cô ấy có ngoại hình xinh tươi, trái tim thiện lương, nên ra đời được rất nhiều người thương quý, nhờ thế mà công việc thuận lợi, cuộc sống nhẹ nhàng, đừng chỉ tập trung vào khiếm khuyết trong cuộc sống của mình.

Cuộc sống, nếu mọi thứ đều theo mong muốn, nếu chỉ sống trong sự đủ đầy, hài lòng, thì mọi thứ sẽ trong ngưỡng bình thường, dễ gì ta nhận ra niềm hạnh phúc?

Ông bà ta có câu: “Trời không cho ai tất cả, cũng không lấy hết của ai thứ gì” nhằm nhắc nhở con người hài lòng với điều mình đang có. Tôi lại phải nói với Hà điều ấy thêm lần nữa.

An Na

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI