Cô Hạnh Dung kính mến,
Cháu và anh ấy quen nhau đã được 2 năm, sống chung được 1 năm rưỡi. Năm nay cháu mới 24, còn anh thì đã 32, có việc làm, có nhà riêng. Cháu rất kính trọng anh, coi anh như người lớn. Còn cháu không có việc làm, ở nhà trọ, buôn bán online tự nuôi bản thân, vì cháu bỏ nhà lên thành phố, không muốn sống chung với cha dượng hay tìm cách sờ soạng cháu.
Thời gian chung sống có lúc vui, có lúc buồn. Anh là người tử tế, thương yêu cháu, lo cho cháu mọi thứ từ ăn uống tới chỗ ở. Cháu vẫn tiếp tục buôn bán online để kiếm tiền chi tiêu riêng, mua sắm riêng quần áo, son phấn, mỹ phẩm.
Lúc đầu cháu cũng sợ mẹ của anh lắm, vì không biết bà nhìn việc tụi cháu chưa cưới xin thế này mà đã chung sống thì sẽ ra sao. Thế nhưng bà vui vẻ tiếp tụi cháu khi anh đưa cháu về nhà chơi, cháu cũng thấy an tâm. Bà hiền, dễ tính, quan tâm chăm sóc anh lắm. Cháu thấy hai mẹ con rất gắn bó thương yêu nhau. Cha dượng của anh cũng rất tốt. Cháu thấy rất vui.
Thế nhưng quen dần rồi, bà cứ hay hỏi cháu về việc học hành. Khi biết cháu chỉ học hết lớp 12 thì bà khuyên cháu tiếp tục học lên đại học. Bà nói cháu học đi, bà và anh sẽ hỗ trợ cho cháu.
Cháu nói thiệt với cô là cháu sợ học lắm. Cháu không có khả năng học. Cháu chỉ thích buôn bán nho nhỏ, phụ thêm vào với chồng, còn chồng vẫn phải là trụ cột của gia đình về mọi mặt. Cháu thích dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc bữa ăn, và cháu cũng mơ tới việc có hai đứa con xinh xắn mà cháu có thể tự tay chăm sóc.
Thế nhưng mẹ của anh thì bảo thời nay cuộc sống khó khăn lắm, phải hai vợ chồng cùng làm, cùng kiếm tiền, giúp đỡ nhau lúc hoạn nạn thì mới có thể ổn định được. Cái thời vợ ở nhà trông con, chồng đi làm nuôi cả gia đình đã qua rồi...
Có phải là mẹ anh ấy không ưng cháu vì cháu không trình độ, không có công việc đàng hoàng phải không cô? Cháu có nên nói thẳng là cháu không muốn học và không học được, cháu muốn tiếp tục sống như bây giờ? Liệu cháu có nên làm thế hay là cố gắng nghe theo lời mẹ anh hả cô? Cháu không biết cháu có cố gắng được không, cô ạ.
Lê Thị Linh Lan
Cháu Linh Lan thân mến,
Có nhiều trường hợp những mâu thuẫn, xung đột, vấn đề nảy sinh giữa hai người không phải là do việc có người đúng, có người sai, mà là do hai người khác nhau về những điều cơ bản trong cuộc sống.
Thí dụ, giữa cháu và mẹ của bạn trai bây giờ đang có những điểm khác cơ bản như vậy: bà nghĩ rằng gia đình là sự góp sức về cả vật chất lẫn tinh thần của cả hai. Vật chất ở đây không chỉ là công sức chăm sóc, dọn dẹp nhà cửa như cháu muốn, mà là cả hai cùng đi làm, cùng đóng góp về kinh tế. Còn cháu thì muốn được làm nội trợ, chỉ đóng góp phần nào theo khả năng, không phải chịu áp lực kiếm tiền... (điều mà ai cũng mơ ước).
Điều bà mong muốn không sai, cháu ạ. Vì bây giờ đó chính là cách sống chung của đại đa số gia đình.
Thứ nhất, vì kinh tế bây giờ hết sức khó khăn, một người làm phải có thu nhập đặc biệt cao mới đủ cho một gia đình hai vợ chồng và hai đứa con. Thứ hai, hầu như mọi phụ nữ hiện nay đều muốn độc lập về kinh tế, tự kiếm ra tiền, được ra ngoài, tiếp xúc, va chạm, trưởng thành, và vững vàng trước mọi biến cố của đời sống hiện đại.
Điều cháu mong muốn cũng không phải là sai. Cháu muốn được góp công sức vào gia đình theo khả năng của mình, chứ không phải là lười biếng, chỉ muốn được lo lắng, chăm sóc, hưởng thụ. Cháu không phải kiểu phụ nữ muốn phấn đấu để có sự nghiệp riêng. Cháu muốn được che chở và bảo bọc.
Mong muốn của cháu tuy không sai, nhưng đôi khi về lâu dài có thể đặt cháu vào những hoàn cảnh khó khăn, nếu chồng không trân trọng công sức chăm sóc gia đình của vợ; khi thất bại, hay công việc không suôn sẻ, anh ấy lại không có được sự hỗ trợ nào của vợ; hay ra ngoài làm việc có thể nảy sinh sự so sánh vợ với những người phụ nữ giỏi giang ngoài đời... Cháu nên lường hết mọi vấn đề khi chọn cho mình một cách sống như mình muốn.
Nhưng điều quan trọng hơn nữa, là cháu nên biết mong muốn của người yêu cháu có giống với mẹ anh ấy hay không? Vì ở đây, cuộc sống là của cháu và anh ấy, cứ không phải của cháu và mẹ anh ấy. Nếu đây cũng là ý muốn của bạn trai cháu, thì cháu càng phải cân nhắc lại mọi chuyện một cách nghiêm túc.
Khi hai người khác nhau về cách sống, định hướng sống... thì một là... chia tay để ai cũng được sống cuộc sống theo ý mình. Hai là 2 người phải cùng thay đổi, mỗi người phải hy sinh bớt những điều mình mong muốn để phù hợp với người kia.
Trong vấn đề của cháu, thật sự cô thấy mẹ của người yêu cháu đang muốn tốt cho cả hai cháu, chứ không phải là khó chịu, khó tính, hay đòi hỏi gì. Hạnh phúc không tự trên trời rơi xuống. Ai cũng phải cố gắng để có được thành quả của mình, chứ không phải là điều được ban phát, mất hay còn có khi không phụ thuộc vào mình.
Cháu còn trẻ, nhưng có lẽ do hoàn cảnh gia đình phức tạp, nên phải ra khỏi nhà sớm, không có điều kiện phấn đấu. Giờ đây, có những người coi cháu là người thân, sẵn lòng hỗ trợ cháu học hành, phấn đấu để có vị trí xã hội, có công việc, tự lập và mạnh mẽ, đó là một cơ hội tốt mà cháu nên nắm lấy. Có những nỗ lực chỉ vài năm, mà tốt cho cả cuộc đời mình, cháu ạ.
Giữa cháu và người yêu cháu bây giờ có một điều để nắm giữ vào nhau: chính là cơ hội đó. Nếu cháu thấy mình không đủ sức, không hợp, và không đủ ý chí để làm, thì khi cháu buông cơ hội này, cũng có nghĩa là buông một mối quan hệ mà hai người không có những điều cơ bản về việc chung sống cùng nhau.
Hạnh Dung
Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn