Mẹ nghèo được con dạy chữ từ những cuốn sổ khám bệnh

30/06/2018 - 06:00

PNO - Có lần trên xe buýt, nghe người ta mở bản nhạc Cầu tre lắt lẻo, ca sĩ ngân nga đoạn hát ru: “Khó đi mẹ dắt con đi, con đi trường học, mẹ đi trường đời”, chị ngồi khóc ngon lành...

Khó đi thì chắc chắn mẹ phải dắt con đi rồi, nhưng hành trình của hai mẹ con đâu chỉ là trường học và trường đời...

Me ngheo duoc con day chu tu nhung cuon so kham benh
Hai mẹ con chị Ngọc trên hành trình đi giành sự sống cho con

Cùng con giành sự sống
Chiều muộn một ngày cuối tháng Sáu, nhận được điện thoại “cầu cứu” của chị, tôi tức tốc đến Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP.HCM). Ở một góc sân bệnh viện, tôi gặp chị trong bộ dạng tất tả, đang mở vội hộp cơm nguội ngắt ra ăn chống đói.

Giọng chị run run: “Làm phiền chú nữa rồi, nhưng tôi không biết gọi cho ai. Chú cho tôi mượn đỡ vài chục ngàn về xe, tháng sau lên tôi trả lại”. Nhận tiền từ tay tôi, chị vội vàng xếp đồ ăn vào chiếc giỏ nhựa đi ngay để kịp chuyến xe cuối cùng về H.Cần Giờ.

Tôi biết gia đình chị Lê Thị Ngọc (sinh năm 1966, ngụ ấp Hòa Hiệp, xã Long Hòa, H.Cần Giờ, TP.HCM) trong lần tham gia chiến dịch Mùa hè xanh năm 2014. Bốn năm qua, gia đình chị đã có nhiều thay đổi, riêng cái nghèo vẫn mải miết đeo bám.

Chị Ngọc và anh Nguyễn Văn Ngang cưới nhau từ năm 17 tuổi, nửa chữ bẻ đôi cũng không biết nên quanh năm chỉ mót củi, cào nghêu kiếm sống. Cách đây chín năm, anh Ngang bị tai nạn chấn thương cột sống, gánh nặng mưu sinh đè lên vai chị Ngọc. Có với nhau ba con gái, đến năm 2007, chị sinh thêm đứa con út tên Nguyễn Thị Kiều thì tai họa ập đến.

“Cháu Kiều được sáu tháng tuổi thì bị sốt triền miên. Gia đình đưa lên Bệnh viện Nhi Đồng 2 khám mới biết cháu mắc bệnh Thalassemia. Với căn bệnh này, cả đời cháu phải gắn liền với bệnh viện”, chị Ngọc buồn rầu chia sẻ.

Nhiều lần quẫn trí, chị Ngọc định ôm con gieo mình xuống sông. Nhưng rồi nghĩ lại, thương con, chị cố sống cho trọn kiếp người. Hằng tháng, chị phải đưa bé Kiều từ H.Cần Giờ lên Bệnh viện Nhi Đồng 2 để truyền, thay máu, duy trì sự sống cho con. 

Từ 4g sáng, hai mẹ con thức dậy đi bộ, đón xe buýt, đi xe ôm mới đến được bệnh viện. Đến nơi đã gần quá trưa, biết phải ở lại đến ngày hôm sau nên chị thường mang theo chiếc giỏ nhựa, bên trong để vài con khô, cơm trắng, nước mắm. 

Ở Bệnh viện Nhi Đồng 2, người ta quá quen thuộc với hình ảnh người mẹ ngoài 50 tuổi với chiếc áo bà ba cũ mèm, một tay cầm giỏ nhựa, một tay dắt đứa con nhỏ gầy gò. Có hôm, hai mẹ con đến bệnh viện với tấm áo mưa tả tơi, quần áo ướt sũng khiến nhiều nhân viên ở đây cũng không kìm lòng được.

Có lần, tôi buột miệng hỏi: “Hành trình đến bệnh viện của chị sẽ kéo dài đến bao giờ?”. Chị Ngọc đưa mắt nhìn con gái rồi lắc đầu. Ngay cả chị cũng không biết mình sẽ đồng hành cùng con bao lâu nữa. Bởi chị mỗi ngày một già yếu, trong khi Kiều còn quá nhỏ.

Chị kể, có lần trên xe buýt, nghe người mở bản nhạc Cầu tre lắt lẻo, ca sĩ ngân nga đoạn hát ru: "Khó đi mẹ dắt con đi, con đi trường học, mẹ đi trường đời”, chị ngồi khóc ngon lành. Khó đi thì chắc chắn mẹ phải dắt con đi rồi, nhưng hành trình của hai mẹ con đâu chỉ là trường học hay trường đời... Mẹ chỉ ngừng “dắt con đi” khi hơi thở này dừng lại.

Con dạy chữ cho mẹ

Có hôm, tôi cùng hai mẹ con chị Ngọc núp mưa ở mái hiên gần chợ Bến Thành, một người gánh bánh mì ngang qua. Thấy bé Kiều nhìn chằm chằm theo, tôi mua ba ổ ép chị Ngọc ăn cùng con. Chị rưng rưng: “Mười một năm nay, tháng nào cũng lên Sài Gòn nhưng đây là lần đầu tôi được ăn bánh mì Sài Gòn”.

Tôi tin lời chị Ngọc. Bởi hiện tại, gia đình chị thu nhập mỗi tháng chỉ được hơn hai triệu đồng nhưng mỗi chuyến đưa Kiều đến bệnh viện phải mất từ 500.000-700.000 đồng. Phải tiện tặn lắm gia đình chị mới đủ ăn, đủ tiền đưa con đi bệnh viện.

Chị Ngọc kể, ở ấp Hòa Hiệp ai cũng nói vui chị là người được đi Sài Gòn nhiều nhất. Có người còn hỏi chị không biết chữ, lên đó làm sao biết đường mà đi? Lúc ấy, chị chỉ cười và tự nhủ với mình rằng, có con đường nào mà người ta đi suốt 11 năm mà lại không nhớ chứ.

Cách đây không lâu, chị Ngọc gọi điện cho tôi báo tin mừng, chị đã viết được rành rọt tên của mình. Tôi mừng thầm vì tưởng chị được tạo điều kiện đi học bổ túc văn hóa. Nhưng hỏi ra mới biết, cô giáo dạy chữ cho chị lại chính là bé Kiều.

“Mấy lần cần giấy tờ gì đều nhờ người ta ký tên giùm hoặc điểm chỉ, tôi ngại quá. Vậy là nhờ con Kiều chỉ tôi viết chữ, vài lần là tôi viết được tên mình liền à”, chị Ngọc hồ hởi nói. Chị còn khoe với tôi, tuy Kiều phải thường xuyên nghỉ học đi chữa bệnh nhưng thành tích học tập của cháu khá tốt. Kiều ham học lại có ước mơ sau này sẽ trở thành cô giáo để dạy cho trẻ em nghèo ở quê mình. Tôi biết, chính ước mơ của Kiều là động lực để hành trình của chị Ngọc vững vàng hơn.

Ngày 28/6, ngày Gia đình Việt Nam - dịp để các thành viên trong gia đình quây quần bên nhau, tôi lại nhớ đến hình ảnh chị Ngọc nắm thật chặt tay con gái lầm lũi bước ra cổng bệnh viện. Chị Ngọc vẫn tiếp tục cùng con gái trong hành trình đi giành sự sống. Dù phía sau hành trình đó là những nỗi niềm của một phụ nữ đang chật vật lo cho từng bữa ăn cho cả gia đình. 

Thalassemia (Thal) là bệnh thiếu máu tán huyết di truyền hay thiếu máu tán huyết bẩm sinh. Biểu hiện chính của bệnh là thiếu máu. Thalassemia là một trong các bất thường di truyền phổ biến nhất trên thế giới. Hiện có 7% người dân trên toàn cầu mang gen bệnh tan máu bẩm sinh; 1,1% cặp vợ chồng có nguy cơ sinh con bị bệnh hoặc mang gen bệnh. Mỗi năm có khoảng 300.000-500.000 trẻ sinh ra bị bệnh Thalassemia mức độ nặng. Tại Việt Nam, ước tính hiện nay có khoảng 20.000 người bị Thalassemia thể nặng, mỗi năm có thêm khoảng 2.000 trẻ em sinh ra bị bệnh Thalassemia, có khoảng 10 triệu người mang gen bệnh Thalassemia (người mang gen không có biểu hiện bệnh lý nhưng là nguồn di truyền gen bệnh cho thế hệ sau).

Tiếp nhận hoàn cảnh của mẹ con chị Lê Thị Ngọc, chiều 28/6, tổ Từ thiện - xã hội Báo Phụ Nữ TP.HCM bước đầu hỗ trợ 5 triệu đồng, mong chị Ngọc tiếp tục hành trình sống cùng con, mong bạn đọc chung tay giúp đỡ, khích lệ tinh thần, sức khỏe cho cô bé Nguyễn Thị Kiều.

Sơn Vinh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI