Mẹ muốn sống ở viện dưỡng lão

24/09/2024 - 10:25

PNO - Người già chỉ có một mong muốn lớn là được yêu thương, chăm sóc và được sống theo cách mình muốn, làm những điều mình thích.

Chị Hạnh Dung thân mến,

Gia đình tôi có 3 anh chị em, chúng tôi đều đã có nhà riêng và con cái, sự nghiệp, công việc cũng ổn định. Ba chúng tôi mất cách đây 5 năm, chỉ còn mẹ sống với em gái út. Nhà anh chị em chúng tôi không xa nhau lắm nên cuối tuần đều thu xếp về thăm mẹ.

Mẹ có một người bạn gái rất thân, sống cùng chung cư, khác tòa nhà, nên bà cũng không bị buồn mấy những khi chị em tôi đi làm và các cháu đi học. Họ thường xuyên qua nhà nhau chơi, xuống sân chung cư hóng gió và đi siêu thị trong chung cư, rất vui vẻ.

Có điều, bà thường rất thương xót bạn, nói rằng bạn bị con cái bỏ rơi, không mấy quan tâm chăm sóc dù nhà họ có điều kiện hơn nhà chúng tôi. Bạn của mẹ cũng rất thích sang nhà chúng tôi chơi những khi cả gia đình đoàn tụ vui vẻ ăn uống. Bà nói nhà bà không bao giờ có được không khí đó. Con cái đến kỳ nghỉ lễ là rủ nhau đi du lịch hết, để bà ở lại trông nhà... Bà rất tủi thân.

Nửa năm sau này, bạn của mẹ tôi có dấu hiệu ngày càng yếu và hơi lẫn, nên mẹ rất lo lắng, thường xuyên sang thăm bạn, có khi ở cả ngày bên đó để chăm sóc bạn. Điều đó làm chúng tôi bực mình vì có cảm giác gia đình họ lợi dụng tình bạn của mẹ tôi và để bà cho mẹ chúng tôi chăm nom.

Rồi cách đây 1 tháng, tôi thấy mẹ về khóc nhiều, nói rằng nhà bên đó quyết định đưa bạn bà vào viện dưỡng lão vì họ nói họ không có thời gian lo cho bà, và cũng không có chuyên môn chăm sóc bệnh tình của bà.

Cách đây 2 tuần, mẹ tôi theo gia đình họ lên thăm bà trong viện dưỡng lão, khi về, mẹ cứ thẫn thờ, buồn bã. Rồi đột nhiên mẹ nói muốn vào ở chung với bạn trong viện dưỡng lão để chăm sóc bạn, phụ với nhân viên của viện, chứ nếu không bạn mẹ sẽ mất sớm...

Yêu cầu của mẹ làm chị em tôi vô cùng bất ngờ và ngạc nhiên. Xưa nay, chị em tôi chưa bao giờ đối xử tệ với mẹ, luôn chăm sóc lo lắng quan tâm mẹ. Để mẹ vào viện dưỡng lão, với chúng tôi là một hành vi bất hiếu, và chắc chắn khi chuyện này vỡ lỡ, họ hàng sẽ coi anh em chúng tôi không ra gì.

Thế nhưng mẹ tôi cứ khăng khăng như vậy, bà còn tính toán hết các khoản chi phí gồm tiền hưu, tiền tiết kiệm của bà... đủ trả viện phí lâu dài. Mẹ nói trong đó rất sạch sẽ, khang trang. Người cùng tuổi và lớn hơn mẹ cũng nhiều. Mẹ còn khỏe, có thể đỡ đần những người khác, và mẹ thấy sống như vậy là có ích.

Mẹ cũng hứa là nếu thấy không vui, không phù hợp, thì sẽ nói để chúng tôi đưa bà về ngay chứ không im lặng chịu đựng. Nhưng nếu ở nhà mà cứ nhớ và lo cho bạn thì mẹ còn mệt nhiều hơn.

Chị em tôi giờ hết sức phân vân, ngăn cản quyết liệt mà mẹ vẫn không suy suyển. Chúng tôi phải làm sao bây giờ?

Thu Hằng

(Ảnh mang tính minh họa)
(Ảnh mang tính minh họa)

Chị Thu Hằng thân mến,

Chị và các anh chị em có nghĩ được vì sao mình lại ngăn cản bà quyết liệt hay không? Đó là vì anh chị thấy lo cho bà, sợ bà không được chăm sóc cẩn thận, hay là e ngại cho chính mình bị hàng xóm láng giềng hay người thân dị nghị?

Tâm lý của người Việt Nam ta vẫn luôn e ngại với ba từ "viện dưỡng lão", cảm thấy để cha mẹ vào đó là bỏ bê, là chối trách nhiệm chăm sóc của mình. Trong khi đó, ở một khía cạnh nào đó, giống như mẹ chị nói, viện dưỡng lão nếu có những điều kiện đạt chuẩn tốt, thì là nơi người cao tuổi được sống trong cộng đồng của chính mình, có những vấn đề về sức khỏe, tâm lý giống mình, được trò chuyện, giao lưu với nhau và được chăm sóc một cách có chuyên môn.

Anh chị không tự lựa chọn và "đẩy" mẹ đi, mà đây là sự tự nguyện của mẹ, có nghĩa là mẹ cũng đã quan sát và cảm thấy có thể phù hợp với đời sống ở viện dưỡng lão. Hơn thế nữa, ở đó bà được gần gũi chăm sóc người bạn gái thân của mình, bà cũng vui vẻ và an tâm hơn. Tình bạn với tuổi xế chiều là vô cùng đáng quý. Được làm điều gì đó cho người thân với tuổi xế chiều là hạnh phúc và tự hào.

Có thể thấy, từ những tính toán, sắp xếp của bà, mọi việc được bà suy nghĩ rất chu đáo và bình tĩnh. Bà không đi vì giận dỗi hay không hài lòng gì với con cháu, mà vì bà muốn sống như vậy. Bà cũng hứa rằng nếu có gì đó không hài lòng, không thích thì bà sẽ báo với các con để các con đưa bà về nhà.

Việc của anh chị là khi bà lên đó thì thường xuyên đến thăm bà, quan sát và cảm nhận tâm trạng cũng như tình hình sức khỏe của bà để có thể có những quan tâm, chăm sóc hay phản ứng kịp thời.

Người già chỉ có một mong muốn lớn là được yêu thương, chăm sóc và được sống theo cách mình muốn, làm những điều mình thích. Anh chị hãy tin vào lựa chọn của bà và tự tin là mình làm tốt việc báo hiếu cho mẹ. Chuyện người ngoài nói ra nói vào, chẳng lẽ lại quan trọng hơn điều bà muốn?

Hạnh Dung

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

Chat với Hạnh Dung
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI