Mẹ muốn tự tay gói bánh chưng

09/02/2024 - 21:32

PNO - Mẹ muốn tự tay gói bánh chưng, bởi chỉ mẹ mới gói được đúng vị mà ba và cả nhà đều thích.

Tối qua, khi gọi điện về quê thăm ba mẹ chồng, tôi cảm thấy có gì đó rất bất ổn. Thường ngày, mẹ chồng luôn tíu tít như một đứa trẻ khi nói chuyện với các con tôi. Nhưng hôm nay, mẹ buồn hiu. Giọng mẹ lạc đi như đang cố kiềm chế để không khóc.

Tôi cảm thấy có gì bất ổn khi gọi về thăm mẹ chồng (ảnh minh họa)
Tôi cảm thấy có gì bất ổn khi gọi về thăm mẹ chồng (ảnh minh họa)

Tôi lo lắng gặng hỏi chuyện gì đã xảy ra? Mẹ chồng không trả lời. Bà lảng sang trêu đùa các cháu, rồi tắt máy. Tôi liền gọi cho chị gái của chồng sống gần đó để tìm hiểu sự tình. Hóa ra, mẹ đang buồn chồng tôi.

Ba mẹ chồng tôi có 3 người con, cả 3 đều đã yên bề gia thất. Gia đình anh trai sống ở Hà Nội, chị gái lấy chồng gần nhà. Chồng tôi là con út, vợ chồng tôi sống ở miền Nam. Chính vì 2 con trai đều ở xa, nên năm nào ba mẹ chồng cũng ngóng tết để con cháu về đoàn tụ.

Năm nay, ba chồng lâm trọng bệnh. Suốt gần năm trời ba ra vào bệnh viện như đi chợ. Con cái chỉ có thể thay nhau về với ba được một thời gian. Việc chăm sóc ba suốt thời gian còn lại, và hết thảy công việc nhà nông, mẹ chồng tôi đều cáng đáng hết.

Thương mẹ vất vả nên tết này anh chồng gọi điện từ sớm, dặn mẹ đừng gói bánh chưng. Giáp tết, anh chị sẽ mua tất cả những gì cần thiết từ Hà Nội về. Anh chị muốn ba mẹ có thời gian để tận hưởng 1 cái tết thảnh thơi, vui vẻ. Hơn nữa, thời tiết năm nay lạnh, các khớp ngón tay của mẹ sưng vù nên anh không muốn mẹ làm việc.

Nhưng mẹ chồng nói, mọi thứ anh có thể mua, còn bánh chưng, mẹ sẽ gói. Năm nay mẹ bớt việc đồng áng lại nên có nhiều thời gian chuẩn bị cho tết. Tay mẹ cũng đỡ đau rồi.

Biết chắc mẹ sẽ không theo sự sắp xếp của mình nên anh nhắn chồng tôi. Thường ngày, mẹ “nghe lời” chồng tôi nhất. Chồng tôi lập tức gọi về cho mẹ “quán triệt”, rồi chuyển tiền nhờ chị gái đặt mua bánh chưng. Hành động đó khiến mẹ bị tổn thương sâu sắc.

Mẹ nói với chị gái, mẹ muốn tự tay gói bánh chưng bởi chỉ mẹ mới gói được đúng vị mà ba và cả nhà đều thích. Bệnh tình của ba ngày càng trở nặng, biết ba còn đón được mấy cái tết? Bánh chưng là món mà ba thích nhất, sao mẹ có thể không chăm chút?

Hơn nữa, từ ngày ba bệnh, không khí gia đình lúc nào cũng trầm buồn. Mẹ muốn gói bánh để cả gia đình cảm nhận được không khí chộn rộn, ấm cúng ngày tết.

Không khí chộn rộn, ấm cúng ngày Tết khi gói bánh chưng (ảnh minh họa)
Không khí chộn rộn, ấm cúng ngày tết khi gói bánh chưng (ảnh minh họa)

Mỗi năm, khi mẹ chồng tôi gói bánh, cả nhà đều vui vẻ tham gia. Người rửa lá, người chẻ lạt, người xắt thịt, hấp đậu… Tiếng cười nói rộn ràng khắp nhà.

Vui nhất là lũ trẻ, chúng sẽ ngồi xem nội làm, đón từng cái bánh và xếp vào nồi, rồi đợi đến cuối để xin nội gói chiếc bánh út ít từ các nguyên liệu còn dư lại. Tối đến, chúng rủ nhau ngồi canh nồi bánh bên bếp lửa ấm áp, nướng củ khoai hay cái bánh tráng mè "lai rai", nói chuyện tầm phào giết thời gian để chờ chiếc bánh tự tay mình làm được vớt ra nóng hổi.

Mẹ chồng tôi buồn vì các con mẹ - đặc biệt là chồng tôi - không để tâm đến những cảm xúc, suy nghĩ của mẹ. Xưa nay, những việc mẹ làm, dù lớn hay nhỏ đều nhằm giữ lửa cho tổ ấm của mình, để con cái dù xa hay gần đều có thể cảm nhận được sự ấm áp, an vui. Duy trì việc gói bánh chưng cũng góp phần giữ gìn truyền thống, gắn kết gia đình - điều mà không tiền bạc nào mua được.

Nghe chị chồng nói, tôi bỗng thấy cay mắt. Chồng tôi cũng như anh trai chỉ muốn mẹ đỡ vất vả, không ngờ lại làm mẹ tổn thương như vậy. Tôi vội gọi lại cho mẹ để nói với mẹ rằng: mẹ hãy chuẩn bị lá dong, gạo, đậu… Sáng 29 Tết, con cháu sẽ có mặt ở nhà để cùng mẹ gói bánh chưng.

Ngọc Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI