Kính gửi chị Hạnh Dung,
Em năm nay 32 tuổi, đã chia tay chồng cách đây một năm. Chồng em nhận nuôi con. Anh bảo con trai ở với ba phù hợp hơn.
Sau khi ly hôn, em về nhà ở với mẹ. Ba em mất cách đây mấy năm, ngôi nhà của mẹ em ở vùng ven, có vườn rộng rãi. Mẹ em là giáo viên về hưu, có lương hưu hằng tháng nên không phải lo lắng gì nhiều.
Không hiểu sao cách đây hơn một tháng, mẹ nói với em rằng mẹ muốn sống một mình. Mẹ không nói rõ là muốn em ra khỏi nhà nhưng cứ nói kiểu như về già sống ở nhà một mình là tự do nhất, không phải phụ thuộc ai; rằng nếu cứ sống phụ thuộc vào người khác, kể cả đó có là con cháu mình đi nữa thì cũng thấy khó chịu, mất lòng, già rồi lại phải nhịn nhục chiều lòng bọn trẻ thì quá tội.
Em biết mẹ rất khó chịu khi em đi làm về trễ, mua sắm áo váy mới hoặc hẹn đi chơi với bạn bè. Nhưng mẹ cũng phải hiểu là em đang tìm kiếm hạnh phúc mới cho mình. Em vẫn còn trẻ, không muốn ở vậy. Em đang đăng ký học thêm, còn nhận thêm việc để kiếm thêm thu nhập. Lúc này, em có cảm giác sống với mẹ ngày một khó khăn hơn.
Nhà chỉ có hai mẹ con nên nhiều lúc cãi nhau cũng không có ai can ngăn. Nhiều khi hai mẹ con cãi nhau về chuyện này, một hồi lại sang chuyện khác, nặng nề, mệt mỏi. Mẹ hay trách móc, la mắng em chuyện cư xử với chồng cũ, chuyện không nhận nuôi con, chuyện bị chồng bỏ…
Em thật sự chưa thể thu xếp được nên nghĩ tốt hơn cả là sống chung với mẹ cho đến khi có điều kiện thuê nhà sống riêng nhưng nhiều bữa không thể chịu đựng nổi. Hay là em nên dọn đi sớm, để mẹ được sống một mình như mẹ muốn?
Thùy Linh (TP.HCM)
|
Mẹ không muốn em ở chung với bà nữa - Ảnh minh họa |
Em Thùy Linh thân mến,
Người lớn tuổi có quan điểm sống khác với giới trẻ. Các ông bà sống chậm hơn, có nhiều thời gian rảnh rỗi hơn nên hay để ý chuyện của con cái, khiến những người trẻ trong nhà thấy bị đánh giá, khó chịu, bức bối. Ai cũng vậy chứ không riêng mẹ em.
Nói vậy để em hiểu mẹ và có cách xử sự phù hợp trong gia đình.
Chắc chắn mẹ em hiểu chuyện của em bây giờ, hiểu việc em đang cố gắng thu xếp, xây dựng lại cuộc sống của mình. Biết đâu, ngay cả câu chuyện “mẹ muốn sống một mình” cũng là một cách thúc đẩy, theo kiểu của mẹ, để em nhanh chóng tạo dựng “tập hai” cho bản thân?
Nếu cứ êm đềm một mẹ một con, nhà cửa rộng rãi, không phải lo lắng gì nhiều, rồi em ngủ quên luôn trong cái tổ ấm áp ấy, chắc mẹ cũng không yên lòng. Người già hay lo xa lắm. Hãy nghĩ theo hướng tích cực hơn. Em thử nói chuyện với mẹ nhiều hơn về những dự định của bản thân, chuyện đi học thêm, chuyện nhận việc làm thêm để dành dụm tiền bạc…
Khi nghe chuyện của em, hiểu được những cố gắng của em, mẹ sẽ giúp em thêm bằng kinh nghiệm sống của mình. Một cách nghĩ khác cũng giúp mình nhẹ lòng: nghĩ rằng khi về già các cụ hay thay đổi tính nết, tính tình các cụ có những giai đoạn khó chịu vậy nhưng rồi sẽ qua.
Em đừng chấp nhặt lời lẽ, cử chỉ, đừng cố gắng tranh cãi hơn thua với mẹ làm gì! Người ta hay bảo cứ nhìn vào ông bà cha mẹ sẽ thấy hình ảnh chính mình trong tương lai đấy.
Mẹ em đã có một khoảng thời gian sống độc lập, nhà là nhà của mẹ nên mặc dù là con gái cưng, em cũng phải xác định mình nhập gia tùy tục. Các cụ khó thay đổi thói quen. Nếu có ai phải điều chỉnh, người đó nên là mình.
Em cố gắng kiên nhẫn một thời gian nữa, nếu tình hình không tốt lên thì có khi đành chọn cách ra riêng. Ra riêng hay ở với mẹ cũng là để gìn giữ tình cảm giữa hai mẹ con, để không sứt mẻ đổ vỡ, em nhé! Chúc em tìm được sự hòa thuận trong nhà.
Hạnh Dung
|
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK |
NẾU TÔI LÀ NGƯỜI TRONG CUỘC
An Nhi (Hà Nội): Mong bạn trưởng thành
Đọc thư bạn, tôi chợt nghĩ đến nguyên do khiến cuộc hôn nhân của bạn tan vỡ. Phải chăng do bạn vẫn còn khá hời hợt? Ngay cả khi không giành được quyền nuôi con, có vẻ bạn cũng chẳng quá bận lòng.
Bạn nghĩ gì khi đã trưởng thành thế này, làm mẹ làm vợ, lại lăn tăn trước những thắc mắc ấy, như thể những thắc mắc của một người chưa trưởng thành. Những phán xét từ phía bạn cho thấy bạn khá hẹp hòi.
Biết đâu mẹ bạn đã thực sự quen với cảnh ở một mình hoặc cũng có thể đó là lý do mẹ đưa ra bởi muốn bạn tự do sống theo ý mình. Nhưng dù thế nào, thì việc con cái không sống cùng mẹ cũng là điều bình thường. Còn những gì bạn làm (hẹn hò đi chơi, mua sắm váy áo…) có lẽ mẹ bạn cũng hiểu hết bởi có người mẹ nào trên đời này lại không hiểu con mình.
Và tôi cho rằng như nhiều bà mẹ khác trên đời này, mẹ bạn cũng trăn trở và đau lòng khi nhìn bạn đơn độc sau ngần ấy thời gian làm vợ làm mẹ. Nên tôi thực lòng chẳng hiểu sao bạn lại chấp nhặt từng lời nói, cố gắng hơn thua đến độ bức xúc cho biết “nhà chỉ có hai mẹ con nên nhiều lúc cãi nhau cũng không có ai can ngăn”. Mong bạn trưởng thành và bớt hà khắc với xung quanh để cuộc sống nhẹ nhàng hơn.
Hoàng Châu (Cần Thơ): Sống riêng thì có sao!
Nếu là tôi, sau khi ly hôn, có lẽ tôi sẽ tìm một căn phòng trọ nho nhỏ để sống vì tôi không muốn mẹ mình nhìn thấy sự thất bại của con cái, đặc biệt là trong hôn nhân. Giai đoạn này, sống chung với ba mẹ dễ nảy sinh những hục hặc không đáng có, phần lớn là do khác biệt về quan điểm sống. Vậy thì hà cớ gì mà cứ để những cuộc cãi cọ diễn ra mỗi ngày, trong khi chính cuộc sống của bạn giờ đã chẳng có gì vui.
Theo tôi, bạn nên dọn ra ngoài để sống, như thể bạn đã có chồng và ra riêng. Có lẽ mẹ bạn đã quen với cuộc sống một mình. Nên giờ hai mẹ con ở riêng là giải pháp tối ưu nhất có thể. Việc quan trọng nhất của bạn bây giờ là sống cho mình, là học cách điều chỉnh bản thân, là nhìn nhận lại những ngày đã qua để sửa sai và tìm cơ hội gầy dựng lại hạnh phúc.
Mong bạn dừng suy nghĩ tiêu cực về mẹ và sớm tìm được giải pháp phù hợp cho cuộc sống của bạn.
|
HẠNH DUNG
Thư chia sẻ cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn đọc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn
Tư vấn tâm lý - tình yêu - hôn nhân trực tiếp và miễn phí tại Phòng tư vấn Hạnh Dung, toà soạn Báo Phụ Nữ.
Thời gian: từ Thứ 2 tới Thứ 6 trong giờ hành chánh.