Mẹ mong được sống với con một thời gian nữa!

27/09/2024 - 06:27

PNO - Mỗi khi nghe con hỏi “Khi nào mẹ về?”, lòng chị Ngâm đau thắt.

Tại ngôi nhà chung trên đường D400, phường Tân Phú, TP Thủ Đức, TPHCM, nơi hàng trăm bệnh nhân ung thư đang cư trú, không khí trở nên u ám khi chị Châu Thị Ngâm (45 tuổi, quê ở xã Khánh Tiến, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau) bật khóc nức nở khi nghe con trai gọi điện hỏi thăm.

Trong lòng chị là nỗi nhớ da diết, nỗi lo lắng và nỗi đau không thể diễn tả thành lời. Để tiếp tục sống, chị phải xa con, ngày ngày đối mặt với những cơn đau và nỗi cô đơn.

Năm 2021, khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, cũng là lúc chị Ngâm gặp phải những cơn đau bụng, nôn ói. Vì đang giãn cách xã hội, không thể đi khám ngay, chị đành chịu đựng và cầu mong mọi chuyện sẽ qua. Nhưng những cơn đau ngày càng dày và nặng hơn. Chị Ngâm xin giấy đi khám ở bệnh viện đa khoa tỉnh và được chẩn đoán bị ung thư buồng trứng.

Chị Châu Thị Ngâm đang cầu mong được giúp đỡ
Chị Châu Thị Ngâm đang cầu mong được giúp đỡ

Với số tiền tiết kiệm ít ỏi, chị Ngâm phải vay mượn thêm anh chị em để thực hiện ca phẫu thuật và 6 đợt hóa trị. Thế nhưng bệnh tình không thuyên giảm mà còn chuyển sang giai đoạn nặng hơn. Cuối năm 2022, với tất cả sự hy vọng còn lại, chị một lần nữa gom góp và lên Bệnh viện Ung Bướu TPHCM. Lúc này, bệnh đã ở giai đoạn cuối.

Chị Ngâm lại phải trải qua 13 đợt hóa trị và 18 toa thuốc sinh học để duy trì sự sống. Nhưng đó là những loại thuốc ngoài danh mục bảo hiểm với chi phí lên đến hơn 8 triệu đồng mỗi toa. Gần đây, do quá khó khăn, chị xin dùng thuốc bảo hiểm. Nhưng như thế lại không thể ngăn chặn sự tiến triển của bệnh, nên chị thường xuyên đau đớn, mệt mỏi, có những ngày chẳng thể nuốt nổi một muỗng cơm.

Lặng lẽ ở một góc phòng, chị Ngâm ôm xấp giấy tờ bệnh án vào lòng, những giọt nước mắt lại lăn dài trên gương mặt hốc hác. Chị nghẹn ngào: “Khi còn khỏe, tôi cũng đi làm thuê, ai thuê gì làm nấy, còn chồng thì theo tàu đánh bắt cá. Năm 2009, chồng tôi qua đời vì bệnh ung thư đại tràng, khi con vừa tròn 2 tuổi. Từ đó, khó khăn bắt đầu bủa vây, nhưng tôi vẫn còn đủ sức để lao động. Giờ đây, mắc bệnh hiểm nghèo, sức lực và tài chính của tôi đều đã kiệt quệ”.

Chị Ngâm chia sẻ thêm, ngôi nhà nhỏ 2 mẹ con chị đang ở dưới quê là nhà tình thương do địa phương xây tặng. Con trai chị đang học lớp Mười hai. Ở quê, cậu bé phải vừa học vừa làm thuê để tự trang trải học phí. Dù công việc nặng nhọc hay nhẹ nhàng, cậu đều nhận làm, chỉ để có thể tiếp tục con đường học vấn. Mỗi khi nghe con hỏi: “Khi nào mẹ về?” lòng chị đau thắt.

Hiện tại, để tiết kiệm chi phí, chị Ngâm xin ở nhà tình thương gần bệnh viện và sống qua ngày nhờ những bữa cơm từ thiện. Chị hiểu rằng chi phí đi lại và điều trị rất tốn kém, và chị cũng không còn đủ sức khỏe để tiếp tục di chuyển nhiều.

Trong hoàn cảnh khốn cùng này, chị Ngâm vẫn mong mỏi được sống thêm, để có thể nhìn con trai trưởng thành và trả số nợ 100 triệu đồng mà chị đã vay mượn để chữa bệnh. “Giờ đây, tôi chỉ còn biết gửi gắm niềm hy vọng cuối cùng vào sự giúp đỡ từ các mạnh thường quân” - chị Ngâm bày tỏ.

Mọi đóng góp của bạn đọc giúp chị Châu Thị Ngâm chữa bệnh, xin gửi trực tiếp đến Báo Phụ nữ TPHCM, 311 Điện Biên Phủ, phường 4, quận 3; qua đường bưu điện hoặc tài khoản từ thiện: Báo Phụ nữ TPHCM, số 1800676768, Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) - chi nhánh Kỳ Hòa; hoặc số 0071001049165, Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) - chi nhánh TPHCM (VCB-CN HCM). Chúng tôi sẽ chuyển đến tận tay chị Ngâm.

Ngọc Trăm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI