Mê món cá kho mật mía của nội

30/04/2024 - 06:12

PNO - Thịt cá có màu cánh gián, hơi mằn mặn vị muối biển nhưng đưa cơm nhất lại là nhờ vị ngọt không quá gắt của mật quyện với ớt và tiêu.

Cá kho mật mía, nhìn đã thấy thèm
Cá kho mật mía, nhìn đã thấy thèm

Chiều về, con gái tôi vừa tới cửa đã ào vào bếp, mở tủ lạnh lấy cái bánh mẹ đã để sẵn trong tủ. 2 phút sau, con bé ôm bánh ra bàn, vừa đọc truyện vừa ăn.

Nhìn con, tôi bỗng nhớ đến những năm tháng tuổi thơ của mình. Hồi đó tôi cũng trạc tuổi con, đi xe đạp lóc cóc đến trường rồi chiều cũng tự đạp xe về. Trước khi về nhà, tôi thường ghé qua nhà bà nội. Cũng vào bếp, tự xới cho mình một chén cơm nguội và lấy khúc cá nhỏ nội nấu để sẵn trong nồi.

Đến giờ, tôi vẫn không quên được cái vị ngọt ngào của những con cá biển được kho mật mía. Hồi đấy không dư dả gì, nhưng ba mẹ vẫn nuôi tôi và các chị em đầy đủ. Thịt trứng không thiếu, nhưng tôi sẽ ăn nhiều hơn nếu có món cá của bà, vì hương vị của nó đặc biệt lắm.

Cá biển mang về được bà nội rửa sạch và để ráo trong bóng mát. Lát sau, từng con cá được ướp với chút muối, tiêu, hành tăm đập nhỏ, nước mắm, viên đường mía cô đặc và vài lát ớt đủ để những đứa cháu ăn không thấy quá cay. Bà cẩn thận sắp từng con cá vào nồi, nằm xếp lớp cạnh nhau. Nước được đổ vào xăm xắp để cá có thể chín đều.

Tôi thấy bà nấu cá kỹ lắm - nấu sôi bùng lên rồi nhỏ lửa dần. Chưa có bếp gas hay bếp điện, thi thoảng bà lại bảo tôi đút thêm một vài nhánh củi để lửa đều liu riu ôm dưới đáy nồi. Bà bảo: “Canh cho bà nồi cá, tối ở đây ăn cơm với bà”. Tôi vâng dạ, rồi đôi khi mải chơi quên mất. Đến lúc ngửi thấy mùi thơm thơm của mật mía tỏa ra đến ngõ thì mới nhớ là mình đã không canh lửa cho bà.

Tôi chạy vội vào bếp, lòng lo sợ nồi cá bị cháy. Nhưng bà tôi cười rất hiền. Cá đã cạn, bà đổ thêm một ít mật mía - loại mật được làm từ nước mía sau khi chưng cất, nhà nào cũng có sẵn ở quê tôi. Những con cá đã được kho 1 lần cạn nước, giờ phủ lên lớp mật mía, trở đều cho ngấm rồi tiếp tục rim nhỏ lửa đến khi thịt trở nên đậm vị, dai dai.

Thịt cá có màu cánh gián, hơi mằn mặn vị muối biển nhưng đưa cơm nhất lại là nhờ vị ngọt không quá gắt của mật quyện với ớt và tiêu. Chỉ 1 khúc cá, tôi có thể ăn đến 2 chén cơm. Cá đậm vị nên không thể ăn miếng lớn, dù vậy, một gắp cá nhỏ cũng đã có thể ăn cùng một miếng cơm to. Tôi luôn chờ đến khi cá nguội, cơm nguội mới ăn. Thú vui duy nhất của trẻ con là háo hức đợi chờ đến khi được thưởng thức.

Tôi nhớ mãi mùi cá kho mật mía. Sau này cũng đã từng thử làm vài lần, cũng ra hình ra vị, nhưng không gặp lại được cái vị mà nội nấu ngày xưa.

Bà nội tôi năm nay đã gần 90 tuổi. Bà không còn đủ minh mẫn để làm việc, nói chuyện với con cháu vẫn nhớ nhớ quên quên. Hôm ba mẹ và tôi cùng các anh chị họ có dịp quây quần cạnh giường bà, chúng tôi vẫn nhắc nhớ nhau về những chuyện xưa cũ. Hóa ra, anh chị tôi cũng giống tôi, đều mê món cá kho mật mía của bà. Luôn là những buổi chiều đói meo sau cả buổi học, ghé qua nhà nội, chúng tôi đều được thỏa mãn cái bụng rỗng của mình.

Tôi nghĩ không chỉ có vậy. Bà tôi luôn có một nồi cá kho vơi rồi lại đầy, để đợi những đứa cháu của bà. Chúng tôi không chỉ được nhận những chén cơm cá no căng bụng, mà hơn cả là tình thương, lo lắng, bao dung. Vậy nên dù đã lớn khôn, thành đạt và đi xa, tôi vẫn thường hay về ghé qua nhà nội. Nhớ hương vị cá kho mật mía, nhớ sự hy sinh một đời của nội cho cả gia đình.

Chiều nay, con gái tôi lấy bánh vẫn còn bẻ ra một nửa. Tôi hỏi: “Sao con không ăn hết?”. Con gái gói bánh vào một miếng giấy, nói: “Con đưa qua cho cụ cố. Bánh mẹ mua mềm nên con nghĩ cụ cố nhai được mẹ ạ”. Tôi nghe mà nước mắt bỗng chảy ra. Tình yêu mà chúng ta cho đi, bằng mọi cách đều sẽ trở về.

Quế Phương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI