Mẹ mau giải cứu con khỏi nhà bà nội đi

13/06/2019 - 06:00

PNO - Cô út vừa nhìn thấy ba mẹ đã nức nở, kéo áo lên cho mẹ xem mấy nốt bọ cắn còn đỏ. Nhìn con, tôi xót vô cùng...

Năm nào cũng vậy, cứ vào hè là vợ chồng tôi lại mâu thuẫn. Chuyện không có gì to tát ngoài đề tài muôn thuở là tranh luận gửi bọn trẻ ở đâu. Mấy năm trước, đứa út đang học mẫu giáo, đầu hè và cuối hè trường mầm non chỉ nghỉ chừng tầm hai tuần rồi vào lớp hè nên không quá lo.

Còn cậu lớn thì tôi gửi thẳng đến nhà cô giáo dạy thêm. Cô cho các bé học bán trú, "bao" nguyên ngày, cả ăn và ngủ trưa, ba mẹ chỉ đưa đi đón về. Năm nay, anh lớn lên lớp Sáu, em út vào lớp Một mới nảy sinh nhiều vấn đề. Tôi không tìm được chỗ nào mà con vừa được học vừa bao luôn chuyện ăn uống. 

Me mau giai cuu con khoi nha ba noi di
Để con ở nhà vào mùa hè tôi sợ chúng xem tivi, điện thoại quá nhiều. Ảnh minh họa

Để hai anh em ở nhà tự trông nhau thì ba mẹ không yên tâm đi làm. Thế nào, tụi nó cũng cắm cúi vào tivi, máy tính. Cơm trưa thì có thể gọi Grab, GoViet ship tận nhà, nhưng vẫn lo ngay ngáy.

Tôi tính cho con đi học thêm mấy lớp kỹ năng, nhưng lại kẹt người đón đưa. Vì những lớp đó chỉ học tầm một tiếng rưỡi đến hai tiếng, đang trong giờ làm, tôi không thể trốn ra đưa đón con được.

Năm nay, chồng tôi đề xuất ngay từ đầu hè là gửi con về quê một tháng rồi tính tiếp.  Chồng bảo, đây là cơ hội để con hòa mình vào thiên nhiên trong lành ở quê, được chơi những trò chơi dân dã. Ông bà nội còn khỏe, lại rất mong cháu về chơi nhưng vấn đề phát sinh ở hai đứa con. Anh lớn càu nhàu không thích về, em nhỏ lo lắng “buổi tối không có mẹ làm sao con ngủ được”.

Vợ chồng tôi phải năn nỉ thuyết phục, hứa sẽ mua quà thưởng nếu hai con chịu về với ông bà. Trong lòng, tôi không mấy an tâm, bởi từ nhỏ, hai đứa đã xa mẹ bao giờ đâu, nhưng không còn cách nào khác đành nghe chồng.

Me mau giai cuu con khoi nha ba noi di
Cứ ngỡ yên tâm khi gửi con về quê với ông bà nhưng chính con lại không thích. Ảnh minh họa

Một tuần trôi qua, tôi thở phào nhẹ nhõm khi tối nào gọi điện hỏi han thấy tình hình hai đứa con vẫn ổn, không đòi về. Nhưng hai tuần sau, vợ chồng tôi tranh thủ về thăm mới thấy mọi việc không suôn sẻ như thế.

Anh lớn kéo mẹ ra một góc thì thầm: “Mẹ mau giải cứu con khỏi nhà nội đi, con chán lắm rồi”. Hỏi ra mới biết, con không quen cách sinh hoạt ở quê, nhìn đâu cũng thấy bẩn. Con nói rất sợ toilet nhà ông bà. 

Ông nội bảo uống luôn nước múc từ giếng lên cho mát, con lại sợ đau bụng vì được dạy phải “ăn chín uống sôi”. Bà nội càu nhàu khi con có ý kiến về chuyện ăn uống. Con kể, bà thường bảo: “Mẹ mày chiều lắm sinh hư, ngày xưa bà nuôi bố mày như này có sao đâu”.

Ông bà bận đi làm, chỉ ở nhà vài ngày đầu với cháu, sau khóa cửa để hai đứa trẻ trong nhà để đi làm đồng. Vì để chúng tự đi chơi thì sợ chó hàng xóm cắn hay rớt xuống mương, rớt hồ, rất nguy hiểm. Mỗi lần tôi gọi điện, bà nội đều ngồi ngay cạnh con nên con không dám nói năng gì.

Em út vừa nhìn thấy ba mẹ đã khóc nức nở, kéo áo lên cho mẹ xem mấy nốt bọ cắn còn đỏ. Nhìn con, tôi xót vô cùng. Chẳng phải trách gì ông bà, nhưng do sinh hoạt ở quê và thành phố khác nhau, con không quen cũng phải.

Me mau giai cuu con khoi nha ba noi di
Cả hai con đều sợ những sinh hoạt thường nhật ở quê, lỗi này của tôi chăng? Hình minh họa.

Tuy nhiên, tôi không thể đưa con về ngay, vì sợ chạm tự ái của ông bà. Đành để con lại thêm vài ngày và tính phương án khác. Hai vợ chồng tôi bàn tới bàn lui rồi chấp nhận tốn tiền để gửi anh lớn đi trại hè dài ngày. Sau đó tính tiếp.

Còn cô út, hai vợ chồng sẽ thay phiên đưa đến cơ quan, vừa làm vừa trông đợi sang tháng, các lớp mầm non hè mở ra, tôi sẽ tìm trường mầm non tư thục nhận gửi cả trẻ 6 tuổi. Đành cho con sinh hoạt với các bé lớp lá chứ biết sao giờ. 

Quế Lâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI