Mẹ luôn xách giỏ đi chợ là vì ba

08/05/2022 - 09:42

PNO - Phụ nữ muốn giữ hạnh phúc thì phải giỏi chợ búa, bếp núc. Dù đi làm, tay có cầm laptop, bút, sổ thì cũng nhớ xách chiếc giỏ đi chợ mỗi sáng...

Cứ nhớ đến mẹ là tôi nhớ hình ảnh mẹ xách trên tay chiếc giỏ quen thuộc để đi chợ mỗi sáng. Chiếc giỏ chứa đựng những thứ làm nên bữa cơm ngon lành, chứa những niềm vui tuổi thơ và chứa cả những lời dạy theo tôi suốt đời.

Ngày bé, mỗi sáng thức dậy, tôi thường có thói quen ngồi trước nhà để chờ mẹ đi chợ về. Người ta vẫn nói mong như mong mẹ đi chợ về, đúng thật, thấy bóng mẹ từ xa là tôi đã bổ quàng chạy đến ôm mẹ, mắt dán vào cái giỏ để lục tìm quà bánh.

Ngày thì bánh cam, hôm bánh bò, bánh da lợn. Bữa nào có bánh chuối chiên là lại nhảy cẫng lên sung sướng. Ngày nào cũng vậy, mẹ chẳng khi nào cho tôi được thưởng thức bánh ngay mà muốn tôi cùng mẹ soạn giỏ trước đã.

Mau mắn như một cái máy được cài đặt chế độ, tay tôi thoăn thoắt soạn ra nào rau, nào cá, nào thịt, nào trái cây ra từng cái rổ có màu riêng. Rổ màu xanh là rau, rổ màu vàng là cá, màu tím là thịt còn rổ màu đỏ là trái cây. Phải nhớ cho kỹ vì soạn sai là mất bánh như chơi. “Nhàn hạ” được mấy năm thì mẹ ra thêm một điều kiện khác để được quà bánh là nhặt xong mớ rau.

Chiếc giỏ đi chợ của mẹ là nơi chứa đựng nhiều ký ức tuổi thơ êm đẹp và cả những bài học
Chiếc giỏ đi chợ của mẹ là nơi chứa đựng nhiều ký ức tuổi thơ êm đẹp và cả những bài học

Lớn hơn chút, chừng 11 - 12 tuổi, tôi được mẹ cho theo đi chợ. Ngày nào mẹ cũng dắt tôi dạo quanh một vòng chợ để xem nay có món gì ngon rẻ mới mua chứ chẳng khi nào vội vàng mua ngay. Mẹ cũng chỉ cho tôi những sạp hàng quen mẹ hay mua.

Tôi nhớ, chiếc giỏ của mẹ, tuy bé thôi nhưng đựng được rất nhiều đồ vì mẹ có nguyên tắc sắp xếp hẳn hoi. Đáy giỏ là nơi để thịt cá, rồi đến trái cây và phần trên là dành cho rau xanh. Đó là cách mẹ chỉ cho con gái để đồ mua về không bị giập. Đơn giản vậy thôi nhưng cũng là một bài học.

Tôi nhớ hồi ấy, dù chẳng đỡ đần thêm được gì nhưng tôi cũng bon chen đòi xách một bên giỏ cho mẹ đỡ nặng. Bác hàng xóm nhìn thấy là tắm tắc khen giỏi, lại còn nói "mai mốt làm dâu bác nhé" làm mũi tôi phập phồng.

Gần đến tuổi lấy chồng thì mẹ để tôi đi chợ một mình. Mẹ nói tập dần để mai mốt biết tính toán việc chợ búa cho bữa ăn hợp lý (vừa phải đủ dinh dưỡng vừa ngon miệng) và hợp túi tiền.

Hỏi mẹ sao đi chợ cứ phải xách giỏ chi cho vướng víu, túi nilông thiếu gì thì mẹ tếu táo nói, dùng giỏ mới chứng tỏ là người yêu môi trường, lạm dụng túi nilông vừa chật nhà vừa làm gánh nặng cho trái đất.

Tôi biết, còn một lý do khác cũng không kém phần nặng ký: mẹ luôn xách giỏ là vì ba. Vì ba thường nói, phụ nữ trông duyên dáng và đảm đang hơn nhiều khi tay xách chiếc giỏ đi chợ thay vì lỉnh kỉnh bọc nọ túi kia.

Rồi con gái cũng đến ngày xa cha mẹ về nhà chồng. Quà sinh nhật đầu tiên ở nhà chồng mẹ gửi cho tôi là một chiếc giỏ cùng với lời nhắn. “Phụ nữ muốn giữ chồng, giữ hạnh phúc gia đình thì phải giỏi việc chợ búa, bếp núc. Dù đi làm, tay có cầm laptop, bút sổ hay máy ghi âm thì cũng nhớ xách chiếc giỏ đi chợ mỗi sáng để lựa những thứ tươi mới nhất về nấu cho chồng con những bữa cơm ngon nhất”.

Lời mẹ dạy chẳng như văn như thơ, nhưng khiến tôi nhớ rất lâu, nhớ như một bí kíp thần kỳ để giữ lửa gia đình. 

Thảo Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI