Mẹ luôn gây áp lực từ khi tôi thất nghiệp

11/02/2025 - 08:00

PNO - Trốn tránh những lời cằn nhằn của mẹ, tỏ thái độ cau có đáp trả hay nghĩ đến những việc làm tiêu cực đều không phải là giải pháp giúp mối quan hệ của mẹ và cháu tốt hơn.

Cô Hạnh Dung kính mến,

Gia đình cháu không quá khó khăn, ba mẹ cháu về hưu có nhà cho thuê và lương hưu. Tuy nhiên, từ nhỏ tới lớn, cháu đã có tinh thần tự lập, biết rằng mình phải tự lo cho bản thân, không nên dựa dẫm vào ba mẹ.

Tốt nghiệp đại học xong, cháu lập tức đi kiếm việc làm. Thật ra cháu đã đi làm từ khi còn đi học, làm bất cứ công việc gì để có tiền tiêu xài. Còn tốt nghiệp xong là cháu kiếm việc theo đúng ngành học của mình.

Giai đoạn này hình như đâu đâu cũng khó khăn, cháu tìm việc hoài không ra dù đã làm đủ mọi cách, rải hồ sơ khắp nơi, gõ cửa nhiều doanh nghiệp... Điều đó khiến mẹ cháu vô cùng tức giận.

Ngày nào cháu cũng bị mẹ mắng chửi, thậm chí sỉ nhục về việc cháu vô dụng, nuôi ăn học mà không làm nên trò trống gì, chừng này tuổi còn phải còng lưng nuôi cháu...

Đến mức giờ cháu sợ ăn cơm, sợ ngồi đối diện với mẹ nhưng không ăn thì bị chửi mà ăn cũng bị chửi. Trốn tránh trong phòng thì mẹ vào tận phòng chửi. Đi ra ngoài, ngồi quán cà phê suốt ngày tối mới về cũng bị chửi.

Nhiều lúc tiêu cực, cháu chỉ muốn chết cho mẹ hài lòng. Cô yên tâm, là cháu nghĩ vậy thôi chứ không làm chuyện dại dột vậy đâu. Nhưng cháu vô cùng chán nản và mệt mỏi. Không biết nên làm gì để mẹ hiểu rằng cháu đang cố gắng hết sức, chỉ cần cho cháu thêm thời gian...

Linh Nga

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Cháu Linh Nga thân mến,

Thật may là cháu đã đủ chững chạc, vững vàng và hiểu biết để không làm theo những cảm xúc bộc phát khi bị mẹ mắng. Tâm trạng này của cháu, nỗi bực tức cáu giận của mẹ cháu... thật ra không phải là hiếm gặp. Cô đã từng nghe, từng đọc những bức thư tương tự như vậy.

Cháu có thể thông cảm với mẹ hay không nếu cô thử phân tích vài lý do khiến mẹ la mắng, cằn nhằn cháu?

Thứ nhất, thái độ đó của mẹ cháu chỉ thể hiện nỗi lo lắng cho tương lai của cháu mà thôi. Cha mẹ nào không mong nhìn thấy con mình vững vàng bước vào đời, tự lập, tự lo cho mình được.

Họ không ngại nuôi con thêm vài tháng, vài năm mà điều họ ngại là con mình có thể tự lo cho bản thân không khi không còn mình trên đời. Những nỗi lo lắng thái quá khiến họ sốt ruột, không thể chờ đợi được và họ nghĩ rằng khi tạo nên một sức ép thì con cái sẽ cố gắng nhiều hơn.

Thứ hai, có thể mẹ cháu cũng đang có những khó khăn về tài chính mà bà chưa thể nói với cháu. Việc cháu đi làm và có lương là một sự giảm bớt gánh nặng mà bà đã mang vác nhiều năm. Khi chưa thấy được điều đó, bà lo lắng và sốt ruột.

Thứ ba, cô biết rằng nhiều bậc cha mẹ kỳ vọng rất lớn vào con cái. Nuôi con khôn lớn, cho con ăn học, họ chỉ mơ đến ngày được hãnh diện khoe với mọi người rằng con tôi còn đi học đã có nơi mời đi làm, con tôi có công ăn việc làm rồi, con tôi làm việc này việc kia, con tôi có lương khá cao đấy...

Trốn tránh, né những lời cằn nhằn của mẹ, tỏ thái độ cau có đáp trả hay nghĩ đến những việc làm tiêu cực đều không phải là giải pháp giúp mối quan hệ của mẹ và cháu tốt hơn.

Cháu hãy tìm hiểu tâm lý của mẹ, xem điều gì khiến mẹ lo lắng hơn cả khi thấy cháu chưa tìm được việc làm. Hãy nhẹ nhàng động viên mẹ cho cháu thời gian để có thể tìm được công việc phù hợp, xứng đáng với công sức, tiền của mẹ đã bỏ ra để lo cho cháu ăn học.

Nếu không gần gũi với mẹ được thì tâm sự với ba, nhờ ba trò chuyện với mẹ, giúp mẹ hiểu cháu đang hết sức cố gắng.

Bên cạnh đó, cháu cũng đừng quá kén chọn công việc trong giai đoạn khó khăn này. Thay vì ngồi nhà chờ đợi công việc mơ ước, cháu có thể tìm những việc bán thời gian, việc thời vụ, để vừa có tiền chi tiêu và phụ giúp gia đình, vừa tích lũy thêm kinh nghiệm làm việc.

Thái độ dấn thân, chấp nhận bất kỳ công việc lương thiện nào có khi lại đưa cháu đến với cơ hội được làm việc mình yêu thích. Cháu hãy mạnh mẽ và vững vàng, đừng để những lời la mắng của mẹ làm mất tinh thần. Hãy coi đó là động lực để cháu cố gắng hơn nhằm chứng minh rằng cháu sẽ không làm mẹ thất vọng.

Hạnh Dung

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

Chat với Hạnh Dung
Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI