Mẹ “lười”

07/01/2017 - 12:00

PNO - Nhà có hai anh con trai, quậy trời gầm, lại có bà mẹ lười, nên hàng ngày hàng xóm nghe thấy mẹ con nhà ấy nói chuyện như bạn bè đồng trang lứa.

Người ta mồm chữ o, mắt chữ a, ban đầu thắc mắc, sau thì khó hiểu vì không biết “đám ấy” có phải mẹ con không…

Me “luoi”
 

Mẹ vốn là con cả, sau còn hai em gái, từ nhỏ đã “rát tai” khi suốt ngày bị nghe dạy “con là con lớn, phải nhường em”, “em còn bé, con phải nhường nhịn em”… mẹ đã rất ấm ức. Nhường nhịn xuất phát từ tình thương yêu, tình thương yêu đến từ những điều nhỏ nhặt được nghe, nhìn thấy hàng ngày. Rõ ràng phút trước đứa em kế vừa nắm tóc chị kéo đau điếng, phút sau mẹ cho mấy quả na còn bảo nhường em quả to, vô lý thế ai chịu được. Chưa “bụp” cho là may, ở đó mà nhường!

Nên khi có hai con trai, mẹ kệ cho anh em “tự xử”. Đồ chơi mua về giống nhau nhưng hai màu, anh em cãi nhau như mổ bò đòi màu mình thích, mẹ khoanh tay nhìn. Cuối cùng hai anh em thỏa thuận mỗi người chơi màu mình thích một ngày, màu không thích thì… nhờ mẹ trả lại. Mẹ hí hửng vì… đỡ tốn.

Chiều cuối tuần, lớp cu em thường được cô phát cho gói bim bim, có lần mẹ nháy cô rồi thì thào: “Con đứng đây, mẹ vào lấy thêm gói nữa!”. Cu em hốt hoảng kéo áo mẹ lại, kêu: “Của bạn đó!”, mẹ… ngoan cố: “Không ai biết đâu, lấy thêm một gói về cho anh!”.

Cu em kiên quyết: “Cô nói mỗi bạn chỉ được một gói thôi, mình về trước lấy hai gói, bạn về sau không có thì sao?”. Mẹ làm mặt buồn buồn đi về, vừa vào nhà, cu em thả ba lô, kéo mẹ ngồi xuống ghế: “Vậy là xấu nha mẹ, của mình mình lấy thôi, lấy của bạn tội nghiệp bạn chớ!”.

Mẹ tỏ vẻ ấm ức: “Có ai biết đâu”, cu em nghiêm mặt: “Mình biết rõ ràng nè, sao nói không ai biết, mẹ làm vậy con bo xì mẹ à nha!”. Mẹ vờ tội nghiệp “vậy hả con, vậy là không ngoan hả?”. Cu em lên giọng dạy dỗ như thể mẹ là em bé bốn tuổi, còn cu em bốn tuổi là ông thầy giáo già. Mẹ nghe mà nở mũi, kể ra cũng không “oan” khi mẹ phải đóng vai người xấu.

Từ ngày cu em đi học, ngay từ tối, cu em đã tự chuẩn bị đồ mặc buổi chiều, sữa, khăn giấy, bỏ sẵn vào ba lô, mẹ không cần phải nhắc hay làm hộ. Đi học về em tự lấy đồ ra bỏ vào sọt. Lớn thêm một chút, em còn biết gấp quần áo, từ ngày cu anh nhận việc phơi đồ thì cu em “xí” việc gấp đồ để mẹ được nghỉ ngơi. Đôi khi cu em cũng làm biếng, mè nheo: “Cho con nợ nha, con chơi một lát rồi con gấp nha!”.

Thương nhất là có những ngày ốm, ho khù khụ nhưng cu em vẫn không quên việc của mình, đôi khi làm mẹ rơi nước mắt. Rồi khi bưng nồi cơm ra bàn, mẹ xuýt xoa kêu nóng, vờ ngồi mặt chảy thượt, cu em kéo tay mẹ ra vòi nước, chỉ cho mẹ cách xử lý khi bị bỏng. Rồi dặn “lần sau bắc nồi, mẹ phải lấy hai miếng giẻ bắc tay vầy nè!”. Vừa nói cu em vừa “làm mẫu” hướng dẫn mẹ, mẹ hăm hở gật lia lịa.

Nhà mua đồ gì mới, con sẽ là người “đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng” và chỉ mẹ cách sử dụng. Đừng tưởng con là trẻ con không biết gì, con đọc đi đọc lại, rủ anh… thử và cẩn thận bọc tờ hướng dẫn vào bịch ni lông, để vào ngăn tủ.

Buổi tối, cu em làm toán, mẹ ngồi cạnh mặt chảy thượt: “Bài này làm sao mà ra số này?”. Vì trước đó mẹ đã nói giờ chương trình thay đổi nhiều, trẻ em giờ thông minh hơn, bài tập thường khó hơn hồi mẹ học nên khi mẹ hỏi, cu em sẵn sàng lấy giấy nháp ra, giảng bài cho mẹ.

Đôi khi thấy mẹ gật đầu “kịch” quá, cu em không tin, cười mim mím: “Mẹ tự làm con xem!”. Thế là mẹ thành học trò, ngồi cắm cúi làm bài tập dưới sự giảng giải của con. Làm đúng thì cu em cười tít mắt, đôi khi mẹ làm sai, cu em lại lần nữa giảng lại, cần mẫn, chăm chỉ và đầy nhiệt tâm.

Mẹ còn “cà rốt” nhiều chuyện khác nữa, còn mắc nhiều "tội" khác nữa để được cu em sửa sai, hướng dẫn. Để rồi cu em nheo mắt: “Mẹ hiểu thực sự chưa? Lần sau không có làm sai nữa nha!”. Mẹ cười thầm trong bụng, tự hứa lần sau sẽ không làm sai chuyện này nhưng sẽ tìm chuyện khác để sai, để được con… chỉ dẫn. Bởi khi nhắc người khác, con sẽ biết cách xử lý việc đó và không phạm sai lầm.

Mẹ cứ “lười” đi, hai người đều lười ắt có một người siêng, miễn là “lười” có phương pháp, có kế hoạch cộng thêm chút say mê, hứng thú, khơi gợi con, đôi khi chấp nhận một chút rủi ro. Đâu phải lúc nào cũng “con phải thế này”, “con nên thế kia”; đâu phải lúc nào cũng dạy con bằng lời nghiêm lẽ nghị. Đâu phải chỉ con gái mới biết phụ giúp mẹ, con nào cũng có thể, miễn là mẹ dạy con biết yêu thương, chia sẻ và trách nhiệm.

Thái Phan

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI