Mẹ lỡ uống thuốc phá thai, em bé được giữ lại đối diện nguy cơ gì?

03/04/2018 - 20:17

PNO - Lần thứ 2, ngành y tế Việt Nam choáng váng với sự cố nhân viên y tế mang thuốc phá thai cho thai phụ uống.

Misoprostol 2 lần gây họa

Tháng 1/2018, nữ hộ sinh ở Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Quảng Ngãi phát thuốc phá thai Misoprostol 200mcg cho thai phụ 32 tuổi đang có thai 6 tuần. Chị nhập viện vì bị động thai nên được bác sĩ chỉ định dùng thuốc an thai.

Me lo uong thuoc pha thai, em be duoc giu lai doi dien nguy co gi?
Trung tâm y tế huyện Tân Phước, Tiền Giang - nơi xảy ra phát nhầm thuốc phá thai khi thai phụ bị động thai

Tuy nhiên, nữ hộ sinh lấy nhầm thuốc phá thai Misoprostol cho người mẹ uống. Sau khi uống thuốc, thai phụ đau bụng, ra máu và sau đó thai nhi đã chết. Nguyên nhân của sự nhầm lẫn là nữ hộ sinh đã không thực hiện đúng quy trình. 

PGS.TS.BS Huỳnh Nguyễn Khánh Trang, Trưởng khoa Sản bệnh, Bệnh viện phụ sản Hùng Vương (TP.HCM) phân tích: “Nếu như lần đầu tiên phát nhầm thuốc phá thai Misoprostol, người quản lý cơ sở phải rút kinh nghiệm trong ngành, quản lý chặt chẽ các loại thuốc này. Trong thời gian ngắn, đã xảy ra sai sót lần 2, thật khó có được sự thông cảm của người dân.

Tất cả đều có quy trình hết, vấn đề là con người có trách nhiệm tuân thủ hay không. Nếu tuân thủ đúng quy trình cấp phát thuốc, bảo quản thuốc chắc chắn sẽ không xảy ra sự cố như vừa qua”.

Thay vì đến khoa dược nhận thuốc về phát cho thai phụ, nữ hộ sinh tự ý lấy thuốc ở tủ cấp cứu. Khi đó, nữ hộ sinh nhầm lẫn tên thuốc và tên của 2 bệnh nhân nằm cạnh nhau.

Lần thứ 2, vào tháng 3/2018, tại Trung tâm y tế huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang, thuốc phá thai Misoprostol lại gây họa do sự bất cẩn của nhân viên y tế. Lần này, có đến 3  thai phụ thay vì được nhận thuốc dưỡng thai, lại được phát thuốc phá thai.

May mắn khi một thai phụ chưa kịp uống. Trong 2 thai phụ uống phải thuốc phá thai Misoprostol, có 1 trường hợp thai nhi bị chết lưu ở 7 tuần tuổi sau khi uống thuốc khoảng 1 ngày; 1 thai phụ xuất huyết âm đạo sau khi uống thuốc phá thai khi thai nhi khoảng 9 tuần. Theo báo cáo của Sở Y tế tỉnh Tiền Giang, đến nay, thai nhi này đã 13 tuần và đang phát triển bình thường.

Nguyên nhân của sự nhầm lẫn ở Tiền Giang được xác định là do nhân viên khoa dược thiếu kiểm tra đối chiếu nên phát thuốc thá thai Misoprostol trong khi bác sĩ chỉ định dùng thuốc dưỡng thai Miprotone. 

Me lo uong thuoc pha thai, em be duoc giu lai doi dien nguy co gi?
Thuốc phá thai Misoprostol 200 mcg đã 2 lần bị phát nhầm

Uống nhầm thuốc phá thai Misoprostol có thể gây quái thai

Thuốc Misoprostol và Mifepristone là 2 loại thuốc được phối hợp với nhau nằm trong phác đồ phá thai nội khoa được Bộ Y tế Việt Nam quy định và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo. Thậm chí, ở thai từ tuần 13 đến hết tuần 22, có thể sử dụng Misoprostol đơn thuần để phá thai.

Còn thuốc Mifepristone khiến nhau thai bong khỏi nội mạc tử cung và giúp cổ tử cung mềm ra, cho phép thai xổ ra ngoài. Và lúc đó, thuốc Misoprostol gây co thắt tử cung để đẩy thai ra.

Me lo uong thuoc pha thai, em be duoc giu lai doi dien nguy co gi?
Nếu làm theo đúng quy trình cấp phát thuốc, kiểm tra và đối chứng, có lẽ đã không xảy ra nhầm lẫn tai hại. Ảnh:Tư vấn tiền sản tại Bệnh viện Từ Dũ. 

Một bác sĩ khoa Sản tại Bệnh viện quận 2 cho biết nếu thai phụ uống phải thuốc phá thai Misoprostol có thể dẫn đến quái thai.

Bác sĩ Huỳnh Nguyễn Khánh Trang cho biết: “Thuốc phá thai Misoprostol chống chỉ định với phụ nữ có thai. Đây là thuốc dùng để ngừng sự phát triển của thai nên uống vào sẽ dẫn đến hư thai. Nếu thai dưới 20 tuần, tác hại rất lớn. Dù không hư thai cũng ảnh hưởng rất xấu đến sự phát triển của thai nhi”.

Tiến sĩ bác sĩ Nguyễn Bá Mỹ Nhi, Phó Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM) khẳng định: “Chúng tôi không dám khẳng định có thể giữ được thai hay không nếu thai phụ uống nhầm thuốc Misoprostol. Nhưng nếu phát hiện uống nhầm, thai phụ phải nhanh chóng đến cơ sở y tế để được tiêm thuốc hạn chế sự co thắt của tử cung”.  

Me lo uong thuoc pha thai, em be duoc giu lai doi dien nguy co gi?
Khi đã vào bệnh viện, sinh mạng và sức khỏe của người bệnh phụ thuộc rất nhiều vào y bác sĩ

Cũng theo bác sĩ Mỹ Nhi, cách đọc 2 tên thuốc Miprotone và Misoprostol có thể gây nhầm lẫn. Có nhiều cách để tránh nhầm như phải đối chiếu khi nhận thuốc, bảo quản thuốc cách xa nhau. Bác sĩ kê đơn thuốc nên ghi tên hoạt chất trước, sau đó mở ngoặc ghi tên thương mại của thuốc phía sau cũng sẽ giúp tránh nhầm lẫn cho người phát thuốc.  

Tuy nhiên, các bác sĩ nhận định sự cố phát nhầm thuốc vừa qua, trách nhiệm chính vẫn là ở con người. Quy trình dù chặt chẽ nhưng con người lơ là, hậu quả vẫn xảy ra.

Hiếu Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI