Sau khi nhận tin nhắn của chị Nhàn, nhóm chat phụ huynh lớp con tôi bỗng rộn ràng. Mọi người sôi nổi bàn bạc về tình huống chị đưa ra. Có người chia sẻ thêm những câu chuyện tương tự, có người nói về cách giáo dục con cái trong mỗi gia đình, nhiều nhất vẫn là những mổ xẻ, đánh giá về tính cách của cô bé Thu Hoài - nhân vật chính trong câu chuyện chị Nhàn vừa đề cập.
Theo chia sẻ của chị Nhàn, Thu Hoài là cô học trò ngỗ ngược, ngang bướng, thường xuyên bày trò bắt nạt các bạn cùng lớp. Cậy vào dáng vóc cao lớn, Hoài ép các bạn làm những hành động kỳ quái theo ý muốn của mình. Chị Nhàn viết: “Chuyện xảy ra nhiều lần nhưng vì bận rộn, vì nạn nhân bị bắt nạt không trực tiếp là con mình nên mình không lên tiếng. Nhưng lần này, con gái của mình đã bị Thu Hoài ép phải nắm tay, ôm một bạn nam trong lớp; nếu không thì Thu Hoài sẽ kiếm cớ, không để con bé yên ổn học hành”.
|
Con gái của tác giả là một cô bé hiểu chuyện |
Sau khi theo dõi những dòng tin nhắn qua lại giữa các phụ huynh, việc tôi làm ngay trong giờ đón con là gợi chuyện để cô con gái kể lại sự tình. Sau vài phút hỏi han, con gái tôi lần lượt kể ra những tình huống và nét tính cách cũng như cách tương tác, giao tiếp ở lớp học liên quan đến Thu Hoài.
Và không chỉ dừng ở đó, như bắt trúng mạch, thế giới học đường của con lần lượt hiện ra rất sinh động với nhiều câu chuyện và cái tên khác nhau. Quãng đường từ trường về nhà vốn khá xa bỗng như ngắn lại khi con cứ liến thoắng trải lòng.
Nhớ lại, cách đây không lâu, trong một buổi tối ăn cơm muộn, khi chồng tôi đã gác đũa, đi vào phòng trong xem phim, con gái tôi mới mạnh dạn trình bày: “Mẹ, mẹ có biết vì sao mỗi tối con đều thích mẹ hướng dẫn con học bài hơn là ba không?”. “Mẹ không biết” - tôi thật tình. “Vì khi con làm sai, mẹ không quắc mắt lên như ba. Mẹ nhẹ nhàng chỉ ra lỗi sai và hướng dẫn lại cách làm là con sẽ làm đúng. Còn với ba, nếu bài thứ nhất mà sai, ba nạt nộ, thì mấy bài tiếp theo con lại sợ hãi và tiếp tục vấp lỗi. Kết quả là chẳng có bài nào được làm đúng cả” - con nói.
Câu chuyện làm bài tập về nhà dừng lại ở đó, nhưng vì cảm nhận con còn muốn tiếp tục kể thêm nên tôi cố tình kéo chậm bữa ăn. Đúng như dự đoán, lát sau, con lại chia sẻ tiếp về nét mặt, thần thái, hoàn cảnh của những cô bạn hàng xóm của con. Con bảo, bạn này có đôi mắt sáng, nụ cười tươi do ba mẹ bạn ít cãi nhau, bạn kia có mái tóc gọn gàng vì bà nội bạn ấy không xem điện thoại mà thích việc chăm chút làm đẹp cho cháu mình.
Con cũng chia sẻ với tôi về lý do con thường xuyên chia đồ ăn, đồ chơi cho một cô bé tên Na trong xóm: “Con muốn giúp em ấy vui lên. Em Na là em út trong gia đình có 3 người. Em hay bị anh mình la mắng, chị của em thì toàn phá bĩnh, giành đồ chơi của em. Còn ba mẹ em ấy thì chẳng bao giờ dành thời gian để lắng nghe, phân xử cho công bằng”.
|
Ảnh mang tính minh họa - Jcomp |
Qua lời kể chắp nối của con, tôi không biết những người bạn của con là những đứa bé thực sự có tính cách, hoàn cảnh như thế nào. Những tình huống, va chạm cũng mới chỉ hiện lên một chiều dưới góc nhìn của riêng con. Tôi chưa thể kết luận đầy đủ về thế giới bên ngoài, nhưng ít nhiều tôi đã thấu hiểu, nắm được những nét nội tâm, suy nghĩ của con.
Trước đây, tôi có thói quen kể chuyện cho con nghe. Những câu chuyện cổ tích về nàng Lọ Lem, thần ánh sáng, cô tiên hoa sẽ được truyền tải theo hướng một chiều. Thông qua câu chuyện, tôi nhắc con những thông điệp hay về thiên nhiên và lối sống. Tôi khi đó ít chú ý và dành thời gian để lắng nghe những chia sẻ của con.
Bây giờ, khi đã lớn hơn, thế giới của con dần dần được mở rộng nhờ những “ô cửa sổ”, những góc nhìn thì tôi biết, mình từ người kể chuyện cần khéo léo đổi vai thành người lắng nghe nhiều hơn. Thời điểm vàng để con thổ lộ có thể là trên đường đi học về, giờ ăn cơm, trên giường trước giờ đi ngủ, nhưng cũng có thể là bất cứ lúc nào con đủ sẵn sàng.
Tôi cũng nhận ra, khi nghe con kể nhiều hơn thì tự nhiên, người làm mẹ là tôi, cũng trở nên cởi mở, bớt giấu giếm những mệt mỏi, nỗi niềm. Tôi dễ dàng hơn khi kể với con những khúc mắc, khó xử của một người vợ trẻ, mẹ trẻ trong đời sống gia đình. Kể về những áp lực trong công việc, về nỗi buồn khi bị người bạn thân hiểu lầm…
Có thể, vì chưa đủ hiểu biết, vì không sống trong thế giới của người lớn nên con sẽ không cặn kẽ, hiểu hết những gì đang thực sự diễn ra. Nhưng có lẽ, cũng như tôi, con sẽ thấy ngọt ngào, ấm áp khi được mẹ đặt niềm tin.
Tôi thầm cảm ơn con gái, nhờ con mà tôi có thêm một người bạn, một người đồng hành, truyền cảm hứng trong những lúc suôn sẻ và cả những lúc cuộc sống gặp bất ổn, khó khăn.
Minh Thi