PNO - Một sáng, trên đường đưa con đến trường, thình lình bị tông xe khiến cả người và xe đổ vật, người mẹ không gượng dậy nổi. Nhưng sực nhớ đến con gái đã ngã đâu rồi, lỡ có xe phía sau lao tới, con không thể tránh xe, xe cũng đâu biết con khiếm thị để mà tránh, mẹ cố đứng lên tìm con và nghe vai mình đau kinh khủng.
May mắn, con gái chỉ trầy xước nhẹ, hớt hơ hớt hải sờ người mẹ, hỏi dồn… Mẹ tiến thoái lưỡng nan vì hôm nay con có bài kiểm tra quan trọng môn hóa, mà giao con cho xe ôm sợ lỡ gặp người xấu sẽ chở con đi mất. Tình thế này, mẹ nén đau đưa con đến trường cho kịp giờ học, và rồi đi thẳng đến bệnh viện. Vết thương khá nặng - gãy xương bả vai, bác sĩ yêu cầu nhập viện băng bột, cố định xương. Cứ bó tay phải thì tay trái mẹ vẫn xách làn ra chợ mua thực phẩm, lo chu toàn cho con ăn học.
Nước mắt, mồ hôi đã đẫm trên hành trình đưa con đến miền tri thức của bà Nguyễn Thị Hạnh (trung tá, cán bộ Phòng An ninh kinh tế Công an TP.Hà Nội, hiện đã nghỉ hưu). Một người khuyết tật có nghề nghiệp, tự đứng vững trong cuộc sống đã khó, Đào Thu Hương - con gái bà lại nỗ lực học hành, phấn đấu trở thành cán bộ Chương trình phát triển của Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam (UNDP VN) - một kỳ tích mà cả người bình thường cũng khó với đến. Đó là thành quả từ sự nỗ lực của cá nhân cùng tiếp sức của cả gia đình, nhất là của người mẹ.
Sinh con gái đầu lòng, vợ chồng bà Hạnh chưa kịp vui thì nỗi lo ập đến khi bé Thu Hương cứ ngày đêm khóc ngằn ngặt. Sau nhiều tháng vật vã bế bồng dỗ dành, bà nhận ra mắt con không linh hoạt như những trẻ khác, và đoán đó là nguyên nhân khiến bé đau đớn, gào khóc. Đưa con đi khám, nơi thì chỉ định mổ mắt ngay, nơi lại bảo đợi lớn thêm. Lên sáu tuổi, được xác định mắc chứng Glocom bẩm sinh rất hiếm gặp, nhưng ca mổ mắt phải đã không thành công, kéo theo mắt trái của Thu Hương kém dần và mất hẳn thị lực năm cô 10 tuổi.
Ánh sáng đã bỏ con đi và lòng bố mẹ cũng phủ trùm màn đêm tuyệt vọng. Nhiều đêm bà lấy nước mắt bầu bạn, không dám nhìn con vô tư ngủ. Nỗi ám ảnh về những người mù hát xẩm trên chuyến tàu năm xưa ập đến, vây chiếm bà.
Trong nỗi hoang mang, bế tắc, vẫn có niềm vui cứu rỗi là Thu Hương rất ham học và thường đứng đầu lớp. Thu Hương là một trong hai học sinh tiêu biểu được Trường Nguyễn Đình Chiểu chọn tham dự kỳ thi học sinh giỏi cấp thành phố. Bà Hạnh bắt đầu học cách góp nhặt niềm vui như hạt giống ban đầu để gieo trồng khu vườn niềm tin.
“Con bé nhà chị là người tài đấy!”. “Dạ cảm ơn cô giáo, nhưng cháu còn bé lại khiếm khuyết, biết tài thế nào ạ?”. “Tôi nói thật đấy. Tôi chẳng việc gì phải lấy lòng chị cả. Con bé rất có tài”. Cuộc đối thoại ngắn với cô giáo dạy bồi dưỡng môn văn khi bà đến rước con, đã thắp tia hy vọng trong lòng người mẹ. Lo rầu, bi quan chẳng được gì, chi bằng trong bất hạnh, mình tìm ra những điều may.
Thu Hương (bìa phải) cùng các bạn trong chuyến công tác ở Hà Giang
Nếu sáng mắt, mong ước đầu tiên là được nhìn ngắm mẹ
“Con cái là nhất, con trót bị như vậy, phải thương và hy sinh cho con. Xác định thế, mình không tiếc gì khi quên bản thân, thậm chí phải từ bỏ cơ hội thăng tiến trong sự nghiệp. Con ham học, phải góp sức cho nó” - bà Hạnh bộc bạch.
Mỗi buổi tan học, bà đến rước con và luôn nán lại xin đề bài tập. Với môn tiếng Việt thì bà đọc vào băng cassette cho con học. Môn tiếng Anh thì bà lại đem ra hiệu vi tính nhờ người đánh máy, lưu vào USB cho con đọc trên máy tính. Khó nhất là môn toán với tử số, mẫu số, tích phân, đạo hàm ngoặc lớn ngoặc bé… đọc đề sai một tí cũng “hậu quả khôn lường”. Nhiều khi hai mẹ con thức đến tận khuya vì mẹ loay hoay mãi vẫn chưa xong khâu nhập đề bài. Còn Thu Hương với kiến thức vững vàng, tố chất thông minh, nhanh nhạy, làm bài loáng cái đã xong, chất lượng thì “chắc như bắp”.
Chưa hết, các cấp học đều khan hiếm sách giáo khoa chữ nổi, bà phải tìm mua ở tận Đà Nẵng, TP.HCM với giá đắt đỏ. Gia đình viên chức, đồng lương eo hẹp nên để nuôi hai con và đầu tư các thiết bị hỗ trợ cho Thu Hương là một bài toán đau đầu của bố mẹ. Chiếc xe Chaly cũ ra đi đổi lại chiếc máy tính xách tay cũ. Dù chạy xe đạp, mẹ vẫn “tậu” cho con chiếc đàn organ cũ hay máy chữ nổi để con thuận tiện việc học.
Khi còn học cấp II ở Trường Nguyễn Đình Chiểu, một lần Thu Hương kể mẹ nghe bằng giọng buồn rười rượi, rằng bạn ngồi cạnh sẽ phải chuyển chỗ vì bố mẹ bạn không muốn bạn ngồi cạnh học sinh khiếm thị như Thu Hương, sợ phải nhọc công đọc bài hộ. Nghe thương con đứt ruột, ngoài mặt, bà Hạnh xoa dịu tâm trạng, động viên Thu Hương, hy vọng một ngày gia đình bạn ấy sẽ hiểu.
Quả thật, tuần sau đó, Thu Hương kể chuyện này với giọng tươi vui, hào hứng khác hẳn. Số là biết được con mình đã chẳng bị Thu Hương níu áo làm phiền mà còn được Thu Hương giảng bài giúp những phần còn lờ mờ, phụ huynh ấy đã không còn ý định đổi chỗ cho con mình nữa.
Không chỉ có thành tích vượt trội trong học tập, được giáo sư Văn Như Cương nhận vào Trường THPT Lương Thế Vinh và chu cấp hoàn toàn học phí, được đặc cách vào Trường đại học Sư phạm Hà Nội (Khoa tiếng Anh), Thu Hương còn năng nổ hoạt động xã hội với tinh thần xông pha “không có gì là không thể”. Nhân một lần dẫn chương trình song ngữ, Thu Hương bất ngờ nhận được lời mời làm việc từ tổ chức phi chính phủ Samaritan’s Purse dù vẫn còn là sinh viên.
Chuyển hướng ước mơ thuở nhỏ từ giáo viên sang nhà xã hội học, năm 2014, Thu Hương khăn gói du học chương trình đào tạo thạc sĩ ngành phát triển cộng đồng quốc tế theo học bổng toàn phần của chính phủ Úc tài trợ. Gói học bổng trên hai tỷ đồng cho hai năm học, chưa kể kinh phí cấp cho người nhà đi cùng. Lại một chặng đường nữa, bà Hạnh sát cánh bên con nơi xứ lạ quê người.
Đưa con đến trường, bà Hạnh chờ cho đến giờ đón con, bất chấp cái rét cắt da, bất chấp cái buồn nản khi gia đình tạm chia đôi. Bà cồn cào nhớ con gái út khi con phải tự thức dậy, đạp xe đi thi đại học mà không có mẹ bên cạnh. Bà mong con gái út hiểu và không chạnh lòng khi mẹ dồn sức lo cho chị lớn.
Dù không thể nhìn thấy, nhưng hình ảnh người mẹ đạp xe chở con cùng hàng tá thứ: đàn organ, thiết bị con đem vào lớp, rau thịt cá mua ở chợ về… luôn được Thu Hương cất sâu nơi đáy lòng.
Với Hương, mẹ như lạc đà kiên cường thồ hàng băng băng giữa sa mạc. “Mẹ lạc đà” không ngần ngại, không lùi bước, chỉ thẳng tiến. Hương thú thật từng ước nếu mai này được sáng mắt, hình ảnh đầu tiên muốn nhìn thấy là mẹ, cũng chính là tay, là chân, là đôi mắt của mình.
Lúc đầu thấy ngại khi để người thân phải quá vất vả, nhưng Thu Hương dần hiểu ra, rằng ngay cả người khỏe mạnh cũng không thể sống một mình, không cần sự hỗ trợ của ai khác. Quan trọng là bản thân làm được gì để xứng đáng với tình thương.
Mẹ và em gái luôn sát cánh bên Thu Hương (giữa) trên mọi hành trình
Dấu ấn mang tên Đào Thu Hương
- Năm lớp Chín, là một trong 20 học sinh tiêu biểu của Hà Nội.
- Được tập đoàn phần mềm hàng đầu thế giới Microsoft vinh danh “Anh hùng thầm lặng” năm 2008.
- Thủ khoa đầu ra khoa tiếng Anh của Trường đại học Sư phạm Hà Nội.
- Thủ khoa xuất sắc được tôn vinh ở Văn miếu Quốc Tử Giám năm 2010 - kỷ niệm ngàn năm Thăng Long Hà Nội.
- Điều phối viên của tổ chức phi chính phủ Samaritan’s Purse.
- Đồng sáng lập nhóm Điểm tựa: tập huấn kỹ năng, hướng nghiệp… cho người khiếm thị và hỗ trợ cho phụ huynh.
- Hợp tác xuất bản sách kỹ thuật số dễ tiếp cận dựa trên công nghệ DAISY dành cho người khiếm thị.
- Từ giữa năm 2019, công tác tại Chương trình phát triển của Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam (UNDP VN).