"Mẹ không yêu con cũng được"

17/11/2023 - 10:29

PNO - Bọn trẻ sẽ dần lớn lên, sẽ có thế giới riêng của chúng. Tôi giật mình khi nghĩ rằng đứa trẻ năm nào đã trưởng thành thực thụ và phải trải qua rất nhiều ngày tháng nghĩ rằng cha mẹ không yêu chúng mỗi khi chúng làm sai.

- Mẹ không yêu con cũng được, nhưng mẹ đừng buồn nữa được không!

Câu nói ấy của con gái tôi khiến tôi lặng người. Chỉ là con đã chểnh mảng bài tập về nhà, chỉ là tôi đã mắng con vài câu mà tôi vẫn nghĩ mình luôn muốn tốt cho con và mình làm mẹ nên mình có quyền.

Nước mắt con gái tôi lăn ra khi tôi kéo con lại gần và hỏi:

- Sao con lại nghĩ mẹ không yêu con nữa.

- Vì con làm mẹ buồn nhiều lần rồi - Con gái tôi thút thít.

Tôi ôm con vào lòng:

- Biết phải nói thế nào với con nhỉ. Đây này, mẹ chỉ cho con xem vết sẹo mà mẹ đã chịu đựng nỗi đau để sinh con ra, mẹ kể cho con nghe lúc mẹ con ta gặp nhau ở phòng sinh, khi con đỏ hỏn, bé bỏng trong tay mẹ. Và đây nữa, trong điện thoại của mẹ có những tấm hình, clip con lẫm chẫm tập đi, vụng về cầm thìa tập ăn dặm. Có thể không rúc rích gần gũi con toàn thời gian như trước nữa vì con đã dần tự lập, nhưng tình yêu của mẹ với con thì không vơi đi. Ngay khi mẹ buồn vì một việc gì đó liên quan đến con thì không có nghĩa là tình yêu của mẹ vơi đi. Con bé bỏng, con yên tâm rằng mẹ không bao giờ hết yêu con. Vui, buồn, cáu giận là những cảm xúc mà ai cũng trải qua cả. Có người kiểm soát cảm xúc tốt, có người thì không. Vậy thôi.

Con gái bé nhỏ và tác giả
Con gái bé nhỏ và tác giả (ảnh nhân vật cung cấp)

Con gái yên tâm, thôi khóc và lên phòng học bài. Tôi ngồi lại một mình, tự hỏi “mẹ đã làm gì khiến con nghĩ mẹ không còn yêu con nữa”. Chắc hẳn những câu nói của tôi khi nóng giận đã làm tổn thương con - đứa trẻ mới chập chững rèn luyện cả thể chất lẫn tinh thần, sức chịu đựng với cuộc đời vô cùng phức tạp này.

Cảm giác vừa ân hận vừa thương con vây lấy tôi. Dẫu biết, con cần có sức đề kháng tinh thần, cần hiểu và cảm thông cho người khác. Nhưng quả thật, hãy tin ở trẻ em rằng sự tha thứ của chúng dễ chịu và nhanh chóng hơn người lớn rất nhiều lần.

Chúng ta - những người trưởng thành có những hố sâu được đào bằng lời nói khiến cả đời người không bước qua được nữa. Mẹ tôi thường bảo: “Sảy chân, gượng lại còn vừa. Sảy miệng còn biết đá đưa đường nào”. 

Vậy mà tôi đã ỷ lại vào sự “vị tha của con trẻ”, vào tình yêu và sự phụ  thuộc gần như tuyệt đối của con. Tôi đã nói những gì, đã biểu hiện ra sao để đứa trẻ được mình sinh ra lại nghĩ “mẹ không yêu con cũng được”. Và tim tôi nhói lên khi con chỉ cần “mẹ không buồn”, con chấp nhận không được mẹ yêu.

Bọn trẻ sẽ dần lớn lên, sẽ có thế giới riêng của chúng. Tôi giật mình khi nghĩ rằng đứa trẻ năm nào đã trưởng thành thực thụ và phải trải qua rất nhiều ngày tháng nghĩ rằng cha mẹ không yêu chúng mỗi khi chúng làm sai. Tôi thường nói với các cháu gái đã lớn của mình rằng chọn chồng thì phải có nền "tảng vật chất" (vật chất ở đây được hiểu là khả năng kiếm sống, lao động, có ý chí vươn lên) và tình thương yêu. Gia đình chỉ có 2 loại bi kịch phổ biến đó là: không có tiền và không có tình thương.

Tôi cũng từng chứng kiến một vài gia đình vô cùng giàu có nhưng không có sự kết nối gia đình. Nói với nhau dăm ba câu đã hết lời. Sợi dây giữa họ thật lỏng lẻo. Vậy mới biết, việc kiểm soát cảm xúc của mình khi chăm sóc dạy bảo con quan trọng biết nhường nào. Để đứa trẻ lớn lên khỏe mạnh thông minh, giỏi giang đã khó, để con giữ được tình yêu với gia đình trọn vẹn còn khó hơn nhiều. Sau câu nói ấy của con, tôi ân hận và tự nhủ, mẹ sẽ sửa mình, sẽ học cách làm mẹ từ lời ăn tiếng nói. Ông bà ta nói không sai: “Nhìn cây sửa đất, nhìn con sửa mình”.

Hoàng Hiền

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI