Mẹ không yên tâm cho con tự đi xe máy

26/07/2020 - 17:16

PNO - Cháu đề xuất ý kiến là xin được tự lái xe máy (50 phân khối) đi học để mẹ đỡ vất vả đón đưa, nhưng mẹ không đồng ý.

Kính gửi chú Ti Vi 

Chú Ti Vi ơi, nhà cháu ở sát bên trường cấp I, còn trường cấp I thì sát bên trường cấp II. Suốt những năm học cấp I và cấp II, cháu chỉ có mỗi việc là đi bộ đến trường và từ trường về nhà, chưa từng biết cảm giác được bố mẹ đưa đón là gì.

Bố mẹ cháu ly hôn đã lâu. Cháu sống với mẹ. Công ty của mẹ khá xa nhà, vì vậy việc chị em cháu có thể tự đi học ngày hai lượt là một điều hoàn toàn may mắn của mẹ. 

Mẹ bảo nhờ nhà gần trường mà mẹ đỡ được khoản đưa đón các con, thời gian đó, mẹ có thể ở lại làm thêm việc, kiếm thêm tiền để lo cho mấy chị em ăn học. Nhưng cháu vừa kết thúc chương trình cấp II và cũng vừa hoàn thành xong cuộc thi tuyển sinh vào lớp Mười. Nếu cháu đậu nguyện vọng I, cháu sẽ trở thành cô nữ sinh cấp III của một ngôi trường trung học cách nhà gần 10 cây số.

Điều đó cũng có nghĩa là mẹ cháu sẽ vất vả hơn vì phải đưa đón cháu mỗi ngày. Từ công ty mẹ về đến trường cháu học cũng mất gần một tiếng đồng hồ. Giờ đó mẹ lại chưa tan ca.

Cháu đề xuất ý kiến là xin được tự lái xe máy (50 phân khối) đi học để mẹ đỡ vất vả, nhưng mẹ không đồng ý vì cảm thấy không yên tâm. Chú Ti Vi thấy giải pháp của cháu có ổn không? Nếu chú thấy ổn thì làm cách nào để thuyết phục mẹ hả chú?

Cháu Đi Bộ

Ảnh minh họa
Được đi xe máy tới trường là mong ước của nhiều học sinh. Ảnh minh họa.


Cháu Đi Bộ thân mến,
Thư của cháu khá là lù mù phần giải pháp của hai mẹ con. Nếu mẹ cháu không đồng ý cho cháu tự đi xe máy, rồi giờ đón cháu thì mẹ cháu chưa tan ca, vậy giải pháp của mẹ cháu là gì? Nếu nguyện vọng 1 của cháu là một ngôi trường cách nhà 10 cây số, thì nguyện vọng 2 có gần nhà cháu hơn không, hay lại xa hơn?

Nếu đó là một ngôi trường gần nhà hơn, thì cháu xem thử có nên về đó không để có thể đi xe đạp hoặc thậm chí đi bộ. Trường nguyện vọng 1 cách nhà những 10 cây số theo chú là quá xa. Thời gian di chuyển quãng đường đó mỗi ngày có lẽ nên để dành cho ôn bài, đọc thêm, hoặc nghỉ ngơi… thì tốt hơn. 

Đành rằng trường nguyện vọng 1 là tốt hơn về mặt học hành, nhưng hãy nghĩ tới nhiều học sinh ở tỉnh xa, trường các bạn ấy học so với trường ở thành phố lớn dĩ nhiên là không bằng, thế mà các bạn ấy vẫn học rất giỏi, trong những kỳ thi lớn còn đánh bại cả học sinh đến từ các thành phố lớn.

Học giỏi hay không phụ thuộc rất lớn vào sự tự học của mỗi học sinh, nhất là trong thời đại bây giờ, tài liệu trên mạng cũng như sách vở rất nhiều, ai muốn học giỏi thì chỉ cần chăm và tận dụng hết nguồn lực ấy, không cần phải vượt 10 cây số ngày hai bận vất vả mới gặp được thầy hay.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tuy nhiên, chú đang nghĩ, biết đâu điều cháu muốn hỏi chính là: “Liệu cháu có nên đi xe máy chưa?”, việc nhà gần hay xa chỉ là một cái cớ.

Theo quy định, đủ 16 tuổi (tính theo tháng sinh) cháu có thể đi xe máy dưới 50cc (như xe đạp điện). Đúng 18 tuổi có thể đi xe máy từ 50cc trở lên, dĩ nhiên phải có bằng lái. Chú không rõ đến ngày vào cấp III thì cháu đã đủ 16 chưa, và đường từ nhà đến trường có đông xe và nguy hiểm lắm không?

Nhưng đi được xe máy chưa hẳn đã có thể tham gia giao thông. Nhiều thiếu niên rất cao, rất khỏe, bố mẹ cứ thế liều giao xe, nhưng không biết rằng phản xạ của “trẻ trâu”, cách xử lý tình huống, độ tập trung khi điều khiển… của các em còn rất non nớt. Mẹ cháu không yên tâm khi cháu xin được đi xe máy là rất có lý: mẹ không những lo cho cháu, mà còn lo cho những người đi gần cháu.

Kiểu gì rồi lớn lên cháu cũng phải đi xe máy. Chú cho rằng xe máy là một phương tiện rất phù hợp với đô thị Việt Nam hiện nay: đường sá hẹp, nhiều hẻm nhỏ, trên đường về còn tạt ngang tạt ngửa nào đi chợ, nào đón con. Có nhiều người vì lý do này lý do nọ mà hoàn toàn không đi được xe máy thành ra rất phụ thuộc, quả là hết sức bất tiện.

Tuy nhiên, kiểu-gì-cũng-phải-biết-đi-xe-máy là việc khi cháu đã lớn, còn hiện giờ cháu đang ở lứa tuổi lỡ cỡ, loại xe được quyền điều khiển cũng lỡ cỡ, mẹ cháu lại không an tâm… thì theo chú, tốt nhất hiện nay là cứ theo phương án của mẹ, bất kể phương án đó là gì, rồi khi bất tiện phát sinh thì các giải pháp thay thế mới thuyết phục được mẹ cháu.

Cuối cùng theo chú, trong mọi tình huống thì an toàn cho thân thể là quan trọng nhất, làm cho mẹ không phải lo lắng là quan trọng nhì, vào trường này hoặc trường kia chỉ là cái đi sau, không quá quan trọng. Chú đã từng vật lộn để chui vào một trường giỏi nhất quận, và đến khi vào được rồi thì nó tụt luôn xuống hạng nhì!

Chúc hai mẹ con cháu có được một giải pháp hài hòa và nhẹ nhõm.

Chú Ti Vi

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI