Thời chưa bao giờ đi nước ngoài, tôi rất tò mò về cuộc sống của những phụ nữ ngoại quốc hoặc phụ nữ Việt lấy chồng Tây. Họ có cuộc sống gia đình khác biệt ra sao nhỉ?
Tôi hay nghe ngóng những câu chuyện người ta kể về việc ấy, cứ nghĩ phụ nữ Tây sống thoáng lắm và trong gia đình Tây, mỗi người đều độc lập, dù là mẹ con thì cũng không bao giờ sống dựa dẫm vào nhau. Nhất là việc không ai dòm vào ví tiền của ai cả. Nhưng khi sang đến châu Âu, trải nghiệm cuộc sống gia đình phương Tây, tôi mới thấy thực tế không hoàn toàn giống như những lời đồn.
Vẫn có những người con rất biết cách lợi dụng bố, mẹ. Có những người con vẫn tìm cách điều khiển bố mẹ trong vấn đề tài chính. Tuy nhiên, việc có để con sử dụng tiền của mình hay không, để con điều khiển mình hay không lại tùy vào từng người bố, mẹ.
|
Cứ ôm con trong lòng thì con lớn khôn sao được? Ảnh minh họa |
Người phương Tây sống không phụ thuộc vào con, khi già yếu, bệnh tật và đi lại khó khăn thì vào nhà dưỡng lão để có người chăm sóc chuyên nghiệp. Một thời gian tôi có dịp sống tại Ille sur Têt, một thị trấn cổ thuộc tỉnh Pyrénées-Orientales miền Nam nước Pháp, tôi biết một phụ nữ gần 70 tuổi, bà Merry Foster. Bà đã về hưu và sống một mình vì vợ chồng bà đã ly hôn từ bốn năm trước.
Merry có hai con trai đã đi làm nhưng chúng cũng sống riêng. Con trai thứ hai của Merry một dạo xin về ở chung với mẹ vì bị mất việc, phải sống bằng trợ cấp thất nghiệp. Tuy thất nghiệp nhưng cậu ta vẫn hút thuốc lá, uống rượu vang và sắm những món đồ dùng đắt tiền.
Ở với mẹ để tiết kiệm tiền nhà và tiền ăn, cậu thứ hai còn xin mẹ hàng tháng cấp cho 300 euro trong thời gian cậu chưa tìm được việc. Merry cương quyết từ chối, và sau ba tháng cho con ở nhờ nhà mình, bà gợi ý con nên đi tìm nhà thuê, bởi, “mẹ không thể nuôi con mãi được. Trai tráng như con mà lại ăn bám vào một bà già về hưu là thiếu đạo đức”.
Cậu con bà Merry nấn ná thêm một thời gian nữa, thấy mẹ cương quyết quá nên đành đi tìm nhà trọ xa hơn trung tâm để thuê cho rẻ. Hơn một tháng sau khi chuyển đi, cậu tìm được việc làm mới, chuyên đi rải tờ rơi quảng cáo cho một hãng hàng tiêu dùng.
Có thể cách hành xử với con của bà Merry sẽ khiến những bà mẹ Việt cho là quá đáng - đuổi con đi trong lúc con khó khăn như thế là ác, trong khi nhà bà Merry khá rộng, có tới hai phòng ngủ bỏ trống mà lại đuổi con đi thuê chỗ khác ở!
Tuy nhiên, ngẫm ra, mẹ Pháp không ôm ấp con như mẹ Việt. Cứ ôm con trong lòng mãi như thế thì con lớn khôn sao được. Phải tàn nhẫn đẩy con ra đường như thế, con tự ngã tự đứng dậy thì mới có thể trưởng thành.
|
Mẹ Tây thương con nhưng không úm con. Ảnh minh họa |
Ở Bỉ tôi biết một bà mẹ khác, bà Lucie Valmy, hơn 70 tuổi, sống một mình vì chồng mất đã hơn 20 năm. Bà có ba con trai, đều đã lập gia đình riêng và sống cách thành phố Leuven, nơi bà ở tới 30 cây số. Bà Lucie sống trong một ngôi nhà hai tầng rất rộng, có ba phòng ngủ, hai bếp và hai phòng sinh hoạt chung.
Do diện tích ở rất rộng, tiền đóng thuế nhà hàng năm lên tới gần 4.000 euro. Trong khi đó bà không dùng hết các phòng ở nên rất lãng phí. Các con trai bà bàn ra tán vào. Chúng cho rằng mẹ đang ném tiền qua cửa sổ, dù đó là tiền của mẹ.
Theo ý các con, thì cách hay nhất mà mẹ nên làm là bán ngôi nhà lớn ở thành phố đi, sẽ thu được khoản tiền tới 400.000 euro, mẹ có thể chia cho các con một nửa, sau đó mua một căn hộ nhỏ chỉ chừng 100.000 euro là đủ sinh hoạt, lại đỡ phải dọn dẹp nhiều. Các con của mẹ còn trẻ, đang cần tiền để sửa nhà cho tiện nghi hơn, để mua xe hơi tốt hơn, rất nhiều thứ cần đến tiền. Trong khi đó mẹ cứ ở một ngôi nhà rộng, thật
phí hoài!
Tuy các con ý kiến ý cò như vậy, thậm chí vài lần đã nói thẳng với mẹ Lucie, nhưng bà kiên quyết không bán nhà. Lý do thứ nhất là khi còn sống, mẹ không thể chia tiền cho các con. Lý do thứ hai, là ngôi nhà này do bố mẹ xây, tâm huyết chọn từng viên gạch lát nền, từng thanh gỗ lót cầu thang, và mẹ cùng bố đã gắn bó với ngôi nhà quá lâu và yêu nó mất rồi. Mẹ sẽ sống và chết ở ngôi nhà này, không bán không chuyển đi đâu cả.
Bà Lucie có lý của mình. Ngoài vấn đề tình cảm với ngôi nhà, thì khi bà còn giữ tiền trong tay, bà còn nắm quyền lực với các con. Dù chúng có tốt bụng hay không, thì khi bà có tiền, chúng vẫn nể bà hơn. Thỉnh thoảng bà tới thăm chúng, mua quà cho chúng, còn được con cháu đón mừng. Nếu bà bán nhà, chia hết tiền cho con cháu, bà không còn gì để chúng trông mong, chờ đợi, biết đâu chúng sẽ hắt hủi bà?
Không ai có thể lường hết được sự đời sẽ biến chuyển ra sao. Vì thế, là phụ nữ cần phòng thân trước hết.
Tiểu Kiều