Mẹ không thể chăm sóc đứa con riêng

25/10/2023 - 11:17

PNO - Dù hứa với chồng sẽ chăm sóc đứa con mà ông lo lắng nhất, nhưng chỉ vài tháng sau khi ông ra đi, bà đã mỏi mệt, căng thẳng...

 

Mỗi nhà mỗi cảnh, đôi khi người trong cuộc phải ra những quyết định khiến người ngoài khó hiểu (ảnh minh họa)
Mỗi nhà mỗi cảnh, đôi khi người trong cuộc phải ra những quyết định khiến người ngoài khó hiểu (ảnh minh họa)

Anh bạn thân hẹn gặp tôi ở quán cà phê, ôm đầu kể về những rắc rối đang gặp với mẹ anh. Bà lấy ba anh sau khi ông đã có 2 con với người vợ trước, trong đó có người con trai bị bệnh tâm thần.

Vài năm sau, người vợ cũ của ba qua đời, 2 con về sống cùng ba mẹ anh. Dù khá vất vả với người anh bệnh tật nhưng 6 người trong nhà anh vẫn sống với nhau vui vẻ trong suốt hơn 30 năm, cho tới khi ba anh qua đời.

Trong lúc hấp hối, ba anh dặn các con chăm lo cho người anh trai, đừng bỏ bê anh Hai. Dĩ nhiên, cả nhà anh gật đầu hứa với ba. Thế nhưng, chỉ vài tháng sau, mẹ anh tỏ ra mệt mỏi, căng thẳng vì phải ở cùng đứa con riêng bệnh tật của chồng.

Dường như ba anh ra đi đem theo luôn sự cố gắng của mẹ trong từng ấy năm sống cùng con riêng của ông. Bà trút những bực bội của mình xuống các con. Lần nào, vợ chồng anh về, bà cũng lớn tiếng càu nhàu. Ban đầu là những lời than vãn cực nhọc, sau là la mắng, sau nữa là những lời như nguyền rủa, gọi con riêng của chồng là của nợ, sống làm khổ người khác…

Anh hiểu, mẹ anh gần 80 tổi, ở cùng với người con riêng của chồng đã gần 60 tuổi - tức anh trai anh cũng đang già đi - là vô cùng khó khăn. Cơm nước mỗi ngày, giặt giũ, dọn dẹp nhà cửa và chăm sóc người bị bệnh tâm thần đâu dễ dàng gì… nên mọi thứ đều là gánh nặng đối với mẹ anh.

Ban đầu anh cố gắng động viên mẹ, rằng vợ chồng anh sẽ thường xuyên về để phụ mẹ lo cho anh. Giải thích tâm linh cho bà được an ủi, rằng anh trai bị bệnh vậy giống như gánh hết xui rủi nên những việc khác an ổn thuận lợi…  Nhưng đến khi mẹ anh dùng lời lẽ nặng nề hơn như: “Tao với nó đâu có máu mủ ruột rà gì, sao tao phải lo cho nó” thì bạn tôi có chút thất vọng về mẹ.

“Hơn 40 năm sống chung một nhà không đủ để mẹ xem anh ấy là con ruột của mình hay sao”, đây là nghĩ thầm, chứ bạn tôi không dám nói ra. Anh lại tiếp tục trong dòng suy nghĩ tiêu cực ấy: rốt cuộc, 40 năm qua, mẹ đã sống thế nào để che đậy sự mệt mỏi khi chăm sóc người con riêng bệnh tật của chồng?

Vài ngày sau, anh điện thoại nói với tôi về kế hoạch gửi anh trai vào trại tâm thần. Khi thấy việc vợ chồng anh thường xuyên về nhà mẹ để lo mọi việc cho anh trai thì mẹ anh cũng không bớt căng thẳng. Coi ngó đứa con bệnh đối với bà đã là quá sức, thêm việc tự giữ gìn sức khoẻ cho chính mình ở tuổi gần 80, mẹ phải rất cố gắng.

Bạn tôi áy náy vì đã nghĩ đã có lúc nghĩ không tốt về mẹ. Cũng may, bạn là người biết cân nhắc kỹ trước khi đưa ra các quyết định có nhiều ảnh hưởng đến người khác.

Mẹ anh không thể chăm sóc người con riêng của chồng như hồi bà còn trẻ, cũng không thể để anh Hai về sống ở nhà các người con còn lại, vì ai cũng bận đi làm, người tâm thần ở nhà một mình rất nguy hiểm. Vậy nên, bạn tôi bàn với gia đình đưa anh trại vào trại tâm thần. Một quyết định khó khăn nhưng đó là giải pháp tốt nhất cho gia đình.

Khi đưa anh Hai vào trại, nhìn gương mặt ngây ngô, hồn nhiên của thành viên không may mắn của gia đình, ai cũng rơi nước mắt. Những ngày sau, mẹ anh luôn miệng nói: “Nhớ anh Hai các con quá”. Những lúc đưa mẹ đi thăm anh trai, bạn tôi đều thấy tình thương trong ánh mắt của bà dành cho người con riêng của chồng, chỉ là bà không còn đủ sức chăm sóc anh, nên cũng nhẹ lòng. Mỗi nhà mỗi cảnh, nhiều khi không phải người ta không đủ tình thương, mà có những lúc buộc phải sắp xếp việc nhà như những kẻ lạnh lùng để phù hợp với hoàn cảnh.

Bạn tôi lại bàn thờ ba, thắp nén nhang báo cho ông biết anh trai vẫn ở yên ổn trong trại và được chăm sóc y tế tốt. Cả nhà anh vẫn giữ lời hứa với ba nhưng theo cách khác...

Mai Hoa

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(3)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI