Thuở ấy, tôi đọc sách, coi phim, thấy hình ảnh mẹ ôm con vào lòng, thơm lên má, lên tóc, mẹ con trò chuyện nhẹ nhàng âu yếm, những lời thương nhớ nói ra rất trơn tru, dễ dàng. Tôi khát thèm, tôi ao ước, tôi so sánh, tôi chạnh lòng…
|
Làm mẹ khó lắm! |
Hồi bé, mỗi khi có ai hỏi thăm gia đình mình, lòng tôi lại đầy hờn tủi. Kiểu như, nhà mình không mấy vui vẻ, ba mẹ hay cãi cọ nên không khí luôn nặng nề. Mẹ tôi vốn ít nói cùng con những lời dịu dàng.
Mẹ tôi không đi làm, chỉ ở nhà làm nội trợ, nên tính hay suy diễn, nóng nảy. Ba tôi hay nhậu, mỗi lần về là ba mẹ hay cãi cọ ầm ĩ. Lớn lên trong cảnh đó, nên tôi hay muộn phiền, thầm trách mẹ không biết giữ lửa cho gia đình, chẳng biết câu “cơm sôi nhỏ lửa”.
Tôi nhìn sang những đứa bạn có mẹ đưa đón, có mẹ làm ở cơ quan hoặc công ty này nọ, rồi nghĩ: có khi do mẹ không gánh vác kinh tế, nên tôi không có cơ hội được nở mặt nở mày, sống đơn giản, thiếu thốn… Mỗi khi mẹ mắng mỏ, trong tôi luôn có một tiếng nói phản kháng lại, từng câu chữ, nhưng vì không thốt ra thành lời, nên nó âm ỉ.
Tôi thấy mẹ mình không cao cả vĩ đại, dịu dàng như thơ như sách, như hình ảnh tôi luôn mơ mộng… Vô số lần mẹ khiến tôi thất vọng, bởi tôi nghĩ, đã làm mẹ thì phải khác chứ, không thể nóng giận vô lối, chẳng bạ đâu cũng la rầy, phải tâm lý, phải âu yếm chăm sóc đoán biết các nhu cầu tâm tư của con trẻ. Mẹ là phải như vậy chứ!
Những suy nghĩ ấy, tôi chưa từng nói ra mà ghim gút trong lòng, thành nỗi chông chênh và mặc cảm khi ra đời. Tôi gắng học để thay đổi cuộc sống của chính mình. Kiếm một việc làm ổn định, lựa chọn người yêu kỹ lắm. Tôi không muốn đi lại con đường của mẹ mình.
|
Làm mẹ cũng vui lắm |
Rồi tôi kết hôn, sinh con.
Tôi ngỡ ngàng hiểu ra, làm mẹ không đơn giản chút nào! Khi con còn bé, ức chế vì nó ăn xong bị ọc, thức đêm ngủ ngày, quấy khóc đau bệnh quanh năm. Khi con lớn lên chút, đối diện với “hội chứng trẻ lên ba”, nó ngang ngạch, lì lợm khó bảo. Rồi luẩn quẩn mà nhanh, đứa lớn đã chạm ngưỡng dậy thì.
Tôi chật vật để nuôi dạy con, bên cạnh còn có chồng. Anh tuy cũng nhậu nhẹt, dù chắc còn đỡ hơn ba tôi ngày ấy, tiền lương cũng giao nộp cho vợ, nhưng tôi vẫn thấy mình sao mà khổ sở vất vả quá, nhiều lúc tự hỏi, vì đâu mình lại vướng vô mấy cái nợ đời này hở trời!
Rất nhiều lần, băn khoăn, mình đã sai ở đâu, mình vì sao chẳng giữ nổi sự kiên nhẫn lẽ ra phải có. Điều gì đủ sức biến một cô gái ngọt ngào lãng mạn thành bà mẹ hai con thường xuyên cáu bẳn, lắm khi quát tháo ầm ĩ thế này? Tôi đến ngủ cũng không đủ giấc, luôn chập chờn mỏi mệt, căng thẳng áp lực đủ thứ. Lúc nào cũng thấy vội vã tất bật đến khó tin. Tôi càng không biết đến khi nào thì có thể thoát khỏi tình cảnh ấy…
Mà số con tôi có chỉ bằng non nửa số mấy chị em tôi hồi trước. Tôi có người giúp việc nhà theo giờ, tôi không phải hoàn toàn mong ngóng tiền chồng, tôi có máy hút bụi, máy giặt, máy nước nóng, lò vi sóng, bếp ga, máy lạnh, cây lau nhà thông minh…
Những thiết bị mà xưa kia mẹ tôi chưa từng tưởng tượng tới. Tôi có danh bạ điện thoại với ăm ắp các liên lạc hỗ trợ hiện đại bây giờ. Cả sách vở và các diễn đàn về nuôi dạy trẻ nữa. Tôi được ăn học đàng hoàng, có kiến thức để hiểu rõ mình nên và không nên làm gì với hai đứa con nghịch ngợm như giặc cỏ của mình. Thế mà…
Tôi cũng muốn ra ngoài gặp bạn bè. Tôi thèm được học thêm vài ba thứ. Những đam mê sở thích mà bây giờ, khi cuộc sống không còn quá thắt chặt, tôi mới nhận ra đời qua nhanh quá, tôi chưa kịp thực hiện. Nếu đi du lịch mà chẳng dắt con theo, có phải là tôi ích kỷ?
Tôi còn trẻ, tôi vẫn ham vui ham chơi, tôi muốn con ngoan ngoãn ở nhà với người giúp việc. Đừng thắc mắc hay trách mẹ trách ba là bỏ mặc chúng đi suốt. Tôi còn cuộc đời của tôi để sống cho ra cái hồn người nữa chứ!
“Mình đi chơi mà, mẹ cười lên đi mẹ!”, con tôi níu tay mẹ, nói như van vỉ. Tôi giật mình ngó lại bản thân. Vẻ cau có nhàu nhĩ ấy, vì đâu mà chưa tới mười năm, tôi đã khoác lên người? Nét mặt vì sao cứ căng ra vì luôn phải lo trước ngó sau, la đứa này, nhắc đứa kia.
Con tôi lâu lâu cũng được mẹ đọc sách cho nghe, được mẹ gãi lưng hoặc ôm ấp, nhưng bù lại, tôi thấy mình sẵn sàng gào thét cao giọng, thậm chí bộp cho nó vài phát hay trút roi trong cơn điên cuồng. Để rồi sau đấy, mới thấy nỗi muộn phiền xót xa quanh quẩn tới bế tắc của mình…
“Sao mẹ dễ tức giận vậy?”, đứa con gái lớn lựa lúc tôi vui vẻ đã buông câu hỏi ấy. Tôi thở dài, chỉ muốn bật khóc lập tức. Rồi thì tôi ôm con vào lòng, thì thầm rằng: “Vì mẹ cũng chỉ là một người bình thường thôi. Mẹ không phải siêu nhân, con à…”.
Tôi bỗng chợt nhớ, mình từng có nhiều năm tháng âm thầm oán giận mẹ.
Vũ Anh