Mẹ không phải là người phục vụ

23/07/2021 - 09:50

PNO - Sang ngày thứ ba giãn cách, mỗi sáng, ba xem lướt tin tức, làm việc… rồi tắt laptop, xuống bếp xem có việc gì phụ giúp mẹ được không.

Ba luôn tự hào mỗi khi nhắc đến hai đứa con gái với mọi người. Hai chị em sinh đôi xinh xắn, thông minh, học giỏi như nhau. Con gái gần gũi mẹ, lúc nào ở nhà cũng quấn lấy mẹ rủ rỉ đủ thứ chuyện.

Mẹ là người nhu mì đảm đang, ba hoàn toàn yên tâm khi mẹ chăm sóc, dạy dỗ các con. Chỉ cần con học được một nửa vén khéo của mẹ là đủ để ba hãnh diện.

Nghỉ cách ly ở nhà tránh dịch, rảnh rỗi quan sát, ba giật mình nhận ra đã dành quá ít thời gian cho con cái. Mỗi tuần được ở nhà ngày Chủ nhật, nếu không nghỉ ngơi thì ba vùi đầu vào mớ việc dở dang, vậy nên chuyện đơn giản trong nhà tưởng biết hết nhưng hóa ra ngược lại. 

Ba quan sát bữa ăn sáng. Hai chị em thức dậy rất sớm theo thói quen, vệ sinh cá nhân xong là ôm điện thoại suốt. Mẹ một mình loay hoay trong bếp. Ba cha con đều ở nhà nên mẹ nấu ăn kỹ hơn, lâu hơn. Vậy mà chẳng có ai góp tay giúp đỡ.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Nấu xong, mẹ chia từng phần, dọn sẵn muỗng đũa, gọi năm lần bảy lượt con mới ngồi vào bàn. Kết thúc bữa ăn, chén bát ngổn ngang, một tay mẹ dọn rửa. Rồi mẹ vệ sinh bếp, lau nhà, giặt giũ, chuẩn bị nấu bữa trưa… Mẹ hoạt động cả ngày, chỉ tranh thủ chợp mắt khoảng nửa giờ giữa trưa.

Ba nghĩ đến việc mẹ phải làm việc liên tục như thế, ngày này qua ngày khác, không có cuối tuần, không nghỉ lễ, thậm chí cuối tuần và những dịp lễ mẹ còn cực nhọc hơn nhiều. Ba bận làm, con bận học, chẳng người nào chia sẻ công việc của mẹ. 

Đến bữa ăn, ba cha con vô tư khen món này ngon, chê món kia dở, đôi khi còn không đụng đũa đến những món mẹ mới thử nghiệm khi trông chúng không hấp dẫn.

Mẹ như một người phục vụ cần mẫn, để ý món nào cả nhà thích thì nấu thường xuyên, món nào nhiều lần dư, sẽ không nấu nữa hoặc thay đổi công thức cho phù hợp. Chẳng ai nhìn thấy nỗ lực của mẹ, có thấy cũng xem như đó là việc đương nhiên mẹ phải làm. 

Ở nhà tránh dịch ba mới biết, các con không có chút kinh nghiệm nào về nội trợ. Con học giỏi, năng nổ với các hoạt động ngoại khóa ở trường nhưng không quan tâm việc nhà.

Mẹ thường xuyên nhắc đi nhắc lại nhiều lần việc dọn vệ sinh phòng riêng, con vẫn phớt lờ. Là con gái đã lớn, đến chỗ ngủ của bản thân cũng không giữ được tươm tất sạch sẽ thì thật tệ.

Với lý do để con có thời gian học hành, mẹ một mình gánh vác mọi thứ. Học rất quan trọng, nhưng đâu có ai quanh năm suốt tháng chỉ biết học mà không để ý gì đến xung quanh, nhất là cuộc sống gia đình.   

Ba nhận ra bản thân có lỗi. Là trụ cột tài chính của gia đình, dành hết thời gian để kiếm tiền, ba đã tự cho phép mình không tham gia các việc vặt trong nhà. Ba có lý do, hai đứa con gái cũng có lý do, cuối cùng mẹ là người vất vả nhất.

Nhưng nhìn lại, con có quá nhiều thời gian để online tán gẫu, ba vẫn được một ngày Chủ nhật thảnh thơi nếu ba muốn. Tại sao không có ai giúp đỡ mẹ phần nào? Phụ lặt mớ rau, rửa thau chén không là gì so với quá nhiều việc chi ly mà mẹ đảm trách trong ngày, nhưng sẽ khiến mẹ vui.

Nếu quan tâm tới mẹ, các con sẽ không ngúng nguẩy chê món ăn không hợp khẩu vị, không cằn nhằn khi một hôm nào đó do vội vàng hoặc quá mệt mà mẹ lỡ tay nêm mặn. Mẹ là mẹ, không phải người phục vụ trong gia đình.

Sang ngày thứ ba giãn cách, mỗi sáng, ba xem lướt tin tức, làm việc… rồi tắt laptop, xuống bếp xem có việc gì phụ giúp mẹ được không.

Ba không quên tạt ngang phòng từng đứa, lần lượt gõ cửa. Hiếm khi phê bình dạy dỗ nhưng lúc ba đã lên tiếng thì đứa nào đứa nấy cúi mặt vâng lời, không dám lý luận lòng vòng như khi nói chuyện với mẹ. Ba biết, để dạy được con cái, ba phải thay đổi bản thân trước. 

Việt Quỳnh 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI