Mẹ không giàu, không giỏi, không đẹp

15/04/2023 - 19:56

PNO - Các tiêu chuẩn xã hội không chỉ gây sức ép lên người lớn. Những đứa trẻ trong môi trường lớp học, nhóm trẻ trong khu dân cư, nhóm con đồng nghiệp… đã sớm va phải chúng. Đừng vội la mắng hay rầu rĩ khi con chê bai hoàn cảnh gia đình, hình thức cha mẹ. Càng không nên để áp lực của con biến thành áp lực của bạn.

 

Ảnh mang tính minh họa - Internet
Ảnh mang tính minh họa - Internet

Con chê cha mẹ khó

Một đứa trẻ ra đời trong vòng tay yêu thương của cha mẹ rất nhanh chóng nhận ra nó là trung tâm của gia đình. Khi bước ra ngoài, thấy những trung tâm khác có vẻ hay hơn, trẻ bỗng quay lại phán xét, đòi hỏi cha mẹ.

Thử quan sát một đứa trẻ lên 5. Nó vùng vằng trước cổng trường mầm non vì mẹ tới đón bằng chiếc xe Lead cũ và mũ áo sùm sụp. Sau đó, mẹ bắt nó trùm đủ thứ lên người rồi chở về nhà.

Trong khi đó, cách vài mét là đứa bạn cùng lớp khoan khoái bước lên chiếc xe Mercedes màu đỏ bóng loáng. 5 tuổi, nó đã đủ trí óc để nhận thức “mùi giàu sang”. Không thể nói với nó rằng giữa chiếc Honda Lead và chiếc xe hơi đời mới, máy lạnh phà phà kia chẳng có gì khác biệt.

Chưa hết, về hình thức, nó thấy hình ảnh đối nghịch khi mẹ nó vừa mập vừa già, vẻ mặt khắc khổ còn mẹ của người bạn kia chẳng khác gì một bà hoàng lộng lẫy, thơm tho.

Đứa trẻ vẫn tiếp tục dán mắt vào bà mẹ kia và vùng vằng khi mẹ đỡ nó lên chiếc Lead trong tiếng giục quen thuộc. Bỗng nó thốt ra câu hỏi khó: “Sao mẹ không đón con bằng xe hơi đỏ như nhà bạn S.?”.

Mẹ nó lần đầu nghe câu ấy thì phá lên cười. Nhưng rồi thêm vài lần con hỏi han, chị bắt đầu nắm được từ con chuyện nhà bạn này giàu, bạn kia khoe cha mẹ làm nghề sang chảnh, lương cao, ở biệt thự… Chị chuyển từ “quê xệ” sang lo lắng. 

Dạy con thế nào để bé không chê cha mẹ, không so sánh mẹ với những người mẹ “chuẩn chỉnh” khác? Làm thế nào để con không tự ti với bạn khi điều kiện nhà mình không bằng?

Người mẹ lên mạng xã hội đăng tâm tư, hàng trăm bình luận của bạn bè cho thấy chuyện con cái nhìn về cha mẹ cùng quan điểm của cha mẹ thời nay hóa ra không hề đơn giản.

“Mẹ biết mẹ buồn đó. Nếu mẹ nó nhặt rác, bán vé số thì con cũng chê mẹ à? Cứ thế, chuyện này sẽ trôi tới đâu?” - một giáo viên bình luận dưới bài viết của người mẹ đi xe Lead. Rất nhiều bà mẹ hiện đại khác thì cảm thán “Căng quá!”. Vì quả thực việc con chê mẹ, không tự tin vì mẹ là không cá biệt. Có người giận dữ: “Nếu nhìn trên diện rộng, là ý thức của cả một lớp thanh thiếu niên vô ơn, không biết điều”. Nhiều người khác lại chỉ ra lỗ hổng văn hóa và giáo dục…

Thử giải mã 

Từ khi mỗi gia đình chỉ có 1 đến 2 con, không ít chuyên gia tâm lý và xã hội học bắt đầu cảnh báo tình trạng “yêu con vô điều kiện”. Họ cho rằng điều này có thể dẫn tới việc hình thành tính cách lười biếng, ích kỷ, đòi hỏi không giới hạn… nơi các cậu ấm cô chiêu.

Những kênh truyền thông quá chú trọng sự bóng bẩy hình thức, những clip ngợi ca không ngớt những ai “sinh ra ở vạch đích”, “ngậm thìa vàng” cũng góp phần làm hỏng bọn trẻ. Tụ lại với nhau, những câu chuyện trầm trồ của chúng thường xoay quanh việc tiêu tiền, mua quần áo, điều kiện vật chất, hưởng thụ…

Ảnh mang tính minh họa - Internet
Ảnh mang tính minh họa - Internet

Tuy vậy, khi bị con chê (dù trước mặt hay sau lưng), người mẹ đừng vội buồn hay la mắng con bất hiếu, bởi đứa trẻ sẽ càng xa cách với mẹ và vấn đề không được tháo gỡ. Bạn cần biết vì sao con nghĩ như vậy, từ đó mới có thể điều chỉnh. Hãy bình tĩnh trước mọi phản ứng của trẻ, từng bước tìm hiểu nguyên nhân trước mắt lẫn nguyên nhân sâu xa.

Chính mẹ cũng phải hiểu rằng vấn đề giàu nghèo trong trường học hay ngoài xã hội là… muôn thuở. Trừ độ tuổi nhà trẻ, từ mẫu giáo, lũ trẻ đã có sự quan sát cha mẹ mình với cha mẹ bạn, ông bà mình với ông bà bạn. Tuy nhiên, trẻ còn nhỏ sẽ chú ý nhiều đến hình thức và các biểu hiện hào nhoáng bên ngoài. Tới tuổi tiểu học, chúng sẽ quan tâm hơn tới công việc, cách cư xử của cha mẹ mình - cha mẹ bạn. 

Tới tuổi cấp II, cấp III, trẻ có thể ngầm so sánh nhà cửa, tài sản, mức độ nổi tiếng của phụ huynh; ngay trong những đứa trẻ ngoan nhất vẫn có những lúc không bằng lòng về gia cảnh và cảm xúc này có thể thay đổi. Nếu nhớ lại tuổi thơ, những suy nghĩ của chính bạn về đấng sinh thành, có lẽ bạn sẽ cảm thông với con cái hơn. 

“Ở góc khác, những lời chê của con cái nếu khiến cha mẹ giật mình thì có mặt tốt là giúp cha mẹ điều chỉnh. Áp lực từ con cái sẽ giúp cha mẹ nỗ lực trở thành phiên bản tốt đẹp hơn trong mắt con” là lời bình luận của một phụ huynh khác dưới bài viết của bà mẹ Lead.

Người bạn này phân tích: “Mình thấy rất rõ những đứa trẻ cản mẹ tới gần cổng trường vì ngại bạn bè thấy mẹ mặc bộ đồ ngủ nhăn nhúm. Những đứa khác ngăn mẹ tới các buổi tiệc sinh nhật, các hoạt động ngoại khóa vì sợ mẹ mặc váy ngắn và trang điểm quá lố. Thôi thì nó chê để mẹ nâng cấp lên chứ!”.

Một phần tiến trình phát triển nhân cách 

Trẻ thường hâm mộ, yêu thương và tin tưởng cha mẹ một cách bất chấp ở giai đoạn đầu đời. Rồi khi thế giới của chúng mở rộng hơn, chúng bắt đầu biết đánh giá, phân biệt đúng sai. Điều này sớm hay trễ tùy thuộc hoàn cảnh và tính cách từng trẻ, nhưng là tất yếu trong hành trình lớn lên, để rồi khi được định hướng kịp thời, tác động đúng cách, trẻ sẽ nhận thức một cách chín chắn, trưởng thành.

Nếu quả thật cha mẹ vi phạm các nguyên tắc xã hội như nhậu nhẹt, bạo lực, trộm cắp, nghiện ngập…, đứa con luôn có cảm giác tự ti, muốn che giấu thân phận, dù ở độ tuổi nào. Nhưng nếu con chỉ không tự tin vì cha mẹ nghèo và xấu, có lẽ cách "chữa" sẽ dễ hơn vì nghèo - giàu, xấu - đẹp, giỏi - dốt là những khái niệm linh hoạt theo góc nhìn.

Hãy dạy trẻ rằng nhân vô thập toàn, ai cũng có điểm mạnh, điểm yếu. Có thể mẹ chưa kiếm tiền giỏi hay đẹp bằng mẹ bạn, nhưng mẹ lại dành nhiều thời gian hơn cho con, mẹ có tinh thần vượt khó, mẹ chăm sóc ông bà, mẹ có tài lẻ chưa thể hiện…

Người viết từng chứng kiến một cô bạn sinh viên không nhận quen biết người cha nông dân lam lũ khi ông lên thành phố thăm con, vì trước đó cô lỡ nói với bạn bè rằng cha cô là cán bộ cấp cao. Bị cả ký túc xá chê cười sau sự kiện ấy, cô mất cả bạn thân và mang tiếng tới tận lúc đi làm. Thật may, sau quá trình va đập với đời sống, cô biết trân trọng những giá trị cốt lõi. Trong số 8 đứa con, cô bạn đó trả hiếu cho cha mẹ nhiều nhất qua việc chăm lo ông bà.

Có thể trong thâm tâm cô vẫn còn ý nghĩ nếu cha là cán bộ cấp cao thì cuộc vào đời của cô suôn sẻ hơn. Song, cô đã hiểu ra rằng mỗi khó khăn hay nghịch cảnh đều có những giá trị nhất định. Trong trường hợp này, chính cuộc sống sẽ bắt cá nhân phải học những bài học chữ hiếu muộn màng.

ảnh: văn hường
Ảnh: Văn Hường

Mẹ tự tin - con sẽ tự tin

Cha mẹ thời nay có lẽ vất vả hơn thời xưa vì ngoài nuôi con, chăm sóc con, chuẩn bị cho con điều kiện tài chính, còn phải chịu áp lực từ các tiêu chuẩn của xã hội. Trong đó, mạng xã hội và truyền thông là “tội đồ”. Trẻ có cha mẹ là người nổi tiếng trên truyền thông hoặc mạng xã hội, có cha mẹ giàu và đẹp thường có mức tự tin hơn hẳn những đứa trẻ khác. Nhưng, sự tự tin này cũng dễ thay đổi, bởi khi mình giàu thì có người khác giàu hơn, khi mình nổi tiếng thì có người khác nổi tiếng hơn… 

Hãy chỉ bảo, dạy dỗ con mỗi ngày về cách nhìn nhận chân giá trị; giúp con tự tin về phẩm hạnh, lòng nhân ái, thế giới quan tích cực, tinh thần vượt khó… Hãy tận dụng mạng xã hội và truyền thông để kể cho con nghe về những cô hoa hậu, những ngôi sao một lòng kính trọng người mẹ nhặt rác hay người mẹ quê lam lũ… Hãy cho con hiểu mẹ tự hào điều gì; về khả năng riêng của mẹ, của con; điểm độc đáo của gia đình…

Từ thực tế bạn bè, người viết thấy rõ: bà mẹ nào thừa tự tin thì đứa con cũng thừa tự tin, không hề phụ thuộc vào việc cô ấy có “sang, xịn, mịn” theo tiêu chuẩn của số đông hay không. Nếu sở hữu quan điểm sống tích cực, người mẹ sẽ không bị chi phối bởi những đánh giá bên ngoài, sự tự tin từ mẹ sẽ truyền sang con. 

Châu Giang

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI
  • Thương hoài tóc vấn khăn lươn

    Thương hoài tóc vấn khăn lươn

    26-12-2024 11:17

    Vành khăn lươn luôn được nội vấn chỉn chu giống như lời tri ân của nội dành cho phong tục truyền thống. Đó cũng là lời nội ngầm răn dạy con cháu.

  • Tuổi già rực rỡ trên sàn nhảy

    Tuổi già rực rỡ trên sàn nhảy

    26-12-2024 06:11

    Bà Lý Thị Bình (81 tuổi, TPHCM) luôn cháy hết mình trong những điệu nhảy, từ điệu slow đến tango, rumba, chachacha…

  • Giả bộ nấu xà bần

    Giả bộ nấu xà bần

    25-12-2024 16:14

    Đó có lẽ là món ăn nhanh có lịch sử lâu đời nhất của đàn bà con gái miền Tây, nhưng sau này có lẽ món ấy chỉ còn trong lời kể.

  • Đưa mẹ đi chơi

    Đưa mẹ đi chơi

    25-12-2024 10:25

    Họ đã quyết định tạm gác lại nhiều thứ, dành thời gian đưa mẹ tham gia những chuyến du lịch đặc biệt.

  • Tại sao đàn ông không biết làm việc nhà?

    Tại sao đàn ông không biết làm việc nhà?

    25-12-2024 06:47

    Trước khi muốn huấn luyện chồng, bạn phải quên đi nếp nghĩ “thâm căn cố đế” của bà và mẹ bạn là “không nên bắt đàn ông mó tay vào việc nhà”.

  • U70 vẫn hào hứng mùa lễ hội

    U70 vẫn hào hứng mùa lễ hội

    24-12-2024 18:25

    Thay vì buồn vì đã già, hãy lạc quan đón nhận mọi thứ để cuộc sống thoải mái hơn, dù ở bất cứ lứa tuổi nào.

  • Chỉ đường cho hươu: Người bạn khác thường

    Chỉ đường cho hươu: Người bạn khác thường

    24-12-2024 14:44

    Hễ cô gái nào bật đèn xanh và bày tỏ ý định nâng cấp tình bạn lên thành tình yêu là bạn ấy “tắt nguồn” và tránh mặt.

  • Gia đình là điểm tựa để thực hiện ước mơ

    Gia đình là điểm tựa để thực hiện ước mơ

    24-12-2024 12:15

    Với những doanh nhân, gia đình là là điểm tựa và là nguồn cảm hứng, minh chứng cho giá trị sản phẩm họ mong muốn đem đến thị trường.

  • Đón mùa lễ hội vui mà không “hao”

    Đón mùa lễ hội vui mà không “hao”

    24-12-2024 06:01

    Những ngày lễ, tết không áp lực sẽ là những kỷ niệm, ký ức đáng nhớ trong mỗi gia đình.

  • Mai ăn chi mẹ hè?

    Mai ăn chi mẹ hè?

    23-12-2024 19:21

    Ở trong gia đình với 4 thế hệ, việc nấu đúng với nhu cầu từng người sẽ khá vất vả, nhưng mẹ vẫn luôn chuẩn bị tươm tất.

  • Dạy con nghĩ tích cực

    Dạy con nghĩ tích cực

    23-12-2024 14:55

    Khi ta đổi cách nhìn nhận một vấn đề, dường như nó không còn là “vấn đề” nữa.

  • Mẹ và con chinh phục những cung đường, những đỉnh cao

    Mẹ và con chinh phục những cung đường, những đỉnh cao

    23-12-2024 06:45

    Chỉ trong vòng 5 tháng, mẹ và 2 con đã chinh phục thành công 4 đỉnh núi và 1 đỉnh đèo có độ cao từ 2.860m đến 4.575m.

  • Già đi, là chúng ta còn may mắn

    Già đi, là chúng ta còn may mắn

    22-12-2024 16:06

    Tuổi già nhất định sẽ đến. Nếu chúng ta ứng xử với nó một cách tích cực thì cuộc sống của chúng ta sẽ chủ động hơn, tích cực hơn.

  • Tuổi nào ta cũng yêu mình!

    Tuổi nào ta cũng yêu mình!

    22-12-2024 07:07

    Bà xem sự tự do trong cuộc đời là một đặc quyền và ngày nào còn tự do, ấy mới là ngày đáng sống.

  • Gửi tôi, người đàn bà 20 năm nữa

    Gửi tôi, người đàn bà 20 năm nữa

    21-12-2024 20:12

    Tôi hứa sẽ dưỡng mình thành người đàn bà nhiều nếp nhăn vui vẻ, không làm vướng bận hay phiền toái một ai...

  • Mang Huế xưa về gần mẹ cha

    Mang Huế xưa về gần mẹ cha

    21-12-2024 10:17

    Ông đã mang cả xứ Huế đặt trong nhà, chỉ để tặng cha mẹ, tặng cho ông bà nơi cố hương.

  • Giáng sinh đa văn hóa

    Giáng sinh đa văn hóa

    21-12-2024 06:28

    Gần 10 năm ở châu Âu, với tôi là những trải nghiệm khá đặc biệt về Giáng sinh giữa các nền văn hóa.

  • “Người thứ ba”

    “Người thứ ba”

    20-12-2024 10:00

    Thế nhưng, cũng chính vì quá thân, cộng với suy nghĩ “thân thì không cần giữ kẽ”, chị thường xuyên làm chúng tôi khó xử.