Mẹ không được khám tiền sản, con gái mang khối u hiếm gặp

15/10/2018 - 12:16

PNO - Bé gái 10 tuổi ở Đồng Nai mang khối u phổi hiếm gặp trong người từ lúc chào đời. Y văn thế giới chỉ ghi nhận có 16 trường hợp.

Ngày 15/10, ThS.BS Vũ Trường Nhân - Phó khoa Ngoại Tổng hợp, Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP.HCM) - cho biết, bệnh viện đang điều trị cho bé gái T.T.Q.N. (10 tuổi, ở Đồng Nai) mang khối u xâm lấn toàn bộ phổi trái rất hiếm gặp.

Bé gái mang khối u suốt 10 năm nay do mẹ bé không chẩn đoán tiền sản. Đây có thể là trường hợp đầu tiên trên thế giới ghi nhận ở lứa tuổi này mang khối u có kích thước quá lớn, không đáp ứng hóa trị.

Me khong duoc kham tien san, con gai mang khoi u hiem gap
Khối u phổi trên phim X quang ngực của bé  N.

Bệnh nhi được người nhà đưa đến Bệnh viện Nhi Đồng 2 do ho kéo dài, khó thở khi gắng sức. Qua hình ảnh CT scan ngực, các bác sĩ phát hiện một khối u phổi khổng lồ xâm lấn toàn bộ phổi trái, gây tắc phế quản lẫn động mạch phổi bên trái. Tình trạng này khiến bé gái chỉ hô hấp bằng phổi bên phải.

Đánh giá đây là ca mổ vô cùng khó khăn và nguy hiểm, các bác sĩ quyết định sinh thiết khối u bằng kim. Bởi nếu khối u ác tính thì phương pháp hóa trị sẽ giúp thu nhỏ kích thước, giúp cuộc mổ an toàn hơn.

Tuy nhiên kết quả sinh thiết phát hiện đây là khối u nguyên bào sợi cơ quấn quanh phế quản bẩm sinh, không đáp ứng với hóa trị.

BS Nguyễn Trần Việt Tánh - khoa Ngoại Tổng hợp, Bệnh viện Nhi Đồng 2 - cho biết: “Khối u quá lớn đã xâm lấn vào khoang màng ngoài tim, động tĩnh mạch phổi và phế quản bên trái. Chỉ một sai lầm nhỏ cũng khiến bệnh nhi tử vong ngay trên bàn mổ. Trường hợp này khó đến nỗi có thể rất ít bác sĩ dám mổ".

Me khong duoc kham tien san, con gai mang khoi u hiem gap
Bé N. sau ca mổ

Bên cạnh đó, sau khi loại bỏ khối u, khoang màng tim phải được tái tạo lại để ngăn ngừa tình trạng thoát vị tim, một biến chứng vô cùng nguy hiểm và nhiều biến chứng xảy ra sau mổ.

Thế nhưng, nếu bệnh nhi không được mổ có thể đột tử do tình trạng tắc động mạch và phế quản.

Sau nhiều đắn đo, êkíp mổ đã phải khéo léo bóc tách và mất 8 giờ căng thẳng mới loại bỏ hoàn toàn được khối u nặng 1,5 kg. Hiện bé khỏe mạnh hoàn toàn và không bị các biến chứng.

Theo tài liệu của Tổ chức Y tế thế giới, hiện chỉ có 16 trường hợp bị nguyên bào sợi cơ quấn quanh phế quản bẩm sinh. Và các ca này được phát hiện ở lứa tuổi sơ sinh nhờ vào chẩn đoán tiền sản. 

Hiếu Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI