Mẹ không dạy dỗ nữa, mà sẽ trò chuyện với con

29/08/2022 - 05:31

PNO - Chị Nguyễn Thị Hòa hiện đang làm nghề lồng tiếng. Có hai con trai (Gia Hòa lên mười, Xuân Hòa lên chín) nên chị rất quan tâm tìm tòi cách dạy con hay và đúng.

Tuần trước, chị trao đổi với hai con về cách cư xử trong mối quan hệ mẹ con. Chị nói: "Mẹ sẽ không dạy dỗ tụi con nhiều nữa".

Hai đứa trẻ tròn mắt ngạc nhiên. Cậu cả nói: "Trước giờ mẹ vẫn dạy con mà!". Chị giải thích: "Lúc các con còn nhỏ, mẹ "dạy" tụi con những kỹ năng sống trong xã hội như tự ăn mặc, vệ sinh, cư xử, giao tiếp... Giờ mẹ dạy tụi con nấu nướng, xếp quần áo. Nhưng mẹ không bao giờ bảo con: "Con phải ráng thi cho đậu đại học, phải biết chăm chỉ làm việc kiếm tiền, không học hành thì ra đường lượm ve chai...".

Chị Hòa luôn trò chuyện vui vẻ với hai con trai
Chị Hòa luôn trò chuyện vui vẻ với hai con trai

 

Đó mới là dạy dọa - vừa dạy vừa dọa nạt. Chị nói với hai cậu con trai của mình rằng: “Mẹ không dạy nữa, mà trò chuyện với con, mẹ trình bày những gì mẹ biết về thế giới này. Nếu con tập luyện ca hát, sau này con có thể trở thành ca sĩ, đó là một nghề kiếm được tiền, nhưng không ổn định.

Con thích nấu nướng, nếu con rèn luyện con có thể trở thành đầu bếp, đó cũng là một nghề kiếm được tiền, nhưng phải suốt ngày đứng trong bếp nóng nực. Nhưng mẹ cảnh báo rằng, đó chỉ là những gì mẹ biết chứ không phải tất cả sự thật đang diễn ra ngoài kia. Mà cho dù mẹ có nói đúng thì nó cũng chỉ đúng vào lúc đó mà thôi, những công việc ấy hay nói chung thế giới này thật sự ra sao, muốn biết, con phải tự mình bước vào”. 

Hai cậu con trai tròn mắt lắng nghe. Chị Hòa nói tiếp: “Mẹ càng không uốn nắn con. Con biết cây mai chưng tết không? Người ta không cho nó mọc theo tự nhiên mà dùng kẽm uốn cong cành nhánh thành những hình thù mà người ta thích, do đó các cây mai tết giống hệt nhau. Người lớn vẫn hay làm vậy với trẻ con. Chúng nó phải học giỏi đều các môn, phải thi các chứng chỉ ngoại ngữ, hết lớp 12 thì thi đại học, đại học xong thì đi nước ngoài du học hoặc học lên cao học.

Ra trường, cố chạy cho được một "công ăn việc làm ổn định". Con muốn không thi đại học mà vào nhạc viện ư? Không được! Con muốn bỏ học đại học ra kinh doanh ư? Không được! Con muốn nghỉ công ty nước ngoài ra làm freelancer ư? Điên rồi!”. 

Để lấy ví dụ trực quan hơn, chị Hòa mở Google cho hai đứa xem hình những cây mai tết. Hai anh em nhao nhao: “Đúng là giống hệt nhau!”.

Chị chỉ cho chúng xem một gốc mai đại thụ thật to nhưng cành nhánh thấp tè, ủm tròn như một cây nấm nằm gọn trong chậu, phủ kín những cái bông mai vàng. Lúc này, anh cả Gia Hòa nói: “Đúng ra cái cây này phải cao lớn lắm nhưng người ta ép riết nó có chút xíu, giống mấy đứa chỉ lớn cái xác”.

Chị rất ngạc nhiên vì phát biểu ông cụ non của cậu cả thì cậu nhỏ Xuân Hòa lấy cái gối đập bình bịch xuống sàn nói: "Không được ép con nít!”.

Chị Hòa nói với các con: "Mẹ nuôi dạy tụi con như vun trồng một cái cây mà còn không biết sẽ là cây gì? Hai đứa ngạc nhiên hỏi lại: "Mẹ không biết hả?".

Chị nói: “Đúng rồi, mẹ không biết. Từ lúc tụi con còn nằm trong bụng, mẹ đã tự hỏi, tụi con sẽ như thế nào, cao ốm mập lùn đen trắng, có thừa hưởng năng khiếu nghệ thuật của mẹ không, hay thiên hướng thể thao của ba? Tính tình sẽ thế nào? Mẹ chẳng biết gì cả”.

Hai đứa có vẻ chưa hết ngạc nhiên, vì chúng vẫn nghĩ, mẹ nắm rõ chúng lắm. Cậu anh hỏi vặn: "Bây giờ mẹ cũng chưa biết luôn hả?".

"Vẫn chưa". Chị Hòa trả lời, rồi hỏi lại con: "Con biết không? Con có biết con sẽ là người thế nào không?". Cậu cả lắc đầu, bảo con không biết.

“Đó! Con còn không biết bản thân con, làm sao mẹ biết! Cha mẹ chỉ cho con hình hài, một số đặc tính di truyền. Cho nên mẹ nuôi dạy con như nuôi một mầm cây bí ẩn, con ra một chiếc lá, con nảy một cái chồi, nhìn hình dáng mẹ mới đoán xem con là cây gì, rồi lần mò thử xem con cần gì để phát triển. Rốt cuộc biết đâu con là một cái cây chưa từng có trước giờ. 

Và những cái cây bị uốn nắn có khi không thể nào đơm hoa kết trái và cha mẹ bèn gắn hoa giả, trái giả vô đó. Như khi con chỉ là thích nấu nướng, mở một cái quán ăn nhỏ nhưng cha mẹ ép con học bác sĩ, con học không nổi, cha mẹ chạy bằng cấp cho con, rồi chạy cả chỗ làm cho con.

Vậy ông bác sĩ đó là bác sĩ giả rồi, như hoa trái bằng nhựa, bệnh nhân đến khám ở bác sĩ giả như người ăn trúng trái nhựa, bệnh không hết, còn nguy hiểm tính mạng.

Cậu cả vừa ngáp vừa nói: “Con không làm ông bác sĩ giả, làm ông bán đồ ăn thiệt tốt hơn”. Thấy hai con đã buồn ngủ, chị kết luận: “Cho nên, một người mẹ thành công trong việc dạy con là người biết quan sát con, vun đắp cho con được phát triển tự nhiên, khỏe mạnh và hạnh phúc”. 

Tuệ Nga

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI