Mẹ không còn cơ hội nói dối

17/07/2023 - 13:03

PNO - Những người mẹ lo cho người khác nhiều đến nỗi quên rằng bản thân mình như cây lúa cuối mùa cần được quan tâm, chăm sóc.

Làm nông dân, đang mùa thì bận, hết mùa thì nhàn. Thế nhưng mẹ tôi lại khác. Cả khoảng thời gian hè tôi về thăm, dù lúa đã vào bồ, đậu mè thu hoạch xong cũng đã bán hết, vậy mà mẹ cứ loay hoay hết làm cái này lại soạn ra cái khác.

Mẹ của tác giả sống ở nông thôn miền Trung
Mẹ của tác giả sống ở nông thôn miền Trung

Hết chặt tre sửa chuồng gà, mẹ lại cầm cuốc, rựa đi qua khu vườn bỏ hoang cạnh nhà để phạt cỏ, cuốc đất, ươm giống, trồng rau, trồng hoa…Thấy mẹ bận rộn, tôi cũng mừng. Ở tuổi mẹ bây giờ, vẫn còn siêng vận động là quá tốt. Đến bữa, mẹ sẽ ăn ngon, tối sẽ ngủ sâu giấc.

Tuy nhiên, thực tế đâu phải vậy. Suốt mấy hôm liền, tôi để ý, trước khi đi ngủ, mẹ lôi từ chân giường ra một chai rượu xoa bóp bốc mùi hắc nồng rồi lắc nhẹ, đổ ra tay, mẹ xoa đều lên gót chân, khớp gối, các kẽ tay. Đêm, sau hồi tâm sự thật lâu, mẹ cũng chẳng thể yên giấc như tôi mường tượng.

Tôi nghe tiếng mẹ cựa mình, liên tục quay trở, hình như thỉnh thoảng mẹ còn rên lên mấy tiếng vì đau nhức.

Hôm sau, tôi hối mẹ để tôi đưa đi bệnh viện kiểm tra sức khỏe. Biết không thể lãng tránh lời con gái như khi ở xa, mẹ tôi đành đồng ý. Trước khi lên xe, mẹ vẫn “bướng bỉnh”: “Tuổi già, ai chẳng loãng xương, nhức mỏi. Có gì nghiêm trọng mà phải khám khiếc”.

Tôi hỏi mẹ: “Tại sao đau ốm mà mẹ phải giấu? Tại sao mẹ vẫn tiếp tục loay hoay, làm lụng nhiều trong khi con cái đều đã trưởng thành, gia đình đâu còn thiếu thốn như ngày xưa?”. Mẹ trả lời: “Tuổi già càng nằm càng mệt, mẹ làm cái này cái kia để mong “lướt bệnh”. Cuộc sống của các con sau hôn nhân vốn đã có rất nhiều điều lo lắng, áp lực, mẹ không thể ở cạnh từng đứa để quan tâm, hỗ trợ nên cũng chẳng muốn làm mấy đứa nặng lòng thêm”.

Thì ra, bấy lâu nay, vì sợ phiền con cháu, vì tiếc tiền mà mẹ tôi luôn âm thầm chịu đựng những cơn đau. Suy nghĩ của mẹ tôi cũng như bao bà mẹ khác trên đời. Những gì ngon, bổ, tốt đẹp nhất, mẹ luôn dành cho người khác, còn phần mình lúc nào cũng “vỗ ngực”: “Mẹ ổn”, “Mẹ chẳng thiếu gì”, “Đừng lo cho mẹ”… Có tôi bên cạnh, mẹ không còn cơ hội để nói dối qua điện thoại: “Mẹ khỏe, con đừng lo” như mọi lần nữa.

Nghiệm lại, cả mẹ và tôi đều lần đầu làm mẹ. Như nước nguồn chảy xuôi, mỗi ngày, dù bên cạnh hay ở xa nhau, mỗi người đều chăm chăm hướng tình thương về các con mình. Những người mẹ lo cho người khác nhiều đến nỗi quên mất bản thân mình như cây lúa cuối mùa sắp cạn sinh lực cần được quan tâm, chăm sóc.

Như tôi, là bà mẹ có con nhỏ, mùa hè, mỗi ngày tôi sẽ pha nước cam, tăng cường rau xanh trong thành phần bữa ăn, nhắc con uống nước trái cây, uống thêm thật nhiều nước. Mùa đông, đêm nào trước giờ đi ngủ, tôi cũng bôi dầu tràm vào lòng bàn chân cho con rồi mang tất giữ ấm. Chỉ cần thấy con biếng ăn, lười chơi, sắc mặt đổi khác, tôi đã cấp tập cặp nhiệt độ, líu ríu tra cứu thông tin…

Mẹ của tác giả làm việc không ngơi tay. Sân nhà rộng nên bà càng thêm nhỏ bé.
Mẹ của tác giả làm việc không ngơi tay. Sân nhà rộng nên bà càng thêm nhỏ bé.

Với con, người mẹ nào cũng hằng ngày nâng niu. Nhưng với cha mẹ mình, đôi khi, chỉ một cuộc chuyện trò, thăm hỏi, chúng ta lại lấy lý do bận rộn để rồi hẹn rày hẹn mai. Đợt này vào thành phố, tôi sẽ tìm hiểu quầy thuốc đông y uy tín để bốc thêm cho mẹ vài thang thuốc bắc.

Thời gian canh lửa, sắc thuốc, hít hà mùi thơm thảo mộc nghi ngút bay lên trong sương chiều, nắng sớm, hẳn mẹ cũng được sống chậm, thong dong hơn vài nhịp ngày thường. 

Diệu Thông

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI