Mẹ khổ nhiều rồi, giờ mẹ hạnh phúc nhé…

09/12/2023 - 15:34

PNO - Hành trình vượt nghèo thoát khó của tôi, nếu không có cha mẹ dõi theo, đồng hành, hỗ trợ… thì chắc chắn sẽ rất khó, thậm chí không bao giờ thành công.

Tôi là con một. Có lẽ vì vậy, tôi được cưng. Tôi nhớ mãi, hồi mình còn nhỏ, dù nhà không khá giả, cha mẹ vẫn cố sắm sửa cho tôi đủ đầy để tôi được bằng bạn bằng bè. Chiếc cặp mới mỗi đầu năm học, quần áo tươm tất đón tết hay chiếc ti vi có đầu máy để nghe đĩa nhạc trẻ… là bao vất vả từ bàn tay mẹ, từ giọt mồ hôi cha. Tôi thích gì, mẹ cha đều chắt chiu để mua cho. 

Những đứa trẻ sinh ra trong khó khăn, lớn lên trong nghèo khổ thường dễ nhạy cảm và dễ nhìn thấy được sự hy sinh, dành dụm yêu thương của cha mẹ cho mình. Tôi hiểu điều này và cũng nhờ đó mà thương cha mẹ nhiều hơn.

Thương cha mẹ, tôi nỗ lực học hành, nỗ lực để sống tốt giữa bao bộn bề của cuộc sống. Từ lớp Mười, mẹ đã cho tôi học ở thành phố Bến Tre - môi trường học tập tốt nhất trong tỉnh. Nhiều lúc nghe mẹ nói “Hồi đó, cho con đi xa, mẹ lo lắm, nhớ lắm”, tôi lại giấu nước mắt vào lòng. Mẹ cha đã bấm bụng xa con vì muốn con tự lập và có điều kiện tốt hơn để phát triển bản thân.

Tác giả đưa mẹ đi du lịch Thái Lan năm 2022 - nơi tác giả đang làm nghiên cứu sinh tiến sĩ
Tác giả đưa mẹ đi du lịch Thái Lan năm 2022 - nơi tác giả đang làm nghiên cứu sinh tiến sĩ

Tôi nhớ những lần về nhà, sợ con mình học xa thiếu thốn, mẹ lại làm các món ngon cho tôi ăn. Mẹ nhìn tôi ăn ngon và hạnh phúc, có khi mẹ không ăn cũng không đói. Thức ăn tinh thần của người mẹ người cha là những đứa con khỏe mạnh, học hành đàng hoàng, sống tử tế.

Tôi biết vậy nên gắng học. Từ cấp nhỏ tới lớn, tôi đều không phụ từng đồng học phí mẹ cha đã chắt chiu gửi cho mình. Món quà tôi mang về chính là kết quả học tập cao, để đi đâu trong xóm nhỏ, mẹ tôi cũng tự hào vì “con bà học giỏi quá ha, lại đẹp trai”.

Mẹ tôi bảo, nhiều người có điều kiện hơn gia đình mình hay nói với mẹ rằng: ước gì con họ cũng học giỏi và ngoan hiền như vậy, khó khăn mấy họ cũng vui lòng. Tôi bảo với mẹ, nhà nào cũng có hoàn cảnh, lối sống riêng. Với nhà mình thì con biết cha mẹ khổ nên cố gắng để mỗi đồng tiền lon gạo của cha mẹ đều mang lại giá trị.

Cứ vậy, tôi từ cậu nhóc nhà nghèo bước chân vào đại học. Mẹ quyết định chạy chợ khi cùng dì Ba thức sớm để đi lấy hàng và kịp bán lúc 4-5 giờ sáng. Để có hàng ngon, hàng tươi, mẹ và dì phải rời nhà từ 2 giờ. Đây là lúc người ta ngủ ngon nhất mà mẹ phải thức để đi kiếm tiền nuôi tôi học hành. Học phí đắt thì mẹ càng lo, cha càng nhọc. Hết chạy chợ đến làm vườn, buôn bán đủ thứ, làm lụng đủ việc, miễn có đủ tiền cho con học. Tôi ráng không nợ môn và cũng đỡ đần cho cha mẹ bằng cách làm thêm, để có đồng vô đồng ra, lo phụ mẹ bữa cơm, đóng một phần tiền trọ…

Ngày tôi ra trường, mẹ cha mừng vui khôn tả. Rồi tôi bôn ba kiếm việc, trở thành thầy giáo ở Sài Gòn, rồi học lên cao học. Tôi chinh phục những mục tiêu nhỏ để hướng đến mục tiêu lớn hơn - kiến tạo sự nghiệp cá nhân, nhưng cũng đồng thời là món quà dành tặng cha mẹ, nhất là cho mẹ - người đã khuya sớm thức làm việc nhọc thân, bảo ban, lo lắng cho tôi nhiều thứ.

Mỗi khi có chuyện buồn vui, tôi đều nhắn hoặc gọi cho mẹ. Đôi khi không phải để xin ý kiến hay lời khuyên mà chỉ để biết có người đang lắng nghe, đang hiểu mình. Mẹ tôi đã bình yên ở đó, khỏe mạnh cho tôi có chốn quay về mỗi dịp lễ tết, hay khi gặp khó khăn, sự cố…

Ai đó bảo, hãy dành thời gian cho cha mẹ khi người còn sống. Nếu ở gần, hãy dành những bữa cơm cho cha mẹ, ăn chung, buông chiếc điện thoại xuống và trò chuyện. Nếu ở xa, hãy gọi về thăm hỏi thường xuyên, sống khỏe, sống an, tạo dựng sự nghiệp ổn định để cha mẹ an lòng. Tôi không dám nói mình đã làm tốt những điều này, nhưng tôi đang cố gắng hướng đến điều này, để làm tốt nhất có thể. Như mấy năm trước, khi tôi trở thành giảng viên khoa ngoại ngữ ở một trường đại học lớn tại TPHCM, cha mẹ rất vui mừng, yên tâm về tôi.

Hành trình vượt nghèo thoát khó của tôi, nếu không có cha mẹ dõi theo, đồng hành, hỗ trợ… thì chắc chắn sẽ rất khó, thậm chí không bao giờ thành công. Dù tôi có là ai, một giảng viên hay nghiên cứu sinh, tiến sĩ hay có bao nhiêu danh phận ở đời khiến người ta mơ ước thì khi trở về quê nhà Giồng Trôm, tôi cũng chỉ là đứa con bé nhỏ của cha mẹ.

Năm 2022, tôi đưa mẹ đi Thái Lan - nơi tôi đang làm nghiên cứu sinh tiến sĩ. Tôi hay nói với mẹ, mẹ khổ nhiều rồi, giờ mẹ nhớ bình an, hạnh phúc nha. Mẹ tôi mỉm cười. Đó có lẽ là câu trả lời mẹ đã đồng ý, nhất là mỗi khi mẹ con đi đây đi đó. 

Lê Trường An

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI