Chúng tôi hẹn nhau cà phê vào một buổi sáng muộn, khi trời đang dần nóng hơn. Đó là một buổi sáng không vội vã, thời gian cứ thong thả trôi như những làn khói trắng đang khiến không gian nơi đây trở nên đặc quánh.
Không chịu được mùi thuốc lá, bạn tôi khẽ cau mày, quay sang bàn bên cạnh. Người đang nhả khói về phía chúng tôi là một phụ nữ. Và ơ kìa, cô ấy đang mang thai!
Nếu ngồi đó là một gã đàn ông, chúng tôi đã dễ dàng mời anh ta dời sang khu vực dành cho người hút thuốc lá. Nhưng sự mệt mỏi, căng thẳng trên gương mặt người đàn bà này khiến chúng tôi khựng lại, ngây người nhìn những cuộn khói vô cảm mà chẳng biết phải làm gì.
Cô bạn tôi, người phụ nữ hiếm muộn, bất lực trước khát khao làm mẹ, sau khoảnh khắc bất ngờ, đã chuyển sang phẫn nộ. Cô phẫn nộ với chính mình khi không thể đề nghị người mẹ kia dập tắt điếu thuốc vì sự an toàn của thai nhi trong bụng.
Từ bàn bên này, câu chuyện của chúng tôi chỉ xoay quanh những hiểm họa mà trẻ sơ sinh phải đối mặt khi có một người mẹ nghiện thuốc lá. Nhiều lần, bạn tôi cố ý nói to để người phụ nữ bàn bên nghe thấy, dù biết điều này có hơi khiếm nhã, rằng không phải ai cũng may mắn có được một mụn con, như bạn tôi chẳng hạn; còn người mẹ kia, nếu việc làm mẹ không khiến chị ta hạnh phúc, thì tốt nhất đừng tạo ra một sinh linh bé nhỏ và bỏ mặc chúng với những biến chứng sức khỏe khôn lường.
Không thể đếm có bao nhiêu điếu thuốc đã được người phụ nữ ấy đốt liên tục trong suốt một tiếng đồng hồ, kể từ khi chúng tôi ngồi đây, chưa kể những điếu thuốc đã châm lửa trước khi chúng tôi có mặt. Nhìn trang phục và chiếc máy tính bảng trên tay người mẹ, tôi đoán chị có nhiều cơ hội để tiếp nhận những thông tin về sức khỏe sinh sản.
Có lẽ chị đã được khuyến cáo về việc dạ con bị nhiễm các chất có trong thuốc lá sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển não bộ của đứa trẻ, thậm chí nguy cơ trẻ bị rối loạn thần kinh, rối loạn hành vi, gặp vấn đề về hô hấp, sứt môi, hở hàm ếch, sinh non, chết lưu... Biết vậy, tại sao những người mẹ nghiện thuốc lá vẫn không thể bỏ thuốc vì con? Lẽ nào họ không yêu thương khúc ruột của mình đủ để hy sinh vì chúng?
Không thể nói thai phụ nghiện thuốc lá kia là một phụ nữ bất bình thường và trên đời sẽ chẳng có ai cư xử giống như chị. Vì chúng ta không phải là họ, không sống cuộc đời của họ, nên không thể tự cho mình cái quyền lên án họ, dù hành động của họ thật khó mà cảm thông.
Tôi đã làm mẹ, và tôi tin bất cứ ai đã từng làm mẹ, trong lúc này, đều chỉ nghĩ đến những đứa trẻ - con của người mẹ bất hạnh ấy... và ước, giá mà mẹ chúng đừng tạo ra chúng, một khi họ chưa tìm được lối thoát cho cuộc đời mình.
Người mẹ ấy có thể quyết định việc có con, nhưng đứa bé lại không thể quyết định việc chào đời của mình. Người mẹ ấy đủ trưởng thành để sống mà không phụ thuộc, nhưng đứa bé thì quá nhỏ để luôn phải phụ thuộc vào người khác. Người mẹ ấy có thể thay đổi cuộc đời mình, nhưng đứa bé thì không thể thay đổi số phận của chính nó. Rõ ràng, đứa bé yếu thế hơn, nên cần được bảo vệ nhiều hơn.
Trầm cảm có thể chữa được, nghiện có thể cắt cơn, dù rất khó. Nhưng làm sao khó bằng phải sống suốt đời với sự ân hận, giày vò, trước một hậu quả mà đứa trẻ phải hứng chịu, vì vấn đề của chính người sinh ra nó?
Cách đây không lâu, tiến sĩ Nadja Reissland thuộc Đại học Durham (Anh), đã sử dụng máy siêu âm 4D để ghi lại hàng ngàn chuyển động rất nhỏ của em bé trong bụng những thai phụ nghiện thuốc lá. Hình ảnh thai nhi ở bốn thời điểm: 24, 28, 32 và 36 tuần đều có cùng một động tác như nhau.
Tất cả đều nhăn nhó, căng thẳng và thường xuyên đưa tay ôm mặt, che mũi như phản xạ của bất cứ ai bị buộc phải hút thuốc thụ động - những hình ảnh thực sự ám ảnh, như thể nghe được cả tiếng khóc của những hài nhi còn chưa thành hình, mà cái giọng van nài vẫn vang lên rõ rệt: “Con khó thở lắm mẹ ơi!”.
“Hơn 1/10 phụ nữ mang thai hút thuốc và rất nhiều trong số đó bị trầm cảm. Điều này khiến cho việc cai thuốc càng trở nên khó khăn hơn. Chất nicotine trong thuốc lá có tác dụng như một loại thuốc chữa trầm cảm nhẹ. Các bà bầu hút thuốc không phải vì muốn tạo phong cách. Trên hết, họ đang tìm cách chữa trị cho bản thân. Nhưng cái giá phải trả lại quá đắt”.
Tiến sĩ Jan Blalock - Đại học Texas (Mỹ)
|
Hồng Hạnh