Mẹ Huê ở làng trẻ em SOS Nha Trang

02/08/2024 - 06:14

PNO - Trong cuộc sống bộn bề vẫn có những con người âm thầm cống hiến và hy sinh để mang lại niềm vui, hạnh phúc cho người khác. Chị Lê Thị Kim Huê - người mẹ của làng trẻ em SOS Nha Trang - là một người như vậy, một người phụ nữ bình dị, nhưng trái tim đầy ắp tình thương.

Hành trình làm mẹ

Làng trẻ em SOS Nha Trang được thành lập năm 1999, là nơi trú ngụ của hàng trăm trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, bị bỏ rơi hoặc mồ côi cha, mẹ. Tại đây các em không chỉ được chăm sóc, giáo dục mà còn được trao cơ hội để phát triển toàn diện và hạnh phúc. Giữa những tiếng cười trẻ thơ và không gian bình yên của làng, tại ngôi nhà số 2 (nhà Họa My) có một người phụ nữ đặc biệt - mẹ Huê.

Một buổi sáng nắng ấm, mẹ đang chuẩn bị bữa trưa cho các con. Trong căn bếp nhỏ, mẹ búi tóc gọn gàng, tay nấu, tay xào. Mùi thơm của cơm, của rau xào, cá kho tỏa ra khắp không gian khiến chúng tôi cảm nhận được sự bình dị, ấm áp.

Mẹ Huê hướng dẫn các em nhỏ ở làng trẻ em SOS Nha Trang học bài
Mẹ Huê hướng dẫn các em nhỏ ở làng trẻ em SOS Nha Trang học bài

Chị Lê Thị Kim Huê (54 tuổi) sinh ra và lớn lên tại vùng đất Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa, nơi mà giá trị gia đình luôn được đặt lên hàng đầu. Từ nhỏ, chị đã chứng kiến nhiều cảnh đời khó khăn, trẻ em phải mưu sinh từ rất sớm nên mất đi sự hồn nhiên của tuổi thơ, và những hình ảnh đó đã khắc sâu vào tâm trí chị.

Rồi một ngày, khi được người thân cho biết làng SOS Nha Trang có tuyển người nuôi trẻ, chị đăng ký ngay. “Tôi cảm thấy đây chính là nơi mình thuộc về, nơi mà tôi có thể dùng tình yêu thương để chữa lành những vết thương trong lòng các con với suy nghĩ nơi nào có tình thương, nơi đó có sự sống” - mẹ Huê chia sẻ.

Trò chuyện với chúng tôi, mẹ Huê không quên chăm chút cho nồi canh đang sôi trên bếp. “Tôi muốn các con cảm nhận được tình thương qua bữa cơm. Bữa ăn là lúc gia đình quây quần, chia sẻ những câu chuyện vui buồn” - mẹ cười hiền từ. 12 năm gắn bó với làng, mẹ Huê đã nuôi dưỡng, chăm sóc cho 18 đứa con, trong đó có 9 em đã hòa nhập với xã hội.

Những ngày đầu đến với làng, mẹ gặp không ít khó khăn. Việc phải làm quen với hàng chục đứa trẻ mới, mỗi em đều có hoàn cảnh riêng, đòi hỏi mẹ phải có sự kiên nhẫn và tình yêu thương vô bờ bến. “Mỗi đứa trẻ là một câu chuyện, một nỗi đau riêng. Lúc đầu các con còn e dè, nhút nhát không dám trải lòng. Tôi phải học cách lắng nghe và thấu hiểu để có thể giúp các con cảm thấy an toàn và dần dần có thể mở lòng” - mẹ Huê tâm sự.

Niềm vui và nước mắt

Ngoài sân nắng, một bóng hình nhỏ nhắn chạy vội vào nhà, tay cầm bức tranh vừa hoàn thành. Em háo hức khoe: “Mẹ ơi, mẹ xem bức hình con vẽ nhé!”. Vừa nói, Bích Trâm (9 tuổi) vừa đặt bức tranh lên bàn với ánh mắt lấp lánh. Mẹ Huê nhớ lại những ngày đầu Trâm mới vào làng: “Bích Trâm là một cô bé rất nhút nhát và gặp khó khăn trong việc thể hiện bản thân. Thời gian gần đây, con đã hoạt bát hơn rất nhiều, biết thổ lộ tình cảm và còn hay nói lời yêu thương với mẹ, các dì cùng các anh chị. Tôi cảm thấy rất vui. Điều đó cho thấy con đã dần quen và hòa nhập được với cuộc sống và môi trường mới”.

Các em nhỏ ở làng trẻ em SOS Nha Trang quây quần hạnh phúc bên mẹ Huê
Các em nhỏ ở làng trẻ em SOS Nha Trang quây quần hạnh phúc bên mẹ Huê

Trong suốt 12 năm qua, mẹ Huê có biết bao kỷ niệm đẹp với các con. Đáng nhớ nhất là lần đầu được các con gọi là “mẹ”. Đó là một buổi tối mùa hè, sau khi các con được học bài học về lòng biết ơn và tình yêu thương gia đình, một em nhỏ đã ngập ngừng gọi… “mẹ”. Đó là khoảnh khắc khiến mẹ Huê trào dâng hạnh phúc.

Mẹ Huê cũng kể về những lần các con đạt được thành tích cao trong học tập và cuộc sống. Những giọt nước mắt và nụ cười hạnh phúc của các con là niềm vui và động lực to lớn để mẹ tiếp tục cống hiến. Mẹ luôn nhấn mạnh: “Mỗi đứa trẻ là một món quà, một niềm hy vọng. Chỉ cần cho các con tình yêu và sự chăm sóc, các con sẽ lớn lên và phát triển mạnh mẽ”.

Bên cạnh niềm vui cũng có không ít trở ngại. Nhất là khi các con bước vào tuổi dậy thì, có nhiều biến đổi về tâm sinh lý, thường xuyên đối mặt với những xung đột nội tâm và có xu hướng khép kín. Mẹ Huê trải lòng: “Tuổi dậy thì là giai đoạn rất nhạy cảm và đầy thách thức. Các con thường có những thay đổi bất thường về tâm trạng, dễ bực bội, cáu gắt và đôi khi rất khó gần. Có lúc tôi cảm thấy rất áp lực khi phải tìm cách hiểu và giúp đỡ các con vượt qua giai đoạn này”.

Bởi thế, mẹ Huê không chỉ là người mẹ mà còn là người thầy, người bạn và đôi khi là người chị. Mẹ chăm sóc từng bữa ăn, giấc ngủ, giúp các con làm bài tập và tham gia các hoạt động vui chơi, lắng nghe và thấu hiểu để tư vấn, giải tỏa cho các con bao nỗi niềm...

Những đứa trẻ được mẹ Huê chăm sóc luôn dành cho mẹ những tình cảm đặc biệt. Nguyễn Ngọc Quỳnh Phụng (13 tuổi) - một trong những đứa trẻ của làng - chia sẻ: “Mẹ Huê luôn bên cạnh chúng con, giúp chúng con vượt qua mọi khó khăn. Mẹ không chỉ dạy chúng con kiến thức mà còn dạy cho chúng con cách sống, cách yêu thương và biết ơn”.

Cao Thị Mỹ Y (14 tuổi) kể: “Có lần con bị ốm, mẹ Huê đã thức cả đêm để lo cho con. Mẹ không tỏ ra mệt mỏi hay phiền lòng mà luôn nhẹ nhàng an ủi, động viên con mau khỏi bệnh. Sống bên mẹ, con hiểu được thế nào là tình thương đúng nghĩa. Con hứa sẽ cố gắng học tập để không phụ lòng mẹ”.

Khi được hỏi về ước nguyện, mẹ Huê bày tỏ: “Điều kiện vật chất và sinh hoạt tại làng rất đầy đủ. Lãnh đạo luôn quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất để tôi có thể tập trung nuôi dạy các con. Tôi mong các con được trưởng thành trong môi trường an lành và hạnh phúc, trở thành người có trách nhiệm, biết yêu thương và chia sẻ với mọi người. Đó là sự đền đáp xứng đáng nhất mà tôi muốn nhìn thấy”.

Kết thúc câu chuyện, mẹ Huê vẫn đứng lặng lẽ giữa ngôi nhà nhìn các con bằng ánh mắt trìu mến. Với mẹ, hạnh phúc không chỉ là những gì mình nhận được mà còn là những gì mình cho đi.

Làng trẻ em SOS Nha Trang thực hiện chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ bị bỏ rơi và trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khác trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa và một số địa bàn lân cận. Hiện làng đang quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng 126 trẻ, trong đó có 66 em đang học từ mẫu giáo đến lớp Mười hai, đang sống tại 8 ngôi nhà trong làng theo mô hình gia đình thay thế.

Làng hiện có 8 bà mẹ và 1 bà dì với độ tuổi từ 26 đến 54. Qua 25 năm hoạt động, làng đã có 2 thế hệ bà mẹ, bà dì. Thế hệ đầu đã nghỉ hưu. Bình quân mỗi mẹ nuôi khoảng 7-8 trẻ. Còn dì có trách nhiệm hỗ trợ mẹ trong việc chăm sóc. Nhờ sự tận tâm, tấm lòng nhân ái của các mẹ, các dì mà các em được quan tâm chu đáo, tìm thấy điểm tựa tinh thần, đảm bảo phát triển nhân cách trong môi trường lành mạnh.

Làng hiện có 26 trẻ đang học trung cấp, cao đẳng, đại học…

Ông Lê Hùng Nghệ
Giám đốc làng trẻ em SOS Nha Trang


Trần Hằng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI