Con là chàng trai rất hiểu chuyện và biết điều. Thường khi có em, trẻ con hay có tâm lý sợ chia sẻ tình thương của ba mẹ, sợ ba mẹ không còn quan tâm mình như trước nữa, nhưng con lại khác.
Con luôn tỏ ra là một anh Hai thứ thiệt, biết yêu thương và bảo vệ em. Mỗi lần nhìn thấy 2 anh em nằm ôm nhau, hát cho nhau nghe, trái tim mẹ thực sự tan chảy. Còn điều gì hạnh phúc hơn giây phút ấy. Mà thực ra, khi làm mẹ rồi, hạnh phúc trở nên đơn giản đến lạ kỳ.
Nghe những nụ cười giòn của 2 con là hạnh phúc. Thấy 2 anh em đút cho nhau ăn là hạnh phúc. Nhìn 2 anh em quay lại ôm nhau trong giấc ngủ cũng khiến lòng mẹ bình an và đủ đầy.
|
Tác giả và 2 cậu con trai |
Khi mang bầu em Poi, cả ba và mẹ đã tìm hiểu và đọc khá nhiều sách vở về tâm lý con trẻ, để tránh và hạn chế tối đa việc làm con tổn thương. Mẹ cũng đã từng thủ thỉ tâm sự với con rất nhiều về sự có mặt của em Poi sắp tới.
Lúc đó, con mới chỉ là cậu bé lên 2, vẫn đang còn ti mẹ mỗi đêm. Không biết những lời nhắn gửi của mẹ con có hiểu không, chỉ thấy có những lúc con xoa bụng mẹ và nhẹ nhàng đặt môi mình lên: “Con thương em nên hôn em đó mẹ”.
Ngày mẹ sinh em, con phải ngủ với cô vì mẹ ở viện. Em Poi phải chuyển lên bệnh viện nhi để thay máu. Một mình mẹ trằn trọc 3 đêm liền không sao chợp mắt. Phần vì thương em vừa mới sinh đã phải xa cách mẹ, phần vì thương con không có ba mẹ bên cạnh và phần cũng vì phải dậy vắt sữa cả đêm để gửi cho em con. Lúc này, con vẫn chưa dứt sữa. Mẹ biết, những ngày này với con cũng khó khăn không kém.
Khi em và mẹ được về nhà, hầu như toàn bộ thời gian mẹ phải dành cho em. Mẹ sợ con buồn, nên đã nhờ ba chơi với con và quan tâm con nhiều hơn, để con cảm nhận được rằng ba mẹ vẫn ở đây, với thật nhiều yêu thương. Con tỏ ra rất hiểu chuyện.
Ngày nào đi học về cũng chạy lên quấn em, sờ tay sờ chân, kêu tên em thật ngọt và trêu đùa để em cười. Mỗi lúc vậy, trái tim của mẹ lại rưng rưng xúc động, mẹ vẫn gọi đó là ngôn ngữ của hạnh phúc.
Nhưng cũng có khi mẹ cảm thấy bất lực trước cách hành xử của con và em. Một đứa thì ưa chọc ghẹo còn một đứa hở ra là mè nheo. Có những ngày công việc bận rộn và mệt nhọc, mẹ không đủ điềm nhiên và từ ái để đi ngồi giải thích, phân trần cho con hiểu con đang đúng sai thế nào.
Con lên 6, mẹ nghĩ cái tôi của con đã bắt đầu hình thành rõ nét hơn, con cần được công nhận, cần thể hiện chính kiến của mình cho ba mẹ thấy bằng chút ngoan cố, bằng sự chọc ghẹo cho em khóc và buộc ba mẹ phải can thiệp. Khi bình tâm lại, mẹ biết mọi thứ đều đang diễn ra rất tự nhiên.
Những lúc anh em chọc nhau khóc, giành đồ chơi của nhau, thậm chí có khi còn cự cãi và đánh nhau nữa. Hình phạt của mẹ là bắt 2 anh em ôm nhau 5 phút, 10 phút hoặc lâu hơn, cho đến khi cơn giận của cả 2 con đã nguôi và có thể cùng nhau cười đùa trở lại.
Mẹ luôn tâm niệm, sẽ không bao giờ dạy dỗ tụi con bằng đòn roi và nạt nộ. Mẹ không có quyền làm điều đó. Mẹ đã từng lớn lên với đòn roi, với những lời chỉ trích, quát mắng xúc phạm. Một cách vô thức, mẹ lớn lên với một trái tim rất dễ tổn thương và dễ trở nên lầm lì, ít nói, ngại giao tiếp với người khác.
Bây giờ, mỗi lần con sai (mà thực ra mẹ nghĩ không có đúng - sai, tất cả đều là những trải nghiệm cần thiết, cho cả mẹ và con trên hành trình này), ba mẹ đều nhắc nhau: “Cây khô là bởi đất cằn/ Nhìn cây sửa đất, nhìn con sửa mình”.
Mỗi lần như vậy là dịp để ba mẹ tự rèn sự kiểm soát cảm xúc, hành vi, để không làm tổn thương con, không để con tù đọng trong những cảm xúc tiêu cực. Thường mẹ sẽ để cho con bình tĩnh trở lại và trước khi đi ngủ, mẹ sẽ trò chuyện với con như 2 người bạn, phân tích cho con nhận diện cách hành xử của mình.
Những lúc như vậy, con sẽ yên lặng một lúc, sau đó quay lại ôm mẹ và xin lỗi, hứa từ nay sẽ không làm vậy nữa. Mẹ cũng kể cho con những lần mẹ đã hành xử không đúng và hệ lụy là như thế nào, cũng như cách mẹ giải quyết và rút ra bài học để lần sau không mắc phải nữa.
Ai cũng sẽ có lúc đúng lúc sai, nhưng quan trọng là sau lần vấp ngã, mình rút ra được bài học gì, để chín chắn và trưởng thành hơn.
|
Hình phạt dành cho 2 anh em khi cãi nhau |
Nhìn cách con bảo vệ em khi bị bạn bè bắt nạt, cách con dẫn em đi đánh răng và lấy kem, nước muối cho em một cách ân cần, mẹ cảm thấy mình vô cùng may mắn và hạnh phúc. Ba mẹ thống nhất với nhau: việc của ai trả về cho người đó, để không ôm đồm trách nhiệm và không làm giùm các phần việc của con.
Mẹ muốn 2 chàng trai của mẹ tự chủ trong mọi việc và học cách tự chịu trách nhiệm về cuộc đời mình. Ba mẹ chỉ là người bạn đồng hành thân thiện, luôn bên cạnh để lắng nghe và hỗ trợ khi cần thiết mà thôi.
Đến giờ, mẹ vẫn thầm cảm ơn 2 con, đã đến như một phép màu, vừa là người bạn, vừa là người thầy dạy mẹ nhiều điều, để hoàn thiện bản thân mình hơn và để tròn vẹn các trải nghiệm của mình trong vai trò làm vợ, làm mẹ, làm người bạn để thấu hiểu và đồng hành cùng con.
Ngô Thúy Nga